Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/10/2008-14:05:00 PM
Giải bài toán xuất khẩu 65 tỷ USD
Tăng tỷ trọng hàng công nghệ Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước ước đạt 48,575 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8 đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại về khả năng duy trì mức tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm và cả năm 2009.

Lắp ráp máy in phun tại Nhà máy
Canon Việt Nam

Sản lượng xuất khẩu 16/25 mặt hàng chủ lực đạt mức thấp

Theo Bộ Công thương, trong số những nhóm, ngành hàng XK quan trọng có 2 nhóm hàng nông-lâm-hải sản và nhóm khoáng sản khó có sự tăng trưởng về lượng trong lúc giá thế giới đang “tụt dốc” mạnh. Sản lượng gạo có thể tăng thêm 1 triệu tấn, nhưng giá gạo thế giới đang giảm mạnh, thậm chí chỉ còn một nửa, 9 tháng đầu năm, bình quân giá XK đạt gần 700 USD, nhưng những tháng cuối năm có thể chỉ đạt 450-500 USD/tấn. Cà phê, hạt tiêu không tăng về lượng, lại đang chững về giá. Khoáng sản, dầu thô đạt hơn 60% kế hoạch XK, trong khi đó thời gian chỉ còn hơn 2 tháng mà phải “gánh” gần 40% kế hoạch, lại vào mùa khó khai thác. Giá dầu thô thế giới đã giảm 20% so với lúc cao nhất, đang tiếp tục giảm. Như vậy, hy vọng tăng trưởng XK chỉ còn trông vào nhóm hàng công nghiệp đang vào vụ mùa XK chính. Một số mặt hàng công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng mạnh cũng chững lại. 9 tháng qua, hàng điện tử, máy tính chỉ đạt 1,89 tỷ USD so với kế hoạch 3,2 tỷ USD cả năm. Như vậy, 3 tháng còn lại mỗi tháng phải thực hiện tới 430 triệu USD (trong khi mức trung bình từ đầu năm đến nay khoảng 230 triệu USD). Duy chỉ có hàng dệt may là nhiều khả năng vượt chỉ tiêu 9,5 tỷ USD. Tính chung, trong tháng 9 có 16/25 mặt hàng XK chủ lực đạt mức thấp hơn so với tháng trước, khiến giá trị thực hiện của tháng 9 thấp hơn 718 triệu USD so với tháng 8... Ngoài ra, một loạt khó khăn cho sản xuất XK chậm được khắc phục. Đó là vấn đề thiếu điện cho sản xuất, lãi suất vay vốn cao quá mức chịu đựng của DN, những ách tắc trong vận tải biển...Việc chậm khắc phục những khó khăn kể trên sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, XK của DN. Vì vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng XK 9 tháng tăng tới 39%-là mức kỷ lục trong nhiều năm qua, nhưng nếu không dồn sức tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông, thì việc thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch XK 65 tỷ USD trong năm nay vẫn khó hoàn thành.

Tăng tỷ trọng hàng công nghệ trong xuất khẩu!

Theo dự báo, tình hình XK sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2009 khi thị trường của Việt Nam có khả năng bị thu hẹp. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ gia tăng kim ngạch XK vào thị trường này, vốn là thị trường XK chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành da giầy đang gặp khó khăn do EU thôi cấp ưu đãi. Mặt hàng than đá đang được quản lý lại. Vì vậy, dù năm 2009 chưa đến, nhưng “gánh nặng” tăng trưởng năm sau phải luôn cao hơn năm trước dường như đã dồn lên vai những người điều hành XK.

Hiện nay, cơ cấu XK chủ lực của Việt Nam dựa vào 3 nhóm hàng chính: Nông-thủy sản (chủ yếu chưa qua chế biến hoặc sơ chế), khoáng sản và công nghiệp. Trong đó, lượng XK nông - thủy sản và khoáng sản đã đến ngưỡng, còn hàng công nghiệp chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng trên các mặt hàng này thấp, khoảng 25% trên tổng kim ngạch XK. Vì vậy, bài toán tăng số ngoại tệ thu về hiệu quả nhất của XK hiện nay và trong tương lai không phải là tăng số lượng, mà là tăng tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trên sản phẩm, cũng như tỷ trọng hàng công nghệ trong cơ cấu XK. Bài toán này đã được đặt ra cả chục năm nay nhưng vẫn không được giải quyết. Các DN còn thờ ơ với việc nâng cao chất lượng công nghệ, tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực này của các DN Việt Nam chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với 5% ở Ấn Độ và 10% ở Hàn Quốc. Do đó, sau nhiều năm chật vật, tỷ trọng hàng Việt Nam XK đã qua chế biến, cho dù còn thô sơ, cũng chỉ dừng lại ở mức gần 40% tổng lượng hàng xuất. Doanh thu XK hàng dệt may gần 10 tỷ USD, nhưng gần 70% giá trị đó thuộc về công ty đặt hàng ở nước ngoài. Mặt hàng giày dép, điện tử, gỗ... cũng trong tình trạng tương tự khi phải phụ thuộc 70-80% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào nhập khẩu tới 90%. Trong khi đó, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vẫn “ì ạch”, mặc dù ai cũng biết các ngành công nghiệp phụ trợ là thành phần quan trọng để công nghiệp hóa, đẩy mạnh các ngành trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành XK cần xác định hướng đi mới hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lời giải không chỉ cần nỗ lực của mỗi DN, mà còn trong cách điều hành kinh tế vĩ mô .

Thanh Mai
Báo Hà Nội mới

    Tổng số lượt xem: 1252
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)