Ông Martin Rama, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng những giải pháp kiềm chế lạm phát của Việt Nam đang đi đúng hướng và nếu những chính sách này được thực hiện hiệu quả thì “tiềm năng của Việt Nam vẫn còn y nguyên so với 6 tháng trước đây”.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008 hôm 2/6, ông Martin Rama nhấn mạnh dù nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát và thâm hụt mậu dịch ở mức cao nhưng Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài và có sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Tại Diễn đàn, hoan nghênh cam kết của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế trong nước và đảm bảo sự bền vững của đất nước nhưng ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đề nghị Chính phủ nên tập trung vào chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề này trong phạm vi quốc gia.
Cùng quan điểm này, ông Michael J.Pease, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng sự yếu kém của một số định chế tài chính sẽ không chỉ đe doạ riêng ngành tài chính trong nước mà còn làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Tình hình tồi tệ này lại đi kèm với nạn đầu cơ “bong bóng” bất động sản. Vì vậy, cần có ngay những hành động kiên quyết để kiềm chế tình trạng này do nó không chỉ đe doạ nền tài chính nói riêng mà còn kìm hãm tính cạnh tranh lâu dài của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ về đầu tư nước ngoài tại những quốc gia láng giềng.
Ông Alain Cany cũng hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ trong cuộc chiến chống lạm phát bằng cách cắt giảm việc thanh toán bằng tiền mặt trong hoạt động thương mại nhưng lưu ý rằng Việt Nam vẫn cần “bảo đảm cho các nhà xuất khẩu trong nước không phải chịu những tác động của công cụ tiền tệ”.
Kết quả cuộc điều tra của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về môi trường kinh doanh ở Việt Nam cho thấy 92,6% các công ty sản xuất của Nhật hiện đang hoạt động ở Việt Nam dự định mở rộng tăng vốn đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, không có công ty nào dự định thu hẹp quy mô hay di chuyển đi nước khác.
Mặc dù vậy, ông Hiroyuk Moribe, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản hiện nay không hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam như trước kia. Tỷ lệ hài lòng với địa điểm đầu tư tại Việt Nam của các công ty Nhật đã giảm từ 75,4% năm 2006 (đứng đầu) xuống 41,7% năm 2007 (đứng thứ 5 trong 6 nước ASEAN) là mức sụt giảm lớn nhất trong số các nước và khu vực được điều tra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết những điểm chưa hài lòng của nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ là những yếu tố ngắn hạn, do chịu ảnh hưởng của lạm phát. Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực kiềm chế lạm phát./.