Người dân thủ đô sẽ sử dụng tuyến tàu điện ngầm (metro) đầu tiên nối từ phía tây bắc thành phố đến trung tâm vào đầu năm 2016 được xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản.
Đây là tuyến đường sắt có lộ trình từ Nam Thăng Long đến đường Trần Hưng Đạo (tuyến số 2) có tổng chiều dài 11,54 km, trong đó có 2,99km đi trên cao và 8,55km đi ngầm, chạy qua 10 nhà ga.
Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu giữa năm 2011 và hoàn thành vào cuối năm 2014. Sau khi chạy thử trong một thời gian, tuyến metro này sẽ được đưa vào vận hành chính thức vào 1/2016.
Dự án tuyến đường sắt nội đô thành phố Hà Nội được xây dựng bằng vốn vay ODA của Nhật Bản trị giá 14, 688 tỷ yên. Đây là một trong 4 dự án lớn của Việt Nam sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản được ký kết giữa đại diện hai chính phủ ngày 31/3.
Theo ông Tsuno Motonori, đây là công trình xây dựng tàu điện ngầm đầu tiên, nên việc giải phóng mặt bằng, một cơ chế vận hành khai thác thích hợp và việc lập ra một cơ cấu tổ chức vận hành khai thác là rất quan trọng đối với thành phố Hà Nội.
“Việc xây dựng tàu điện ngầm đòi hỏi trình độ cao nên việc giám sát thi công đảm bảo an toàn cũng là một vấn đề quan trọng,” ông nói.
JICA dự kiến có phần dịch vụ tư vấn kéo dài từ 2016 đến cuối năm 2020 để hỗ trợ cho việc vận hành khai thác trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, JICA cũng có khả năng xem xét việc hỗ trợ kỹ thuật đối với dự án này nếu cần thiết, Trưởng đại diện JICA cho biết.
Nhật bản đã áp dụng kỹ thuật xây dựng đường sắt đô thị tại Bangkok (Thái Lan), New Delhi và Calcutta (Ấn Độ). “Lần này chúng tôi sẽ áp dụng kỹ thuật xây dựng đó để xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Hà Nội,” ông Tsuno Motonori nói .
Ông bày tỏ hy vọng tuyến tàu điện ngầm này sẽ giúp cải thiện phần nào tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Kể từ 10/2008, JICA trở thành một tổ chức viện trợ ODA duy nhất cùng một lúc thực hiện cả ba hình thức viện trợ: Hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại và hợp tác vốn vay./.