Ngành du lịch 4 tỉnh, thành phố An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ đang thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng phát triển đến 2020, hình thành “tứ giác du lịch” vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tiên, 4 tỉnh, thành này sẽ liên kết xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng kinh tế trọng điểm từ nay đến năm 2010.
Bên cạnh đó, 4 tỉnh thành cũng sẽ phối hợp đào tạo nhân lực; hình thành trung tâm xúc tiến du lịch quảng bá du lịch cho vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng trang web để mở rộng thông tin; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sẽ được xây dựng và phát triển thành thành phố du lịch biển đảo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế. Phú Quốc sẽ được bổ sung các tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp, các khách sạn 5 - 7 sao, casino, trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị, triển lãm, trung tâm đào tạo chuyên đề, nghiên cứu khoa học công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Các khu phi thuế quan của cảng hàng không và cảng biển, các làng nghề, trung tâm sản xuẩt nông nghiệp công nghệ cao phục vụ phát triển du lịch cũng sẽ được xây dựng ở Phú Quốc.
Về lâu dài, 4 tỉnh, thành sẽ quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm theo điểm mạnh của mỗi tỉnh, thành nhưng sẽ tập trung vào một mảng với những sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp nhằm tạo sự hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách.
Theo Tổng cục du lịch, tại vùng kinh tế trọng điểm này, cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay, bến tàu... chưa hoàn chỉnh; số khách sạn 3 sao trở lên còn ít, thiếu các khu vui chơi, du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, nhiều điểm du lịch chưa mang đậm dấu ấn miệt vườn và chưa có nhiều hộ dân tham gia làm du lịch; các làng nghề còn quá ít; chưa có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo; số điểm tham quan cũng chưa nhiều.
Chương trình phục vụ du khách của một số tỉnh có đặc sắc nhưng trùng lắp, dễ gây nhàm chán nên thời gian giữ du khách ở lại chưa lâu. Các công ty du lịch ở đây chỉ mới tập trung vào các nội dung tham quan còn các nội dung khác chưa được khai thác đúng mức như resort trên bãi biển, trên núi, lặn biển, picnic, cắm trại, đi xe đạp xuyên Đồng bằng sông Cửu Long.
Các công ty du lịch cũng chưa tạo điều kiện tốt cho các hoạt động tiếp cận văn hóa của du khách. Với lượng khách du lịch đến vùng kinh tế trọng điểm khoảng 3,5 triệu người/ năm, toàn vùng kinh tế trọng điểm cần khoảng 10.000 lao động được đào tạo bài bản để phục vụ du khách nhưng hiện chỉ có khoảng 3.000 người; trong đó, lại chỉ có 50% số lao động được đào tạo, bồi dưỡng./.