Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2020 vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, thành phố Hà Nội cần gần 209.000 tỷ đồng (hơn 13 tỷ USD) để phát triển mạng lưới giao thông và quản lý giao thông đô thị.
Theo quy hoạch, vốn cho các dự án đường bộ khoảng 78.000 tỷ đồng, các dự án đường sắt khoảng 97.000 tỷ đồng, đường thủy trên 27.000 tỷ đồng, sân bay trên 8.100 tỷ đồng, khoảng 3.800 tỷ đồng cho công tác quản lý giao thông và an toàn giao thông, còn lại dành cho công tác tăng cường thể chế chính sách trong lĩnh vực này.
Theo quy hoạch trước mắt Hà Nội tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm, nhằm giải quyết cơ bản ách tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị, phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự kiến, kinh phí thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2010 là trên 41.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ phần vận tải của vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 lên từ 35% - 45% tổng nhu cầu đi lại toàn thành phố.
Mặt khác, để giảm ùn tắc giao thông, thành phố còn phải cải tạo và xây dựng mới 46 nút giao trên các đường vành đai và trục chính đô thị, chưa kể một số nút giao lập thể phát sinh khi xây dựng các đường cao tốc song hành.
Cũng theo Bộ Xây dựng, từ nay tới năm 2020, trong khu vực Hà Nội sẽ phải có 9 cầu vượt sông Hồng (cả cũ lẫn mới xây). Các cầu vượt sông Hồng được xây dựng mới có tổng chiều dài khoảng 18km với quy mô mặt cắt ngang từ 6 - 8 làn xe.
Dự kiến, sau năm 2020 sẽ mở thêm điểm vượt sông Hồng bằng đường hầm ở khu vực Chương Dương và xây dựng 1 cầu lớn trên vành đai liên kết các đô thị vệ tinh là cầu Vĩnh Thịnh./.