Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/09/2009-10:17:00 AM
Hà Nội cần có giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân

Đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng yêu cầu thời gian tới Hà Nội cần có các giải pháp phù hợp với thực tế để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Ngày 3/9, làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14 NQ-TƯ (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, ông Dụ khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là một chính sách nhất quán, một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đồng chí Ngô Văn Dụ đề nghị Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tạo cơ chế gắn kết giữa các thành phần kinh tế, tăng sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế trong nước, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô và đất nước, đồng thời giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, do thực hiện công tác hậu kiểm chưa tốt nên nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang vi phạm các quy định quản lý nhà nước. Trong tổng số hơn 70.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố, chỉ có khoảng 59% doanh nghiệp hoạt động; nhiều doanh nghiệp không đăng ký, kê khai, nộp thuế hoặc chỉ thành lập để mua bán hóa đơn.
Điều này phần nào lý giải cho việc doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn nhiều nhưng ít có thương hiệu lớn, mạnh.
Bên cạnh đó, việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội cũng là một thách thức đối với những doanh nghiệp nhỏ, tính cạnh tranh kém.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, sau 7 năm, lượng vốn của tư nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh tăng mạnh từ 165.753 tỷ đồng năm 2002 đến 535.305 tỷ đồng năm 2008. Số lượng doanh nghiệp tư nhân Hà Nội đã tăng gấp 7 lần, cao hơn của 12 tỉnh Đồng bằng sông Hồng cộng lại.
Cùng với đó, mức độ, tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực này ngày một tăng cao, nếu năm 2002 là 633 tỷ đồng, tỷ trọng xấp xỉ 4,8% thì năm 2008 đã là 4.989 tỷ đồng, chiếm 10%; số lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân đã tăng gấp 2 lần, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã tạo ra 85.600 việc làm./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 971
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)