Ngày 23/4, tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19, các tham luận quan trọng của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công Thương; UBND TP Cần Thơ, Tổng Giám đốc một số tập đoàn lớn, các Quỹ đầu tư nước ngoài đã lần lượt được trình bày. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Diễn đàn "Nguồn nhân tài: Giáo dục và nâng cao năng lực”.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Diễn đàn "Nguồn nhân tài: Giáo dục và nâng cao năng lực”
|
Việt Nam nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới
Các báo cáo của các diễn giả như ông Cao Viết Sinh-Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Thành Biên-Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Ronie C.Chan-Chủ tịch tậpđoàn Hang Lung kiêm Phó Chủ tịch Hội châu Á hay ông Stuart Dean-Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã tập trung phân tích về những vấn đề cũng như hệ quả dài hạn của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với châu Á, tác động của chính sách kinh tế thương mại Hoa Kỳ đối với khu vực, quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt tại các thành phố công nghiệp hóa nhanh. Các đại biểu nước ngoài đã đặt những câu hỏi với các nhà quản lý kinh tế của Việt Nam.
Trong tham luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưCao Viết Sinh đãchỉ rõ những thành tựu nổi bật của Việt Nam, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang quan tâm và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, cảng biển nước sâu, giáo dục-đào tạo nghề chất lượng cao. Trả lời câu hỏi của một doanh nhân đến từ Singapore về sự minh bạch trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định không có sự thiên vị giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Minh bạch, công khai đang là xu hướng chung của các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Cao Viết Sinh cũng cho biết thêm về quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam từ 12.000 doanh nghiệp nay là 1.500 doanh nghiệp.
Ý kiến tham luận của ông Peter Browne, đại diện cho 1 công ty chứng khoán đến từ Hồng Công cho rằng: Chủ trương kích cầu của Chính phủ Việt Nam đã đem lại hiệu quả nhanh chóng. Ông Peter Browne hy vọng trong gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ thì thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam sẽ ổn định trong quý 2/2009. Các nhà đầu tư ở nước ngoài đang theo dõi rất sát và sẽ tiếp cận hướng đầu tư vào thị trường này ngay khi có tín hiệu tốt. Các ý kiến của các đại biểu đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay Indonesia, Singapore đều bày tỏ niềm tin vào sự ổn định nền kinh tế vĩ mô và tiếp tục kích thích tăng trưởng, giảm thiểu tác động tiêu cực của suy thoái toàn cầu tại Việt Nam.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo
Chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn "Nguồn nhân tài: Giáo dục và nâng cao năng lực” chiều 23/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Để duy trì bền vững và phát triển toàn diện, Việt Nam và các nước láng giềng trong ASEAN đang thúc đẩy nhanh công cuộc đào tạo và tuyển lựa nhân lực chất lượng cao, xem đây là then chốt để giải quyết mọi vấn đề của quốc gia.
Phó Thủ tướng đã chia sẻ với Hội nghị những thế mạnh vốn có của Việt Nam, đó là vị trí địa lý trung tâm của châu Á, xuất khẩu gạo, nông, lâm sản, dệt may… đang có thứ hạng cao của thế giới. Tình hình chính trị luôn luôn ổn định; có nền văn hóa độc đáo và đa dạng, có nguồn nhân lực dồi dào; chi phí sản xuất rẻ hơn so với các nước trong khu vực và đặc biệt là nền kinh tế thị trường đang phát triển.
Từ nay đến năm 2020, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang dành những ưu tiên cao nhất từ ngân sách đến cơ chế cho phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Trong đó sẽ cơ cấu lại lĩnh vực đào tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tinđược xã hội đồng thuận.
Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng nêu lên 9 nhóm giải pháp Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt để nâng cao và đổi mới chất lượng giáo dục Việt Nam. Đó là: Đưa Internet về tất cả 40.000 trường học toàn quốc. Cho học sinh, sinh viên vay vốn để học tập. Thành lập 4 trường đại học có đẳng cấp quốc tế. Chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ ở các nước có trình độ phát triển cao. Dịch chuyển từ đào tạo số lượng sang đào tạo chất lượng. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo theo nhu cầu xã hội và nhu cầu doanh nghiệp. Chiến lược đào tạo ngoại ngữ trong các trường phổ thông từ nay đến năm 2020./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ