Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/04/2009-11:06:00 AM
G20 nhất trí gói kích thích kinh tế toàn cầu khổng lồ
Các nhà lãnh đạo G20 cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, với các biện pháp trị giá 1 nghìn tỷ đôla Mỹ.

Thế giới đang nỗ lực đối phó với khủng hoảng
kinh tế toàn cầu

Để giúp các nước có nền kinh tế gặp khó khăn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ hỗ trợ thêm nguồn tiền trị giá 750 tỷ đôla.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng đã cam kết thêm 250 tỷ đôla để thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Sẽ có thêm chế tài chống trốn thuế và các quy định chặt chẽ hơn về giám sát hệ thống tài chính toàn cầu.
Thay mặt các lãnh đạo G20, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã thông báo theo các bước sau:
-Tiền lương và tiền thưởng của các chuyên viên ngân hàng sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
- Sẽ thành lập một Hội đồng Ổn định Tài chính để làm việc với IMF nhằm đảm bảo hợp tác quốc tế.
- Sẽ có thêm quy định đối với các quỹ đầu tư dạng hedge fund và các tổ chức xếp hạng tín dụng.
- Thực hiện một biện pháp chung nhằm làm sạch tài sản xấu của các ngân hàng.
- Các nước nghèo nhất sẽ nhận được viện trợ 50 tỷ đôla.
- Nguồn để giúp các nền kinh tế gặp khó khăn được tăng lên mức 500 tỷ đôla.
-Ngoài ra cũng tạo thêm khoảng 250 tỷ đôla cho IMF ở dạng quyền rút đặc biệt (SDR) để giúp các nước nghèo nhất.
Với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, sau nhiều cuộc hội đàm song phương giữa lãnh đạo các nước này và đặc biệt là lãnh đạo từ các nước đang phát triển, một thỏa thuận mang tính dung hòa các quan điểm đã đạt được tại G20.
Thủ tướng Anh Gordon Brown nói "Hôm nay là ngày thế giới đến với nhau để đấu tranh chống suy thoái toàn cầu không chỉ bằng lời nói mà bằng một kế hoạch nhằm phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như cho công cuộc cải cách với thời gian biểu thực hiện rõ ràng".
Ông cho rằng "không có cách khắc phục nhanh" nền kinh tế thế giới, nhưng có được sự cam kết chung là điều cần thiết.
Ông Brown nói rằng Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) sẽ đưa ra danh sách các biện pháp chống trốn thuế và áp dụng các biện pháp này đối với ai không tuân thủ các luật lệ quốc tế.
Điều quan trọng là sự có mặt của các nước Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, v..v cho thấy vai trò tăng lên của các nước bên ngoài khu vực G8.
Nói về các nước đang phát triển, ông Brown cho rằng bên cạnh các gói kích cầu và việc chấn chỉnh hệ thống giám sát tài chính, cần phải chú ý đến việc định chế hóa sự hỗ trợ, tạo mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo.
Trước thềm hội nghị G20, đã có hai luồng quan điểm, một bên là Pháp với Đức mong muốn siết chặt hệ thống tài chính, một bên là Anh với Mỹ thiên về xu hướng tăng chi tiêu của chính phủ để giúp giảm khủng hoảng.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sau cuộc họp tối 2/4 với Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Pháp và Đức cho rằng mục tiêu quan trọng nhất là đạt được nguyên tắc về kiểm soát hệ thống tài chính, kinh tế.
Thỏa thuận chung xem ra cũng phải thỏa mãn nhu cầu siết chặt giám sát tài chính mà Pháp mong muốn.

Trước mắt G20 đồng ý "rọi đèn" vào các "thiên đường thuế", tức là nhắm vào những người giàu có nhất, và tăng cường kiểm soát lương của giới chức ngân hàng. /.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 775
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)