Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/06/2008-09:14:00 AM
Giải pháp để thu hút các dự án FDI lớn vào Lào Cai

Một điều dễ nhận thấy là mặc dù còn nhiều khó khăn, song dòng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1996-2007 đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của địa phương.

Tái lập tỉnh vào năm 1991, song hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Lào Cai được khởi đầu vào năm 1996, nhưng trên thực tế đến cuối năm 1999 dự án FDI đầu tiên mới đi vào hoạt động. Nhìn lại 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, nay là Luật Đầu tư (1988 -2008), một điều dễ nhận thấy là mặc dù còn nhiều khó khăn, song dòng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1996-2007 đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của địa phương.

Những kết quả đáng ghi nhận

Trong giai đoạn 1996 - 2007, với sự năng động điều hành hoạt động thu hút đầu tư của chính quyền địa phương, đã thu hút được 45 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ nhiều nước khác nhau với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 267 triệu USD (bình quân 5,9 triệu USD/dự án), vốn điều lệ là 96,471 triệu USD. Trong đó 35 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc (chiếm 78%) và các nước khác như Pháp, Singapore, Đài Loan, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy.

Nhìn chung, so với cả nước kết quả thu hút FDI của Lào Cai mới chỉ đạt được ở mức thấp, song so với khu vực các tỉnh miền núi nói chung và so với điều kiện xuất phát điểm thấp của tỉnh Lào Cai tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, kết quả thu hút FDI của Lào Cai trong giai đoạn vừa qua có thể đánh giá là đã đạt được những thành công bước đầu. Ước tính giai đoạn 1996-2007, nguồn FDI đã đóng góp vào tổng vốn đầu tư của tỉnh Lào Cai khoảng 28 triệu USD tương đương 450 tỷ đồng, (bình quân 45 tỷ đồng/năm), tuy chưa phải là đóng góp chủ yếu trong tổng vốn phát triển của tỉnh nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Về mặt xã hội, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại. Đến năm 2007, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã thu hút gần 1.000 việc làm, điển hình là công ty liên doanh Khách sạn quốc tế Lào Cai (thường xuyên trên 400 lao động); thu nhập bình quân của lao động trong khu vực này đạt trên 2 triệu đồng/tháng.

Thách thức không nhỏ

Mặc dù tỉnh Lào Cai có những lợi thế nhất định trong thu hút nguồn FDI như nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, tiềm năng thuỷ điện, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch và nông lâm nghiệp; môi trường đầu tư của tỉnh Lào Cai được đánh giá là hấp dẫn. Nhưng trên thực tế, Lào Cai chưa thu hút các dự án FDI có quy mô vốn lớn, đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp nặng, công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án công nghiệp và công nghệ cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Đến thời điểm hiện nay, tổng số các dự án FDI còn hiệu lực hoạt động là 32 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 249 triệu USD, giải ngân đạt khoảng 28 triệu USD bằng 11,2% so với tổng đầu tư đăng ký. Nhiều dự án FDI chưa được giải ngân đúng tiến độ không phải do nhà đầu tư không có khả năng tài chính mà do tâm lý chờ đợi cơ hội, chờ đợi các điều kiện hạ tầng nhất định mới triển khai đầu tư, vì vậy khả năng đóng góp giá trị thực tế của khu vực FDI vào nền kinh tế quốc dân còn rất hạn chế so với tiềm năng.

Lào Cai nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhưng vấn đề giao thông chưa thuận lợi là một trở ngại khá lớn. Do hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng nên việc vận chuyển hàng hóa qua tuyến này chi phí lớn, thời gian dài, vận tải quá cảnh Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không phát huy được tiềm năng.

Cùng với giao thông là các cơ sở dịch vụ phục vụ thu hút, triển khai dự án và hoạt động đầu tư FDI như Tư vấn pháp luật, Thông tin liên lạc, Thông tin thị trường, Dịch vụ Ngân hàng - Tài chính, Bảo hiểm, Thị trường lao động... cũng còn rất hạn chế.

Hơn nữa, Lào Cai là địa phương có tới 64% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp; thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, kiến thức về kinh tế quốc tế, giỏi về ngoại ngữ, nghiên cứu sâu về thị trường; mặc dù có nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn, tay nghề cao nên chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động FDI của Việt Nam từ năm 1996 đến nay đã có rất nhiều lần thay đổi, do đó ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và nắm bắt thông tin của các nhà đầu tư. Năm 2005, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... ban hành tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tế tính thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Bộ luật, Luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… chưa cao, còn nhiều điểm bất cập và mâu thuẫn, chồng chéo nên chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Thủ tục hành chính về đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án FDI còn rườm rà, phức tạp, thời gian thẩm định, thẩm tra kéo dài, qua nhiều bước, nhiều ngành nên mất rất nhiều thời gian, công sức của nhà đầu tư.

Thực trạng thiếu thông tin chính thức, kịp thời đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút và triển khai các dự án FDI tại Lào Cai trong thời gian vừa qua, và đây cũng vẫn là một thách thức không nhỏ trong điều kiện nội lực của tỉnh còn nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua Lào Cai đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư qua các hình thức phát hành ấn phẩm “Lào Cai cơ hội đầu tư và kinh doanh”, qua phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, hội chợ trong nước và quốc tế… tuy nhiên do ngôn ngữ bất đồng hoặc tìm hiểu qua các kênh thông tin không chính thức, không đầy đủ nên nhiều nhà đầu tư còn thiếu thông tin về FDI tại Lào Cai.

Cuối năm 2006, tỉnh Lào Cai đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai, tuy nhiên hoạt động của cơ quan này còn chưa kiện toàn và hiệu quả nên cũng chưa mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư FDI, hiện nay kênh tư vấn trực tiếp được các nhà đầu tư lựa chọn vẫn là làm việc trực tiếp với các sở ban ngành, do đó việc chủ động và thường xuyên cập nhật thông tin là chưa thực hiện được.

Biện pháp nào để hoạt động FDI đạt hiệu quả cao?

Lào Cai đang đứng trước cơ hội thuận lợi chưa từng có từ trước tới nay trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên những thách thức nêu trên đặt ra đối với Lào Cai cũng không hề nhỏ, khi cuộc cạnh tranh để thu hút FDI trong khu vực ngày càng gay gắt, theo chúng tôi Lào Cai cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để để đồng vốn của các nhà đầu tư đi vào và phát triển hiệu quả trên địa bàn, cụ thể là:

Thứ nhất, cần tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, có thể nhấn mạnh rằng nếu không thay đổi hạ tầng, thu hút đầu tư chỉ trên giấy. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tuyến giao thông chiến lược Lào Cai - Hà Nội (đường bộ) đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai, tuy nhiên tốc độ thực hiện còn quá chậm, do đó đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng và đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư nâng cấp đường sắt Lào Cai - Hà Nội để tăng năng lực vận tải phù hợp với việc đấu nối tuyến đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2008/QĐ.TTg ngày 26/3/2008 về Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, đây là bước đột phá tạo điều kiện rất thuận lợi giúp cho việc thu hút đầu tư vào địa bàn, nhưng để phát huy tối đa tác dụng những nguồn lợi do Quy chế đưa lại, địa phương cần tập trung nghiên cứu hơn nữa để có những điều chỉnh phù hợp trong công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu kinh tế trọng điểm.

Thứ hai, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý hoạt động thu hút đầu tư. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với Lào Cai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 23/7/2007, tuy nhiên đến nay vẫn tồn tại một số điểm bất cập, do đó cần nhanh chóng loại bỏ những tồn tại không đáng có này để đảm bảo tính thống nhất cao trong quản lý các hoạt động đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đăng ký và triển khai dự án đầu tư trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh đó đề nghị Chính phủ rà soát lại các hiệp định đã ký với Trung Quốc, bổ sung các hiệp định không còn phù hợp như Hiệp định về Giao thông vận tải, thống nhất triển khai các hiệp định đã ký nhưng chưa thực hiện: Hiệp định về đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu và công nhận lẫn nhau và ký kết các Hiệp định mới (Hiệp định khung về phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc).

Thứ ba, Công tác cải cách hành chính cần phải được tăng cường mạnh hơn nữa. Đặc biệt cần triển khai mạnh mẽ, toàn diện mô hình một cửa trên địa bàn. Hiện nay quy trình tiến hành đăng ký hoặc thẩm tra một dự án FDI còn khá phức tạp, trong đó nổi bật là thủ tục hoàn thiện phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, do đó đề nghị Chính phủ tạo cơ chế cho doanh nghiệp hoàn thiện báo cáo này sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư (báo cáo phải được hoàn thành cùng với phê duyệt thiết kế cơ sở, trước thời điểm triển khai dự án) để rút ngắn thời gian làm thủ tục của dự án FDI.

Song hành cùng công tác cải cách thủ tục đầu tư, cần hoàn thiện công tác thông tin, g bá, xúc tiến đầu tư một cách nhanh chóng, thuận lợi, chính xác tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng hình thức như tuyên truyền qua sách, báo, website, hội thảo... Địa phương cần có cơ chế hoạt động đặc biệt (ví dụ cơ chế thưởng nếu kêu gọi được những dự cao lớn, công nghệ cao...) cho Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai để đẩy mạnh công tác này.

Thứ tư, cần có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập kinh tế và thu hút FDI, hiện nay địa phương có nguồn lao động dồi dào, nhưng lao động có chất lượng cao như giám đốc điều hành, quản lý nhân sự, quản lý tài chính lại rất thiếu, thực tế cho thấy nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn hiện nay chủ yếu là lao động nước ngoài nhập khẩu hoặc lao động tạm trú từ địa phương khác, lao động của tỉnh phần lớn là lao động phổ thông có trình độ đầu vào không cao. Do đó, địa phương cần có chiến lược kết hợp cùng doanh nghiệp FDI đào tạo lao động kỹ thuật có tay nghề cao để đảm bảo nguồn nhân lực khi dự án FDI đi vào hoạt động.

Ngoài ra, trong hoạt động thu hút FDI vào địa bàn tỉnh không chỉ coi trọng cả số lượng và chất lượng mà cần coi trọng vào công nghệ cao, chính sách nâng cấp FDI, khuyến khích các nhà đầu tư vừa và nhỏ, cần khai thác thế mạnh của các tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài... nếu thực hiện được như vậy trong tương lai chắc chắn hoạt động FDI trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ có những bước bứt phá ngoạn mục./.

Th.S. Hồng Minh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

    Tổng số lượt xem: 1714
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)