Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/06/2008-09:23:00 AM
Tổng Giám đốc ADB: Lạm phát là nguy cơ lớn nhất của châu Á

Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Rajat Nag cảnh báo, lạm phát ở mức cao sẽ là nguy cơ lớn nhất của khu vực trong tương lai và có thể hủy hoại mọi tiến bộ đạt được trong 20 năm qua.

Tổng Giám đốc ADB Rajat Nag phát biểu với báo chí tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khu vực Đông Á diễn ra ở Malaysia ngày 15/6.

Theo ông Rajat Nag, lạm phát ở châu Á năm 2008 sẽ cao hơn mức dự báo được đưa ra vào tháng 4 là 5,1% năm và đây là vấn đề quan tâm số một của khu vực.

Giá lương thực, năng lượng tăng cao là hiểm hoạ đối với “câu chuyện tăng trưởng thành công” của châu Á. Ngày 13/6, Ấn Độ thông báo lạm phát ở nước này đã tăng với tỷ lệ nhanh nhất trong 7 năm qua.

Trước đó, Hàn Quốc cho biết lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục trong 7 năm chủ yếu do giá lương thực và năng lượng. Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia đang vật lộn với mức lạm phát 7,5% - 11%.

Tổng Giám đốc ADB khuyến nghị chính quyền các nước nên tăng lãi suất ngân hàng và áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt để kiểm soát lạm phát. Ngày 11/6, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã nâng lãi suất vay ngắn hạn thêm 1/4 điểm phần trăm, lên 8%...

Chính phủ cần hỗ trợ người nghèo

Các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia gần đây đã cắt giảm hoặc bỏ chính sách trợ giá năng lượng trước thực trạng giá dầu tăng cao và khiến lạm phát có thể tồi tệ hơn. Ông Nag cảnh báo khoảng 1 tỷ người ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu và lương thực tăng cao.

Tổng Giám đốc ADB khuyến nghị Chính phủ các nước đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ cho người nghèo để bảo vệ họ trước cơn lốc tăng giá. Theo ông Nag, các Chính phủ cũng cần tiếp tục trợ cấp cho dân nghèo trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Châu Á là “nhà”của 2/3 tổng số người nghèo trên toàn thế giới với khoảng 600 triệu người có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày. Tỷ lệ nghèo ở châu Á đã giảm từ 33% xuống còn 19% năm 1990. Tuy nhiên, ông Nag cảnh báo, thành tựu trên đang bị đe dọa bởi lạm phát.

Ngoài lạm phát, theo ông Nag, châu Á còn đối mặt với vấn đề bất bình đẳng khi khoảng cách thu nhập ngày càng lớn hơn. Tổng Giám đốc ADB ước tính châu Á cần 300 tỷ USD/năm để tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới.

Tháng 5/2008, ADB thông báo cung cấp 500 triệu USD viện trợ khẩn cấp để giúp các nước nghèo ở châu Á chống lại bão tăng giá. ADB cũng quyết định nâng khoản cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp lên 2 tỷ USD năm 2009.

Lạm phát ở Việt Nam dưới 10% năm 2009

Theo hãng tin AP, Reuters, cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu rằng lạm phát ở Việt Nam được mong chờ sẽ giảm xuống mức một con số (dưới 10%) vào năm tới. “Kiểm soát lạm phát không phải là nhiệm vụ dễ dàng và cần thời gian...

Năm nay, lạm phát sẽ là hai con số. Năm 2009, chúng tôi hi vọng có thể giảm mức lạm phát xuống một con số”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định tại diễn đàn rằng chống lạm phát tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam...


Báo Tiền phong

    Tổng số lượt xem: 1216
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)