Phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) tại Hà Nội cho biết bắt đầu từ năm 2009, trong số các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu của Việt Nam, duy nhất mặt hàng giày dép sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Thông báo này đã được đưa ra trong buổi họp báo ngày 13/6, về Quy chế mới của hệ thống GSP giai đoạn 2009-2011 vừa được Hội đồng châu Âu phê duyệt ngày 11/6.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp trước khó khăn mà hàng triệu người lao động trong ngành sản xuất da giày Việt Nam sẽ gặp phải, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EC tại Việt Nam Sean Doyle cho biết EU vẫn sẵn sàng dành cho các ngành hàng của Việt Nam, bao gồm cả ngành giày da một hệ thống thuế quan lâu dài và thậm chí rộng rãi hơn trong khuôn khổ đàm phán Khu vực Tự do thương mại EU-ASEAN (FTA) liên quan đến phần đàm phán song phương với Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Sean Doyle cho rằng trong khi FTA chưa được ký kết và chỉ còn vài tháng nữa thì GPS sẽ hết hiệu lực, giải pháp hiện thời cho những quan ngại trên mà Việt Nam có thể cân nhắc là hai bên có thể thoả thuận về một hiệp định được gọi là 'thu hoạch sớm'.
Ông Sean Doyle cũng cho biết, EU sẽ tiếp tục ủng hộ những cố gắng của Việt Nam trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế và hoạt động thương mại thông qua ODA.
Theo Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào EU chiếm khoảng 19% tổng xuất khẩu giày dép của tất cả các nước hưởng GSP của EU (2004-2006).
Theo quy chế GSP, khi xuất khẩu của nhóm ngành hàng của một nước chiếm tới 15% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm ngành hàng đó đến từ tất cả các nước được hưởng GSP, quốc gia đó được xem đã đạt một mức độ cạnh tranh nhất định, do vậy không cần thiết được hưởng ưu đãi nữa.