1. Sản xuất Công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá CĐ 1994) 6 tháng đầu năm 2008 ước được 6.167 tỷ đồng tăng 12,51% so cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp trung ương tăng 54,35%, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương giảm 13,64%, giá trị sản xuất công nghiệp thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,96%, giá trị sản xuất công nghiệp các thành phần kinh tế khác tăng 26,51%. Sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn, mức tăng giá trị sản xuất đang chậm dần. Nguyên nhân chính là do lạm phát, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nguồn vốn vay ngân hàng không dễ dàng nnhư trước. Trong cơ cấu sản phẩm công nghiệp của tỉnh thuốc lá điếu và thủy sản đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn chịu tác động nhiều nhất của lạm phát. Sản xuất thuốc lá điếu sau nhiều năm liên tục tăng nhanh, chiếm 24% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã giảm mạnh, thuốc lá White Horse và Everest đều chậm tiêu thụ trong khi thuốc lá nhập lậu khó kiểm soát. Chế biến thủy sản đông lạnh chiếm 48,6% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao trong khi tỷ giá VND/USD trong 4 tháng đầu năm luôn dưới mức 16.000 đ/USD nên các DN sản xuất cầm chừng giá trị sản xuất giảm 4,7% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sửa chữa tàu biển ở Cty TNHH nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin sau nhiều năm tăng trưởng nhanh ở mức 2 chữ số, chiếm hơn 10% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, nay chuyển sang hoán cải đóng mới tàu biển nên giá trị sản xuất chỉ tăng 5,8%. Trong khó khăn chung, nhiều DN cố gắng tăng mức sản xuất so cùng kỳ năm trước: Cty công nghiệp tàu thủy Nha Trang tiếp tục đóng mới các tàu có trọng tải lớn tăng 47,8%, XN khai thác và dịch vụ thủy sản Khánh Hòa tăng 36,5%, Nhà máy bao bì Đông Á tăng 13,9%, Nhà máy dệt Tân Tiến tăng 43,1%, Cty khai thác chế biến xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa tăng 28,7%, Cty TNHH Long Shin tăng 46,6%, Cty TNHH Gallant Ocean tăng 47,6%, Cty TNHH Long Hiệp tăng 24%, Cty cổ phần Nha Trang Seafoods F17 tăng 30,1%, Cty cổ phần in và thương mại Khánh Hòa tăng 70,6%, Cty cổ phần dệt may Nha Trang tăng 15,6%, Cty cổ phần phụ liệu may Nha Trang tăng 8,5%, XN tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh tăng 40,4%... Một số sản phẩm chủ yếu sản xuất tăng khá so với 6 tháng đầu năm 2007 như: sợi các loại 6.900 tấn tăng 17,4%, vải lụa thành phẩm 3.430 ngàn m2 tăng 55,2%, quần áo dệt kim 1.450 ngàn cái tăng 38,8%, quần áo may sẵn 3.650 ngàn cái tăng 24,1%, cát xuất khẩu 330 ngàn m3 tăng 16,6%, có thêm một số sản phẩm mới: thủy điện, thuốc lá điếu War Horse, nước khoáng đóng chai Sana, bánh cao cấp Sanest...
Trong tháng 6/2008, Cty TNHH nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin đưa vào hoán cải 1 chiếc tàu chở hàng cho Na Uy trị giá 9,75 triệu USD, nâng tổng số tàu đưa vào hoán cải trong 6 tháng đầu năm lên 2 chiếc trị giá 19,5 triệu USD, Cty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho chứa vật tư và đưa 140 lao động sang học nghề ở Hàn Quốc để thực hiện kế hoạch đóng mới tàu biển vào tháng 8/2008; Cty cổ phần xây dựng thương mại và sản xuất Khánh Hòa đầu tư 2 máy sản xuất gạch tuynen công suất 30 triệu viên/năm, vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng; Cty cổ phần Đông Á mua 1 máy in Pleso 5 màu công suất 120 tấm/phút, vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng đưa vào sản xuất thử; Cty cổ phần in và thương mại Khánh Hòa hoàn thành hợp đồng in sách giáo khoa cho NXB giáo dục tại Tp HCM trị giá 1 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến ngày 13/6/2008, ở thành phần kinh tế ngoài nhà nước có thêm 19 DN và 174 cơ sở sản xuất công nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn đầu tư tăng thêm 227 tỷ đồng; ở thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có 1 dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina- Hàn Quốc hoạt động ngành đóng tàu thủy và chế tạo các loại phương tiện động cơ được cấp phép, vốn đăng ký 500 triệu USD.
2. Đầu tư - Xây dựng
Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2008 có nhiều chuyển biến tích cực đạt kết quả khá cao: toàn tỉnh có 3 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đầu tư đăng ký 503,2 triệu USD, 3 dự án có quyết định thu hồi giấy phép đầu tư 3,05 triệu USD, 1 dự án tăng vốn 5 triệu USD. Tính đến cuối tháng 6/2008 toàn tỉnh có 64 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 984,1 triệu USD. Đầu tư trong nước có thêm 255 DNTN, Cty TNHH được cấp giấy phép với số vốn đăng ký tăng thêm là 6.724 tỷ đồng , trong đó 2 dự án khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang- Bãi Cát Thấm và khu du lịch cao cấp Hồ Na- Vân Phong có vốn đăng ký lên đến 5.062 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 22 dự án đăng ký nhưng chưa cấp giấy phép với tổng số vốn đầu tư tương đương 8,6 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2008 là 2.505 tỷ đồng tăng 35,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước được 431,8 tỷ đồng bằng 25,8% KH tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước. Do có sự thay đổi chính sách theo thông tư 03,09 của Bộ xây dựng về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán và giá trị hợp đồng nên hầu hết các dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh. Bên cạnh đó, giá cả vật liệu xây dựng tăng nhanh đã khiến một số nhà thầu trì hoãn tiến độ thi công chờ chủ trương điều chỉnh hợp đồng của UBND tỉnh.
Các công trình chuyển tiếp gặp thời tiết thuận lợi đang được đẩy nhanh tiến độ như: đại lộ Nguyễn Tất Thành đoạn Phước Long- khu du lịch Sông Lô, cầu Bình Tân 2, đường Trần Phú nối quốc lộ 1A, dự án khu công nghệ cao, chỉnh trang nội thành Nha Trang, trường Trần Bình Trọng, trường THCS Chu Văn An Cam Ranh, trường THCS Vạn Thắng, cầu Trần Hưng Đạo Vạn Ninh, trường THCS Ninh Đa, nhà làm việc các phòng ban huyện Ninh Hòa, trường tiểu học xã Sông Cầu Khánh Vĩnh, trường tiểu học xã Sơn Lâm, trường THCS Ba Cụm Bắc Khánh Sơn... Phần lớn các công trình ghi trong KH đang triển khai thi công và làm các thủ tục đấu thầu. Một số dự án chưa có đầy đủ thủ tục đầu tư và vướng mắc về mặt bằng cũng như tính khả thi của dự án: Công viên bờ biển 4 Nha Trang chưa triển khai được do phải chờ dự án làm kè; dự án chung cư Hòn Rớ 1 đã hoàn tất thủ tục và triển khai đấu thầu theo hình thức ứng vốn thi công, tuy nhiên dự án đã tạm dừng do hiệu quả đầu tư và tính khả thi không cao. Các dự án đến nay vẫn chưa có quyết định đầu tư là: dự án tái định cư hồ Sông Cạn, khu tái định cư thôn Mỹ Giang- Ninh Yển, dự án xây dựng cột mốc biên giới huyện đảo Trường Sa, trường cao đẳng y tế Khánh Hòa. Một số công trình đang được triển khai tại khu kinh tế Vân Phong như: đường giao thông đến Nhà máy đóng tàu STX, đường quốc lộ 1A đi Đầm Môn, đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, hệ thống cấp nước bắc và nam Vân Phong, công trình hồ chứa nước Hoa Sơn và Tiên Du, cơ sở hạ tầng khu tái định cư Vĩnh Yên (giai đoạn 1), cơ sở hạ tầng tái định cư cho khu phức hợp công nghiệp nặng STX, cơ sở hạ tầng khu tái định cư Ninh Phước, Tu Bông, Vạn Giã, dự án rà phá bom mìn bán đảo Hòn Gốm... Thực hiện chương trình 135, các chủ đầu tư đang đôn đốc đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành hồ sơ thiết kế, dự toán để thẩm định phê duyệt trong tháng 7/2008 với tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ dân tộc thiểu số theo quyết định 134/2004/QĐ-TTg bao gồm: hỗ trợ 457 nhà ở, 32 ha đất ở, 385 ha đất sản xuất, xây dựng 5 công trình cấp nước tập trung và hỗ trợ nước sinh hoạt cho 507 hộ đồng bào dân tộc, tổng kinh phí 14,2 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay có 27 công trình khởi công mới với tổng dự toán trên 184,8 tỷ đồng, có 19 công trình hoàn thành bàn giao với tổng vốn đầu tư 52,7 tỷ đồng; tạo thêm năng lực mới tăng gồm: 1 dây chuyền chế biến sợi thuốc lá công suất 3 tấn/giờ, 23,7 km đường giao thông, 2.127 m2 nhà làm việc, 314 m2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 125 m2 nhà kho, 980 m2 nhà ở cho đồng bào dân tộc, 10 chốt đèn tín hiệu giao thông...
Tiến độ giải ngân cho các công trình xây dựng ghi trong KH còn chậm, đến cuối tháng 5/2008 mới giải ngân được 166,2 tỷ đồng đạt 15% KH, trong đó nguồn vốn tỉnh quản lý 116,4 tỷ đồng, nguồn vốn huyện quản lý 49,8 tỷ đồng.
3. Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thuỷ sản
Giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2008 (giá cố định 1994) ước được 503,4 tỷ đồng tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt tăng 8,8%, giá trị sản xuất chăn nuôi giảm 1,7%.
Trồng trọt từ đầu vụ đông xuân gặp thời tiết thuận lợi, các hồ chứa tích đủ nước nên tiến độ gieo trồng các loại cây trồng đảm bảo được thời vụ. Tổng diện tích cây hàng năm từ đầu vụ đông xuân đến nay được 64.255 ha bằng 81,5% KH, trong đó cây lương thực 37.780 ha bằng 77,9%, cây chất bột có củ 6.517 ha bằng 118,1%, cây thực phẩm 3.634 ha bằng 54,5% và cây công nghiệp hàng năm 16.048 ha bằng 88,5%; riêng lúa hè thu đã gieo sạ được 15.545 ha bằng 90,9% KH. So cùng kỳ năm trước, tổng diện tích gieo trồng tăng 10,6%, trong đó cây lương thực tăng 16,3% và cây chất bột có củ tăng 24,5% do giá bán lúa, sắn hiện đang tăng cao và huyện Vạn Ninh chuyển 950 ha gieo trồng lúa vụ mùa năm trước bị ngập úng sang vụ đông xuân năm nay; cây thực phẩm giảm 0,2%, cây công nghiệp hàng năm giảm 3,6% do có 198 ha mía năng suất thấp ở các huyện Diên Khánh, Tp Nha Trang, Tx Cam Ranh chuyển sang trồng sắn.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch xong 19.106 ha lúa đông xuân với năng suất bình quân 54,2 tạ/ha, sản lượng lúa 103.462 tấn, cao nhất từ trước đến nay ở Khánh Hòa. Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, 1.337 ha ngô đông xuân cũng đã thu hoạch xong với sản lượng 2.668 tấn. Tổng sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm 2008 toàn tỉnh được 106.130 tấn bằng 52% KH năm. Kết quả sản xuất lương thực vụ đông xuân và tiến độ gieo trồng lúa hè thu cho thấy khả năng hoàn thành KH sản xuất lương thực năm 2008 là rất lớn góp phần ổn định đời sống nhân dân. Thu hoạch mía, sắn năm trước chuyển sang cũng đã kết thúc trong tháng 6/2008 đạt kết quả khá so cùng kỳ năm trước: Về mía, năng suất bình quân đạt 473 tạ/ha tăng 33,1 tạ/ha, sản lượng được 815.016 tấn tăng 54.840 tấn, trong đó huyện Ninh Hòa có năng suất cao nhất 530,1 tạ/ha; về sắn, năng suất bình quân 170 tạ/ha giảm 1,4 tạ/ha, sản lượng 84.441 tấn giảm 1.626 tấn, huyện Cam Lâm có năng suất cao nhất 221,9 tạ/ha. Với sản lượng thu hoạch lúa, mía cao hơn cùng kỳ năm trước, giá thu mua lúa, sắn trên thị trường đều tăng lên, người dân trồng lúa, sắn, mía 6 tháng đầu năm 2008 đã được mùa “kép” (sản lượng và giá).
Về chăn nuôi, do tác động của dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng gia súc cuối năm 2007 trên địa bàn 4 huyện Tp trong tỉnh nên đàn gia súc chưa phục hồi kịp. Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 1/4/2008, toàn tỉnh hiện có 4.519 con trâu, 90.448 con bò, 87.416 con lợn và 1.804,4 ngàn con gia cầm; so thời điểm 1/8/2007 đàn gia cầm tăng 11,7% nhưng đàn trâu, bò, lợn đều giảm từ 11% đến 15,7%. Trước tình hình dịch lợn tai xanh xuất hiện ở một số tỉnh bạn như Lâm Đồng, Quảng Nam; để phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, các đơn vị thú y tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch: lập 4 trạm kiểm dịch ở các cửa ngõ ra vào địa bàn tỉnh, tiêm phòng vacxin, tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc môi trường, chuồng trại, điểm mua bán gia súc gia cầm, các lò giết mổ.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2008 (giá cố định 1994) ước được 30,6 tỷ đồng tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước. Các đơn vị lâm nghiệp đang phát dọn thực bì, chuẩn bị đất, cây con... phục vụ công tác trồng rừng năm 2008. 6 tháng đầu năm đã hoàn thành chăm sóc đợt 1 cho 6.347 ha rừng trồng tăng 11,3% so cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 3.513 ha giảm 1,6%. Đã khai thác được 18.685 m3 gỗ tròn bằng 133,5% KH tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác trắng của công trình thủy điện Sông Giang được 645 m3. Từ đầu năm đến ngày 10/6/2008, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 317 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng giảm 55 vụ so cùng kỳ năm trước, tịch thu 386,5 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 800,9 triệu đồng tiền phạt và tiền bán lâm sản tịch thu.
Giá trị sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2008 (giá cố định 1994) được 501,1 tỷ đồng giảm 2,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất thủy sản khai thác tăng 3,9%, giá trị sản xuất thủy sản nuôi trồng giảm 14,3%.
Thời tiết thuận lợi cho đánh bắt thủy sản, nghề cá ngừ đại dương, cá chuồn, cá cơm cho sản lượng cao. 6 tháng đầu năm khai thác được 36.139 tấn thủy sản tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước; sản lượng yến sào khai thác vụ 1 được 1.410 kg. Tuy nhiên ngư dân đang gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng lên từ cuối tháng 2/2008 nhưng các hộ chưa nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ nhà nước. So cùng kỳ năm trước, nuôi tôm sú, tôm hùm bị dịch bệnh nên diện tích nuôi tôm được 2.830 ha giảm 9,1%, thu hoạch được 905 tấn tôm thịt giảm 26,4%; toàn tỉnh hiện có 21.305 lồng bè nuôi tôm hùm giảm 2,7 ngàn lồng thu hoạch được 228 tấn giảm 37,5%. Các trại tôm giống sản xuất được 1.559 triệu con, hiện đang hoạt động cầm chừng do nhu cầu giống giảm. Riêng nuôi cá mú, cá chẽm, vẹm xanh, rong sụn tiếp tục phát triển, diện tích nuôi cá được 1.585 ha, thủy sản khác 286 ha tăng từ 7% đến 17,1%, đã thu hoạch 500 tấn cá và 3.820 tấn thủy sản khác (trong đó có 2.300 tấn rong sụn) tăng từ 23,5% đến 40,2%. 6 tháng đầu năm, Cty ngọc trai Việt Nam, Cty ngọc trai Sài Gòn và Cty ngọc trai Nha Trang thu hoạch được 532 kg ngọc trai và 31 tấn cá Bớp xuất khẩu. Từ đầu năm đến ngày 15/6/2008, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã kiểm dịch 411 triệu con tôm giống xuất ngoài tỉnh, thu phí và lệ phí 620 triệu đồng, nộp ngân sách 65 triệu đồng.
4. Thương mại, Du lịch và Giá cả
6 tháng đầu năm 2008, các hoạt động kinh doanh thương mại du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Ước tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ thị trường 6 tháng đầu năm được 11.802,9 tỷ đồng tăng 26,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó thành phần kinh tế nhà nước được 4.105 tỷ đồng, kinh tế tư nhân cá thể 7.613,5 tỷ đồng, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 69 tỷ đồng tăng từ 17% đến 30,8%. Các mặt hàng chủ yếu bán ra của các DN thương mại nhà nước gồm: xăng dầu các loại 117,3 ngàn tấn tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước, thuốc lá 307,1 triệu bao giảm 7,2% do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Nhằm thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm pháp, công tác quản lý thị trường trong toàn tỉnh tiếp tục được tăng cường: kiểm tra kiểm soát thị trường lưu thông hàng hóa, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém phẩm chất, gian lận thương mại đầu cơ găm hàng tăng giá, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm… 6 tháng đầu năm, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra 2.423 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện 131 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 352 cơ sở, thu nộp ngân sách 421,6 triệu đồng.
Kim ngạch xuất khẩu trên bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2008 tăng chậm lại do các DN hoạt động xuất nhập khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn như: lạm phát làm tăng chi phí đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạn mức cho vay bị thắt chặt khiến nguồn vốn kinh doanh hạn hẹp, tỷ giá đô la Mỹ biến động phức tạp, đồng thời nhiều nước nhập khẩu lớn trên thế giới áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng an toàn sản phẩm chặt chẽ hơn dẫn đến rủi ro trong kinh doanh tăng cao... Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước được 239,6 triệu USD tăng 0,07% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa chỉ được 175 triệu USD giảm 2,1%, xuất khẩu dịch vụ 64,6 triệu USD tăng 6,4%. Một số DN có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ năm trước: Cty TNHH Tín Thịnh được 9,8 triệu USD tăng 98%, Cty TNHH Trúc An 9,1 triệu USD tăng 11%, Cty cổ phần Nha Trang Seafoods F17 9 triệu USD tăng 39%, Cty cổ phần thủy sản Cam Ranh 3,3 triệu USD tăng 26%, Cty cổ phần chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa 1,7 triệu USD tăng 4,2%, Tổng cty Khánh Việt 4,1 triệu USD tăng 22%, Cty TNHH KomegaX 5,4 triệu USD tăng 13%, XNTD chế biến thủy sản Cam Ranh 6,7 triệu USD tăng gấp 2,1 lần, Cty TNHH Long Shin 6,7 triệu USD tăng 38,6%... Bên cạnh đó không ít DN có kim ngạch xuất khẩu giảm sút so cùng kỳ năm trước: Cty TNHH Phillip Seafood giảm 29%, XN sản xuất hàng song mây Nha Trang giảm 12,6%, Cty cổ phần may Khánh Hòa giảm 21,8%, XN khai thác và dịch vụ thủy sản Khánh Hòa giảm 43%, Cty cung ứng chế biến cà phê xuất khẩu giảm 70%, Cty TNHH Hòa Thắng giảm 65%, Cty TNHH Thịnh Hưng giảm 53%, Cty TNHH Hải Vương giảm 8,9%, DNTN Minh Ân giảm 76,4%, DNTN Việt Thắng giảm 38%, Cty TNHH Đại Dương giảm 32%, Cty TNHH Vân Như giảm 47%. Các mặt hàng xuất đi trên 67 nước, trong đó vào thị trường châu Á 97,3 triệu USD, châu Âu 67 triệu USD, châu Mỹ 49,4 triệu USD, châu Úc 8,5 triệu USD, châu Phi 5,6 triệu USD... gồm 429 ngàn tấn cát tăng 40,6% so cùng kỳ năm trước, 18,4 triệu USD hàng dệt may tăng 14,4%; 24.615 tấn thủy sản, 1.190 kg yến sào, 869 tấn hạt điều, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản khác… giảm từ 3,9% đến 74,6%. Nhập khẩu từ 50 nước với trị giá 120,3 triệu USD tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó các DNNN trung ương được 8,5 triệu USD tăng 30,3%, DNNN địa phương 22,4 triệu USD giảm 9,9%, DN tư nhân 36 triệu USD tăng 14,6% và DN có vốn đầu tư nước ngoài 53,3 triệu USD tăng 32,4%; các mặt hàng nhập chủ yếu gồm thiết bị máy móc, vải và nguyên phụ liệu hàng may mặc, thức ăn nuôi tôm, 12.300 tấn thủy sản nguyên liệu tăng từ 5% đến 30,9%; riêng nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 13,1%.
Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động du lịch dịch vụ nổi bật, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc được diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2008 như: tuần lễ văn hóa du lịch Khánh Hòa, văn hóa ẩm thực Việt Nam, đại lễ Phật đản liên hiệp quốc Phật lịch 2552… , đặc biệt là sự kiện đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2008 được tổ chức tại khu du lịch Vinpearl Land. Cơ sở vật chất của ngành du lịch không ngừng được tăng lên, đã có thêm 10 cơ sở lưu trú được đưa vào kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, nâng số cơ sở lưu trú đang hoạt động trong toàn tỉnh đến nay lên 380 cơ sở, đảm bảo đủ phòng phục vụ cho du khách vui chơi giải trí và tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7 tới. Các DN có doanh thu tăng khá so 6 tháng đầu năm 2007: Cty Yasaka- Sài Gòn- Nha Trang được 42 tỷ đồng tăng 35,5%, Cty cổ phần thương mại và du lịch Vinpearl 142 tỷ đồng tăng 90,6%, Cty du lịch Khánh Hòa 47 tỷ đồng tăng 11,2%, Cty du lịch Long Phú 10,5 tỷ đồng tăng 50,2%, Cty cổ phần du lịch thương mại Nha Trang được 20 tỷ đồng tăng 62,6%... đã góp phần đưa doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm được 670,6 tỷ đồng tăng 38,2% so cùng kỳ năm trước, số khách đến là 795,4 ngàn lượt khách với 1.628,2 ngàn ngày khách tăng từ 26,8% đến 28,5%, riêng lượt khách và ngày khách quốc tế tăng chậm hơn từ 14,4% đến 14,9%. Bên cạnh đó, ngành du lịch phối hợp với các ngành liên quan đón được 10 chuyến tàu du lịch biển với gần 8 ngàn du khách đến tham quan Tp Nha Trang, nâng số lượt khách đến tham quan Nha Trang- Khánh Hòa lên 3,03 triệu lượt người.
Để chào đón cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008, các ngành chức năng của tỉnh cùng các nhà tổ chức cuộc thi đang tập trung chỉ đạo hoàn tất các công việc cuối cùng như: tôn tạo cảnh quan, hoàn thành cơ sở hạ tầng đoạn đường Nguyễn Tất Thành từ đường Lê Hồng Phong đến Cung trình diễn hoa hậu Diamond Bay, cung trình diễn hoa hậu, nhà hát, khu nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống, thiết bị âm thanh ánh sáng…, gấp rút hoàn thành khách sạn 5 sao với 324 phòng và công trình nghệ thuật Tháp trầm hương tại quảng trường 2/4 để phục vụ du khách.
Trong 6 tháng đầu năm 2008 chỉ số giá tiêu dùng các tháng liên tục tăng lên, nhiều nhóm hàng có mức tăng giá khá cao so cùng kỳ năm trước do tác động nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp tết Mậu Tý, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đã làm giảm nguồn cung, giá nguyên liệu vật tư xăng dầu trên thế giới tăng cao, giá vàng trong nước tăng mạnh, trong khi đó tỷ giá đô la Mỹ so với đồng Việt Nam trên thị trường tự do tăng giảm thất thường đã tác động đến chi phí đầu vào của các DN và các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo sức ép tăng giá hàng hoá dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, nhất là các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt, vật liệu xây dựng, phân bón... So tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2008 tăng chậm lại 1,96%, trong đó chỉ số giá lương thực tăng 1,84%, thực phẩm tăng 0,77%. So cùng kỳ năm trước lương thực tăng 59,91%, thực phẩm tăng 32,6%. So tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,51%, trong đó lương thực tăng 56,05%, thực phẩm tăng 23,4%, nhà ở điện nước chất đốt vật liệu xây dựng tăng 12,64%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,27%, thiết bị đồ dùng gia đình tăng 4,64%, giao thông bưu chính viễn thông tăng 12,59%, giáo dục tăng 6,04%. Chỉ số giá vàng tăng 5,07% so với tháng trước, tăng 41,15% so cùng kỳ năm trước và tăng 16,14% so tháng 12 năm trước; tương tự, chỉ số đô la Mỹ tăng 4,21%, tăng 4,82% và tăng 4,91%. Để ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chủ trương chưa điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than, nước sinh hoạt, cước vận chuyển máy bay, tàu hỏa, xe buýt.
Giá bán lẻ bình quân một số mặt hàng tháng 6/2008 tại Tp Nha Trang: thóc tẻ thường 6.367 đ/kg, gạo tẻ trắng ngon hạt dài 11.283 đ/kg, khoai lang tươi 3.750 đ/kg, sắn tươi 3.417 đ/kg, bún tươi 7.800 đ/kg, thịt lợn mông sấn 73.833 đ/kg, thịt lợn nạc thăn 76.833 đ/kg, thịt bò bắp loại I 105.833 đ/kg, gà mái ta còn sống 1 kg trở lên 70.667 đ/kg, trứng vịt 18.167 đ/10quả, cá thu khúc giữa 77.000 đ/kg, đường trắng kết tinh 10.000 đ/kg, gas đun (13kg/bình) 255.000 đ/bình, dầu hỏa 14.170 đ/lít, xăng A92 không chì 14.790 đ/lít, vàng 99% 1.829.667 đ/chỉ, đo la Mỹ 16.875 đ/USD.
5. Tài chính, Ngân hàng
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2008 ước được 2.496 tỷ đồng bằng 57,8% KH tăng 32,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu thuế xuất nhập khẩu hải quan tăng khá 41%, thu nội địa tăng 29,1%. Thu thuế xuất nhập khẩu hải quan được 680,1 tỷ đồng chiếm 27,2% trong tổng thu ngân sách, trong đó thu từ nhập khẩu dầu được 570 tỷ đồng. Thu nội địa được 1.815,8 tỷ đồng với nhiều khoản thu đạt trên 50% KH và tăng khá so cùng kỳ năm trước: thu ngoài quốc doanh tăng 55,4%, thu thuế thu nhập cá nhân tăng 67,6%, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết tăng 27,5%, thu phí xăng dầu tăng 53,9%, thu tiền sử dụng đất gấp 4,5 lần... nhưng 3 khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong KH thu là thu từ DNNN địa phương, DNNN trung ương, DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng gần 5% rất thấp so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phản ảnh những khó khăn đối phó với lạm phát của các DN sản xuất kinh doanh. Chi ngân sách 6 tháng ước được 1.225,1 tỷ đồng bằng 41,5% KH, tăng 68,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó chi đầu tư phát triển 347 tỷ đồng tăng 81,2%, chi thường xuyên 624,9 tỷ đồng tăng 26,2%. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở tài chính đã trình UBND tỉnh một số giải pháp tiết kiệm chi tiêu công chống lạm phát, tham mưu giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2008 cho UBND các huyện Tx Tp và các Sở ban ngành thuộc tỉnh. Riêng trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định được khoảng 28 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh 12,2 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện 15,8 tỷ đồng.
Thu tiền mặt qua ngân hàng 6 tháng đầu năm 2008 ước được 25.950 tỷ đồng tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước, chi tiền mặt 25.800 tỷ đồng tăng 16,6%. 6 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh có 22 chi nhánh, tổ chức tín dụng đang hoạt động với 91 điểm giao dịch ngân hàng; 15 chi nhánh ngân hàng thương mại đã lắp đặt 117 máy ATM, trong đó tại Tp Nha Trang có 101 máy; phát hành 193.000 thẻ thanh toán ATM với khoảng 502 đơn vị hành chính sự nghiệp và 155 DN mở thẻ để trả lương cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2008 Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành nhiều quyết định nhằm thắt chặt tiền tệ kiềm chế lạm phát, quy định dự trữ bắt buộc, điều chỉnh lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, lãi suất cơ bản bằng VNĐ. Ngày 6/6/2008 Thống đốc ngân hàng nhà nước đã có công văn số 5063/NHNN-QLNH gửi các Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh Tp về việc kiểm tra giám các hoạt động thu đổi ngoại tệ trên địa bàn để đảm bảo các hoạt động này tuân thủ các quy định quản lý ngoại hối hiện hành. Ngày 10/6/2008 Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định 1316/QĐ-NHNN, 1317/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh lãi suất cơ bản từ 12%/năm lên 14%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 13%/năm lên 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 11%/năm lên 13%/năm và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 11/6/2008. Cùng ngày 10/6/2008, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có công văn 5158/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện việc không được thu phí liên quan đến hoạt động cho vay và giao các Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, Tp kiểm tra giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quyết định này. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đều tăng lãi suất huy động bằng tiền đồng từ 2% đến 3,6%/năm cho hầu hết các kỳ hạn. Hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm lại, các nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn được các ngân hàng đáp ứng kịp thời; đến cuối tháng 6/2008 tổng dư nợ cho vay ước được 11.540 tỷ đồng tăng 46,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó nợ xấu giảm còn 125 tỷ đồng chiếm 1,06% tổng dư nợ.
6. Vận tải và Bưu chính Viễn thông
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2008 đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đi lại của các cơ quan, DN và người dân, nhất là vào các dịp lễ tết, du lịch hè. Vận tải đường bộ, đường biển: doanh thu vận tải bốc xếp ước được 461,5 tỷ đồng, luân chuyển hành khách 523,7 triệu lượt người km, luân chuyển hàng hóa 1.162,6 triệu tấn km, hàng hóa bốc xếp qua cảng biển 1.265,7 ngàn tấn tăng từ 3,7% đến 47,9% so với 6 tháng đầu năm 2007; vận chuyển hành khách đường sắt được 258,9 ngàn người tăng 6,7%, luân chuyển hành khách 112,9 triệu lượt người km tăng 4,5%; vận chuyển hành khách đường hàng không được 205,6 ngàn lượt người lên xuống sân bay tăng 3,3% với 2.224 lần hạ cất cánh tăng 3,2%. Ngành giao thông đã đưa vào hoạt động 5 xe tải/12,5 tấn và 7 xe khách/315 ghế với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ đồng, làm mới 3,2 km đường giao thông, nâng cấp sửa chữa 57,7 km đường, 1 cầu với kinh phí 7,9 tỷ đồng; Cty cổ phần Bông Trắng (chi nhánh Nha Trang) đi vào hoạt động với 20 xe taxi/80 ghế; Cty TNHH vận tải và du lịch Phương Trang đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt Nha Trang- Cam Ranh và Nha Trang- Vạn Ninh. Từ ngày 10/6/2008 sân bay Cam Ranh hoàn thành việc lắp đặt hệ thống dàn đèn chiếu sáng phục vụ máy bay hạ và cất cánh bay đêm. Từ ngày 24/12/2007 đến 13/6/2008 toàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ làm chết 76 người, bị thương 24 người; so cùng kỳ năm trước số vụ TNGT giảm 12 vụ, số người chết giảm 18 người, số người bị thương giảm 7 người; địa bàn xảy ra nhiều nhất là Tx Cam Ranh (12 vụ, chết 12 người, bị thương 7 người). Nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ hoặc tránh vượt sai quy định hoặc không có giấy phép lái xe. TNGT đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người do người đi đường vi phạm khổ giới hạn.
Đến tháng 6/2008, trên địa bàn tỉnh có 57 bưu cục, 87 điểm bưu điện văn hóa xã và 180 đại lý bưu điện, điểm giao dịch chuyển phát với bán kính phục vụ bình quân là 2,26 km, mức độ phục vụ bình quân đạt 3.549 người/điểm phục vụ bưu chính; có 328 trạm điện thoại công cộng với bán kính phục vụ bình quân là 2,24 km; 890.000 thuê bao điện thoại. 6 tháng đầu năm, số bưu phẩm, bưu kiện đi có cước, số tiền chuyển qua thư và điện chuyển tiền, phát hành báo chí, cước điện thoại đường dài, điện báo đường dài đều tăng từ 2,9% đến 10,9% so cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu bưu điện ước được 259,5 tỷ đồng tăng 18,8%, trong đó doanh thu viễn thông 245,5 tỷ đồng tăng 18,9%.
7. Văn hoá - Xã hội
Các trường mầm non, phổ thông, bổ túc văn hóa trong toàn tỉnh đã tiến hành tổng kết năm học 2007-2008, toàn tỉnh có 99.862 học sinh (HS) tiểu học, 85.655 HS THCS, 38.568 HS THPT; 4.459 giáo viên (GV) tiểu học, 4.391 GV THCS và 1.555 GV THPT. So cùng kỳ năm trước, HS tiểu học giảm 3,1%, HS THCS giảm 6,5% và HS THPT tăng 3,5; GV tiểu học tăng 0,1%, GV THCS tăng 2,2%, GV THPT tăng 6,2%. Việc triển khai cuộc vận động “Hai không” đã đạt được hiệu quả rõ rệt về mặt chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp, khắc phục mạnh mẽ bệnh thành tích, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền giáo dục thực chất nhưng cũng đang tạo ra sự phân hóa lớn về chất lượng, hiệu quả giáo dục, trong đó các địa bàn khó khăn như miền núi và vùng dân tộc sẽ không tránh khỏi tình trạng HS lưu ban, bỏ học hoặc đỗ tốt nghiệp thấp, ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức an toàn, nghiêm túc, toàn tỉnh có 14 hội đồng thi THPT với 535 phòng thi và 11.828 thí sinh dự thi, 4 hội đồng thi bổ túc THPT với 190 phòng thi và 3.91 thí sinh dự thi; kết quả thi lần 1 có 78,1% HS đỗ tốt nghiệp THPT giảm 5,7% so với kỳ thi lần 1 năm học 2006-2007 và 22,9% thí sinh đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT giảm 10%. Về công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học: tiếp tục giữ vững đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học, riêng PCGD tiểu học đúng độ tuổi có 109/137 xã phường thị trấn đạt. Về PCGD THCS, kết quả kiểm tra tại thời điểm đầu năm 2008 chỉ còn 6/8 huyện Tx Tp tiếp tục giữ chuẩn PCGD THCS, huyện Khánh Sơn không đạt và huyện Khánh Vĩnh không đề nghị kiểm tra do chỉ còn 1/14 xã giữ được chuẩn; đây cũng là tình hình chung của các địa bàn khó khăn trên phạm vi toàn quốc sau khi triển khai cuộc vận động “Hai không”, các yêu cầu kiểm tra đánh giá thi cử nghiêm túc,chặt chẽ hơn nhiều so các năm học trước nên hiệu quả đào tạo có sự giảm sút lớn. Về PCGD bậc trung học, tiếp tục triển khai ở các địa phương trong tỉnh và đang gặp nhiều khó khăn, nhất là không duy trì được sĩ số các lớp phổ cập. Tiến độ đầu tư xây dựng, quy hoạch mạng lưới trường đang chậm lại do giá vật tư xây dựng tăng cao, việc mua sắm trang thiết bị dạy học cũng không kịp thời do cơ chế đấu thầu tốn nhiều thời gian.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng và 1 trường trung học chuyên nghiệp. So cùng kỳ năm trước, có 33.754 sinh viên (SV) đang theo học tăng 12,3%, trong đó có 13.784 SV đại học tăng 8,5%, 10.668 SV cao đẳng tăng 46,4%, 5.995 trung học chuyên nghiệp giảm 13,2% và 3.307 công nhân kỹ thuật giảm 4,7%. Tổng số CBCNV, GV đang tham gia công tác tại các trường là 1.296 người tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó giảng viên tham gia giảng dạy 846 người tăng 11%. Số giảng viên đạt trình độ trên đại học là 281 người gồm 37 tiến sĩ, 244 thạc sĩ; tỷ lệ giảng viên đạt chức danh phó giáo sư chỉ chiếm 1% (không có giáo sư). Các trường có diện tích 49.594 m2 với 328 phòng học, 55 phòng thí nghiệm, 43 phòng thư viện, 772 phòng ở kiên cố cho sinh viên. Kế hoạch tuyển sinh năm học 2008-2009, các trường sẽ đào tạo thêm ngành Việt Nam học và ngành công nghệ thiết bị trường học.
Ngành y tế chủ động đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, phẩy khuẩn tả, cúm A (H5N1)…, dự báo dịch sớm và xử lý khống chế dịch kịp thời; tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng y tế tại các tuyến, nhất là tuyến y tế xã phường. Ước 6 tháng đầu năm 2008 đã khám chữa bệnh cho 1.628 ngàn lượt người giảm 12,7% so cùng kỳ năm trước, điều trị nội trú 68,9 ngàn lượt người tăng 8,4%, phẫu thuật 7.700 lượt người giảm 2,3%; công suất sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế đạt 95%. Toàn tỉnh hiện có 58% xã phường thị trấn có bác sĩ (81/140 xã phường thị trấn); 167 cơ sở khám chữa bệnh với 2.544 giường bệnh đạt 22 giường/vạn dân. Thực hiện công điện khẩn số 715/CĐ-DPMT ngày 5/5/2008, công văn 26/DPMT-KDHC ngày 8/5/2008 của Cục y tế dự phòng và môi trường về tăng cường giám sát dịch bệnh tay chân miệng (TCM), công văn số 2833/UBND-VX ngày 13/5/2008 của UBND tỉnh chỉ đạo Sở y tế và UBND các huyện Tx Tp thực hiện phòng chống dịch TCM tại địa phương, ngành y tế đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch TCM, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng và gây tử vong; tính đến cuối tháng 6/2008 đã có 37 ca mắc, riêng Tp Nha Trang 30 ca, các ca mắc tập trung ở các cháu từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi, hầu hết các trường hợp mắc đều có biểu hiện lâm sàng nhẹ và không có biến chứng hoặc tử vong. Bên cạnh đó các hoạt động phòng chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tiêu chảy đã được triển khai đến các cơ sở y tế tuyến huyện nhưng so với cùng kỳ số ca mắc vẫn chưa giảm: 1.020 ca mắc sốt xuất huyết tăng 7% do ảnh hưởng của dịch bùng phát từ tháng 6/2007, đến nay đã chững lại và vẫn còn lưu hành tại Tp Nha Trang; 63 ca viêm gan virút tăng 4,5 lần; 8.100 ca tiêu chảy tăng 8,2%, 525 ca ngộ độc thức ăn tăng 3,1%, không có tình trạng ngộ độc tập trung. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm được duy trì và phát huy hiệu quả: mắc sốt rét ác tính còn 1 ca giảm 50% so cùng kỳ năm trước; khám phong cho 40,6 ngàn lượt người giảm 35,6%, trong đó phát hiện mới 10 ca giảm 9,1%; khám phát hiện lao cho 25,4 ngàn lượt người giảm 13,3%, trong đó phát hiện lao mới 608 người giảm 9,9%, quản lý điều trị 1.525 người giảm 2,9%. Duy trì 89 xã trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, trong đó triển khai mới 15 xã, phát hiện quản lý 1.200 người. Triển khai chương trình phòng chống các bệnh rối loạn do thiếu iốt, giám sát các mẫu muối iốt; đến nay tỷ lệ hộ gia đình dùng muối iốt đạt trên 90%. Tuy bị ảnh hưởng của một số vụ tai biến tiêm văcxin ở một số tỉnh Tp nhưng nhờ tăng cường công tác vận động tuyên truyền nên số trẻ được tiêm văcxin của hầu hết các chương trình tiêm chủng đã tăng trở lại: số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ liều là 11.250 trẻ tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước, số trẻ em dưới 1 tuổi tiêm viêm gan B là 10.600 trẻ tăng 8,2%; thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em như uống vitamin A, ARI, CDD, y tế học đường. Phấn đấu đến cuối năm 2008 hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17%. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn được chú trọng, số phụ nữ có thai tiêm UV2+ là 11.200 người tăng 14,4%, riêng số phụ nữ từ 15- 35 tuổi tiêm UV3 là 5.600 người giảm 25,2%. Trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện mới 75 người nhiễm HIV, đưa tổng số người nhiễm đến nay lên 2.165 người, trong đó có 1.032 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 786 người chết do AIDS. Lập lại tổng dự toán BV Ninh Hòa, BV Khánh Vĩnh; lập dự án xây dựng BV phụ sản, BV lao, BV tâm thần, Trung tâm y tế dự phòng Ninh Hòa, Tp Nha Trang…Tiến hành khảo sát các trạm y tế để xây dựng và nâng cấp theo quyết định 391/QĐ-UBND ngày 28/02/2008; giao trang thiết bị cho 56/62 trạm y tế thuộc dự án Atlantic tài trợ trị giá khỏang 6,5 tỷ đồng. Tổ chức kiểm tra 89 cơ sở về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, 49 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, xét nghiệm 103 mẫu thực phẩm, kết quả có 45 cơ sở và 5 mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, xử phạt vi phạm hành chính 60,2 triệu đồng.
Sở văn hóa thể thao và du lịch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tốt tuần lễ văn hóa Mừng Đảng mừng xuân Mậu Tý, kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, 33 ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… và nhiều hoạt động văn hóa tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Toàn ngành đã phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển lãm chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại các huyện Tx Tp; phối hợp tổ chức tốt Đại lễ Phật đản liên hiệp quốc; tổ chức lễ hội giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà Ponagar. Phối hợp với Cty Rass Tp HCM tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật khai hội văn hóa du lịch “Nha Trang- điểm hẹn 2008”, phối hợp tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2008, đang chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ năm 2008 tại Khu giải trí và du lịch Nha Trang. Đã thực hiện được 11 ngàn băng rôn khẩu hiệu, 4.500 m2 panô, 10 ngàn cờ các loại, tổ chức trên 650 lượt thông tin tuyên truyền cổ động. Trung tâm điện ảnh tổ chức 1.078 buổi chiếu phim thu hút 198 ngàn lượt người xem. Trung tâm quản lý di tích và danh thắng đón 350 ngàn lượt khách đến tham quan. Các đoàn nghệ thuật biễu diễn 131 buổi phục vụ 180 ngàn lượt người xem. Toàn tỉnh có 9 thư viện với 414,7 ngàn bản tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 183.811 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa bằng 81% KH, có 308 làng, tổ dân phố được công nhận đạt làng văn hóa, tổ văn hóa bằng 29% KH. Đã cấp 670 giấy phép quảng cáo, 6 giấy phép triển lãm, 80 giấy phép biểu diễn nghệ thuật, 26 giấy phép xuất bản tin không kinh doanh, 2 giấy phép xuất bản tin dài hạn, 11 giấy phép hoạt động karaoke. Phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành tổ chức 15 lượt kiểm tra ở 56 cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa, đã xử phạt 25 cơ sở vi phạm với số tiền nộp phạt 50 triệu đồng.
Phong trào thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi chào mừng các ngày lễ lớn trong 6 tháng đầu năm 2008. Trung tâm văn hóa thể thao các huyện Tx Tp tổ chức các hoạt động thể thao dân gian, trò chơi dân gian phục vụ tết Mậu Tý. Các tổ chức xã hội thể dục thể thao tổ chức các giải quần vợt, cầu lông. Ngành thể dục thể thao đã tổ chức được 37 giải huyện Tx Tp với các bộ môn thi đấu như bóng đá U11, cờ vua, cờ tướng, quần vợt, cầu lông, Việt dã, taekwondo, bóng chuyền… ; phối hợp với các Sở ban ngành tổ chức 8 giải phong trào tại tỉnh; tham gia 6 giải phong trào toàn quốc: đăng cai vòng loại bóng đá cúp quốc gia Sơn Kova lứa tuổi U19, Hội khỏe Phù đổng toàn quốc khu vực Nam trung bộ, đón đoàn đua xe đạp toàn quốc tranh cúp truyền hình lần thứ 20, vòng 1 giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc, giải bóng rổ hạng nhì nam nữ, giải judo các CLB toàn quốc, giải billards vô địch toàn quốc. Về thể thao thành tích cao, đoàn VĐV Khánh Hòa tham gia thi đấu16 giải trong nước và 3 giải quốc tế đã đạt được 67 huy chương (19 vàng, 13 bạc, 35 đồng) trong đó có 4 huy chương quốc tế, 8 kiện tướng, 26 VĐV cấp I. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm hoạt động thể thao thành tích cao Khánh Hòa nổi bật với 2 vinh dự: VĐV Đoàn Kiến Quốc được đại diện khu vực Đông Nam Á tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 và VĐV Ngô Văn Kiều được chuyển sang thi đấu ở CLB bóng chuyền Samator của Indonesia.
Sáutháng đầu năm 2008, ngành Lao động- TBXH đã tuyển mới 11.851 học viên sơ cấp, học viên học nghề dưới 3 tháng và học sinh trung cấp nghề bằng 50,3% KH năm; tổ chức dạy nghề cho các 783 người thuộc diện đối tượng chính sách xã hội, 1.431 lao động nông thôn và thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, 36 người tàn tật và 162 người nghèo. Từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đã cho 15 dự án vay 1.751 triệu đồng; nguồn vốn này hiện tồn đọng 5 tỷ đồng chưa được giải ngân. Nhân dịp tết Mậu Tý, đã thăm và tặng quà của Chủ tịch nước và UBND tỉnh cho 15.173 đối tượng chính sách với tổng kinh phí 3.490,8 triệu đồng; thăm và tặng quà cho 1.898 đối tượng xã hội; hỗ trợ 940,6 tấn gạo cho 45.568 nhân khẩu; tặng quà cho 956 hội viên Hội người mù, 137 người 100 tuổi trở lên, 805 người tâm thần. Tổ chức các đợt phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: thăm tặng quà gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam… Tiếp tục duy trì 83 xã phường thị trấn không có tệ nạn ma túy mại dâm. Đội kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 157 lượt kiểm tra ở 112 cơ sở kinh doanh dịch vụ, xử phạt 9 cơ sở với số tiền phạt 84,7 triệu đồng.
Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa đã tuyên truyền, thông tin, phản ảnh kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và địa phương trong 6 tháng đầu năm như: hội nghị TW 6, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phổ biến Luật phòng chống tham nhũng, Luật an toàn giao thông, khai hội “Nha Trang điểm hẹn 2008”, cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu hoàn vũ 2008… Đã thực hiện 15 chương trình truyền hình trực tiếp; phối hợp Đài truyền hình Tp HCM thực hiện 56 chương trình trò chơi truyền hình và các chương trình giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch giữa các vùng miền. Thời lượng phát thanh (AM+FM) là 20 giờ 30 phút/ngày, thời lượng đài truyền hình Khánh Hòa (KTV) 18 giờ/ngày, tiếp phát 3 kênh đài THVN (VTV1,VTV2, VTV3) 60 giờ/ngày; ngoài ra còn tiếp phát bóng đá cúp C1 châu Âu trên kênh VTV3 và KTV. Thực hiện 26 trang phát thanh địa phương và 6 trang truyền hình địa phương. Sản xuất và phát sóng 793 lượt chương trình chuyên mục, chuyên đề; 367 phim tài liệu, phóng sự, ca nhạc; mua bản quyền và phát sóng 1.763 lượt chương trìnhcác thể loại. Tiếp tục đầu tư trang bị máy móc theo hướng chuyên dụng, hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển hoạt động phát thanh truyền hình và nhu cầu người xem./.
Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa