Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/03/2010-17:04:00 PM
IMF cảnh báo tình trạng nợ nần của các nước giàu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/3 đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia giàu nhất thế giới về những khoản nợ công đang ngày càng phình to. Định chế này cho rằng, gánh nặng nợ nần như vậy có thể kéo lùi sự tăng trưởng cần thiết để đảm bảo phục hồi kinh tế tại các nươc này.
Phía trước một bảng điện tử chứng khoán trên đường phố Tokyo (Nhật Bản). Tính theo tỷ lệ nợ công so với GDP, thì Nhật Bản còn nặng nợ hơn cả Mỹ
Hãng tin AP cho hay, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông John Lipsky, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang để lại “những vết sẹo hằn sâu trong bảng cân đối tài khóa, nhất là tại các nền kinh tế phát triển”.
Theo vị quan chức IMF này, những nước thời gian qua phải vay nợ để kích thích kinh tế tới lúc này cần sẵn sàng cho việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng từ năm tới.
“Các nhà hoạch định chính sách nên làm rõ với người dân về việc tại sao chính sách chi tiêu ngân sách tằn tiện lúc này là điều kiện cần để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế”, ông Lipsky nói.
IMF dự báo, không tính Đức và Canada, tổng nợ chính phủ của các nền kinh tế phát triển trong khối G7 sẽ tăng lên mức 110% GDP vào thời điểm cuối năm 2014, từ mức 75% GDP vào cuối năm 2007.
Theo ông Lipsky, tỷ lệ nợ công so với GDP bình quân tại những nền kinh tế giàu có nhất thế giới được dự báo sẽ lên tới mức phổ biến trong thập niên 1950, sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tình trạng nợ chính phủ phình ra này còn xảy đến trong bối cảnh chi phí chăm sóc y tế và lương hưu cho người dân gia tăng, ông Lipsky nói.
“Giải quyết thách thức tài chính này là một ưu tiên chính sách then chốt trong ngắn hạn, vì những lo ngại về tình hình tài chính công có thể xói mòn niềm tin vào sự phục hồi kinh tế”, ông Lipsky nhận định. Ông cũng cho rằng, những khoản nợ công trung hạn có quy mô lớn có thể đẩy lãi suất tăng cao và kéo lùi tăng trưởng kinh tế.
Ông Lipsky khuyến cáo các nước nên đẩy mạnh các biện pháp cải cách có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, như tự do hóa thị trường hàng hóa và lao động, loại bỏ các hình thức bóp méo của thuế... bên cạnh các biện pháp trực tiếp nhằm cắt giảm chi tiêu công như tăng thuế, tăng tuổi về hưu...
Riêng đối với nước Mỹ, ông Lipsky cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới cần có tỷ lệ tiết kiệm tài chính công cao hơn để đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngân sách chính phủ. “Việc chính phủ tiết kiệm chi tiêu sẽ kích thích sự tiết kiệm của người dân, qua đó thúc đẩy tỷ lệ tiết kiệm quốc gia và giảm thâm hụt cán cân vãng lai”, ông Lipsky phát biểu.
Hiện ở mức 12.500 tỷ USD, nợ quốc gia của Mỹ đã liên tục tăng mạnh trong thập kỷ qua, đe dọa “nuốt chửng” cả sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Một nửa số trái phiếu kho bạc Mỹ đang lưu hành hiện nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc.
Tính theo tỷ lệ nợ công so với GDP, thì Nhật Bản còn nặng nợ hơn cả Mỹ. Theo AP, nợ chính phủ Nhật hiện khoảng gấp đôi GDP, nhưng phần lớn là nợ các hộ gia đình ở chính nước này.
Theo ông Lipsky, với mức thuế cao đối với người lao động hiện đang được áp dụng ở châu Âu và Nhật Bản, để giảm gánh nặng nợ nần, các nền kinh tế này nên tập trung vào việc điều chỉnh các đối tượng được hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, đồng thời giảm trừ các trường hợp được miễn thuế gián tiếp.
Những cảnh báo trên của IMF về nợ công của các nước giàu được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia ở châu Âu đã và đang bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp hiện vẫn chưa tìm ra lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ ở nước này. Trong trường hợp không được các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) cứu, Hy Lạp rất có thể sẽ phải cầu cứu IMF./.

VnEconomy

    Tổng số lượt xem: 979
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)