Đối với doanh nghiệp Singapore, thị trường nước này đã trở nên quá nhỏ, trong khi mức cạnh tranh tại những thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ... quá cao, nên Việt Nam là nơi hấp dẫn nhất.
|
Hơn 300 nhà doanh nghiệp chăm chú theo dõi những báo cáo về kinh doanh tại Việt Nam
|
Sau những lo ngại về tình hình kinh tế ở Việt Nam, niềm tin đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài vẫn không mấy thay đổi. Điều này được khẳng định tại hội thảo "Kinh doanh tại Việt Nam" hôm 24/6 ở Singapore.
Thị trường Việt Nam, sức hút lớn
Hơn 300 nhà doanh nghiệp (DN) thuộc đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề tại Singapore đã đến tham dự cuộc hội thảo một ngày với mục tiêu tìm kiếm cơ hội hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Chiếm số đông là DN Singapore, còn lại là các tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh khu vực tại đảo quốc sư tử.
Trưởng đại diện Ngân hàng QNB của Qatar, đại diện tập đoàn sản xuất bia rượu và chocolate đen ALICE của Mỹ... cho biết họ vừa lập văn phòng ở Singapore và đang có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam.
Còn đối với DN Singapore, thị trường Singapore đã trở nên quá nhỏ, trong khi mức cạnh tranh tại những thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ... quá cao, nên Việt Nam là nơi hấp dẫn nhất.
Bà Laila Salim, Giám đốc kinh doanh của Caden Technologies Pte Ltd, công ty thương mại sản phẩm điện máy, thiết bị công nghệ của Singapore có chi nhánh tại Malaysia, Philippines... khẳng định: "Tôi biết rất nhiều công ty đã rút khỏi Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam".
Khó khăn là tạm thời
Tại hội thảo này, câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với vài chục người tham dự, rằng họ có lo ngại về tình hình kinh tế ở Việt Nam hiện nay không, câu trả lời nhận được thể hiện sự lạc quan rõ nét: "Chúng tôi không lo lắng lắm", "Tôi tin là khó khăn sẽ qua đi trong vòng 6 tháng tới"...
Niềm tin đó được củng cố thêm sau phần báo cáo của Giám đốc tài chính doanh nghiệp của HSBC Việt Nam - Huỳnh Bửu Quang.
Theo ông Quang, tình trạng lạm phát quá cao hiện nay là một hệ quả tất yếu của sự tăng giá thực phẩm và dầu mỏ toàn cầu, bên cạnh một vài nguyên nhân khác như nạn đầu cơ và nhập khẩu quá mức. Còn thị trường chứng khoán thì đang ở giai đoạn "điều chỉnh" để tiến đến ổn định và hợp lý, bởi đã có một thời gian dài, giá cổ phiếu vượt quá xa giá trị thực của chúng.
Thị trường tài chính đảo lộn, thị trường nhà đất đóng băng cũng là những vấn đề "ngắn hạn" khi mà các chính sách điều chỉnh của nhà nước chưa kịp phát huy tác dụng.
Những nhận định của HSBC được các nhà DN đồng tình. Ông Michael Connor, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, chỉ trích một số bài báo đưa tin quá tiêu cực về Việt Nam.
Trong khi đó, ông Simon Ong, Giám đốc tổng hợp của Công ty Kingsmen Creatives Ltd, công ty Singapore chuyên tổ chức sự kiện và tư vấn, cung cấp dịch vụ nội thất, kể lại "hành trình 15 năm" đi đến thành công hôm nay của Kingsmen Việt Nam.
Bài học của Kingsmen cho thấy có chiến lược lâu dài và kế hoạch tốt, việc kinh doanh tại Việt Nam chắc chắn sẽ thành công. Và ở thời điểm hiện tại, Kingsmen Việt Nam vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh năm 2008 và trong tương lai.
Với những sửa đổi về thủ tục đầu tư, kinh doanh, thuế, ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây, Việt Nam được cho là đã có nhiều cởi mở, tạo niềm phấn khích cho DN nước ngoài muốn làm ăn tại đây.
Phần báo cáo của ông Lê Quang Phi, thuộc Công ty tư vấn và kiểm định Partner STT Audit & Advisory Partnership về vấn đề này được các DN rất quan tâm và xem như một niềm khích lệ.
Việc gia nhập WTO được xem là một mốc thay đổi lớn trong quá trình mở cửa và hòa nhập với kinh tế thế giới, tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư bên cạnh sự ổn định chính trị là một thế mạnh khác của Việt Nam.
Bên cạnh đó, là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam tham gia Thỏa thuân mậu dịch tự do của khu vực, tạo điều kiện cho mọi DN đầu tư ở Việt Nam những ưu đãi khác.