Sau 13 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và sau sáu năm ký Hiệp định thương mại song phương, hoạt động ngoại thương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển khá ấn tượng.
Kim ngạch hai chiều năm 2007 đạt 13 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu (XK) 10,5 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2006, Hoa Kỳ trở thành bạn hàng XK số 1 của Việt Nam.
Tuy vậy, hàng XK của Việt Nam năm 2007 mới chỉ chiếm 0,5% tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ. May mặc, tuy không còn lệ thuộc vào hạn ngạch và Hoa Kỳ chưa phát hiện Việt Nam bán phá giá mặt hàng này, nhưng cơ chế giám sát vẫn còn lơ lửng, đe dọa áp thuế chống bán phá giá, làm cho các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ ngại đặt hàng. Hơn nữa, do giá nguyên liệu, phụ liệu đang tăng, nên mặt hàng này chưa hết khó khăn.
Ðồ gỗ Việt Nam hầu như là sản phẩm từ các làng nghề nên chỉ thiên về đơn chiếc, số lượng không nhiều, khó đáp ứng yêu cầu những đơn hàng lớn, trong khi tập quán xài đồ gỗ và nội thất của Hoa Kỳ là đồng bộ từ không gian chung của tòa nhà đến mỗi loại phòng, nên phần lớn đồ gỗ của ta mới "đậu" ở bên ngoài. Các nhà phân phối mua hàng của ta phải gom thành bộ mới đưa vào lưu thông.
Hơn nữa, hiện nay ngành đồ gỗ đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt nguyên liệu, trong những năm tới khó tăng đột biến. Các mặt hàng thủy, hải sản bị áp thuế chống bán phá giá và những khó khăn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên mấy năm nay XK mặt hàng này còn dè dặt.
Các mặt hàng nông sản chủ yếu xuất thô như cà-phê hạt chưa rang xay, hạt tiêu, hạt điều nguyên sơ, cao-su thiên nhiên, mật ong thiên nhiên, quế và hoa quế... nên nhóm hàng này kim ngạch năm 2007 chưa tới 600 triệu USD, chưa thấy mặt hàng mới nào sáng giá, mang tầm quốc gia, thể hiện lợi thế so sánh.
Xét về trước mắt và lâu dài, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có tiềm lực lớn số 1 thế giới, là thị trường nhập khẩu khổng lồ. Vì thế, muốn đẩy mạnh XK vào Hoa Kỳ, trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam còn ít vốn, thiếu kinh nghiệm, các doanh nghiệp nước ta khi làm ăn ở thị trường này cần tính toán kỹ để có đối sách phù hợp hệ thống các giải pháp đồng bộ, trước mắt cần triển khai những việc sau:
Ðó là, sớm đạt được việc Hoa Kỳ áp dụng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) để hàng hóa của nước ta được miễn, giảm thuế nhập khẩu. Hoàn thiện về mọi mặt để Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường, từ đó hàng Việt Nam được đối xử bình đẳng theo luật pháp của Hoa Kỳ. Hợp tác với Hoa Kỳ về Chương trình giám sát hàng dệt may của Việt Nam. Ðôn đốc các doanh nghiệp XK hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ kê khai đầy đủ thông tin trên tất cả các chứng từ theo yêu cầu của giám sát, đồng thời kiểm tra ngăn ngừa hành vi gian lận thương mại.
Thúc đẩy Chương trình XK rau hoa quả vào Hoa Kỳ, bằng sản xuất lớn, tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm từ giống cây trồng, canh tác, bảo quản và chế biến. Thúc đẩy việc ký Hiệp định đầu tư giữa hai nước (BIT). Hiện tại Hoa Kỳ đứng thứ sáu trong số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam.
Song với những động thái vừa qua, việc Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số 1 chỉ còn là ngày một ngày hai, và sẽ tác động tích cực đến ngoại thương. Ðẩy mạnh hợp tác về hải quan. Việc đẩy mạnh hợp tác về hải quan giữa hai nước sẽ là cơ hội để hải quan nước ta vươn lên đủ tầm giải quyết thông quan hàng hóa vào Hoa Kỳ cũng như vào các thị trường khác.
Từng bước mở thêm cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Lãnh thổ Hoa Kỳ rộng, phát triển khá đồng đều, nhưng hiện nay cơ quan thương vụ của ta mới có ở phía tây và phía đông Hoa Kỳ là chưa đủ. Nên mở thêm ở miền bắc và miền nam để tăng đầu mối giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin, tìm hiểu luật, tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, chớp thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu và giải toả khi gặp phải rắc rối... Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại bằng nhiều nguồn lực, đa dạng hóa hình thức.
Do Hoa Kỳ là thị trường xa, nếu chỉ trông vào kinh phí xúc tiến thương mại (XTTM) của Nhà nước là không đủ, kinh phí đó ngày càng hạn hẹp, cho nên mỗi doanh nghiệp phải dùng kinh doanh để nuôi XTTM và XTTM sẽ hỗ trợ trở lại kinh doanh.
NGUYỄN DUY NGHĨA
Báo Nhân dân điện tử