Sau ba năm thương lượng, ngày 7/8 tại Seoul, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) - một thỏa thuận tự do hóa thương mại giữa hai nước cho phép dỡ bỏ hoặc cắt giảm thuế suất đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu giữa hai bên trong vòng 10 năm tới.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma và người đồng cấp nước chủ nhà Kim Jong-hoon đã thay mặt chính phủ hai nước ký hiệp định trên, một văn kiện bao trùm nhiều lĩnh vực từ hàng hóa đến dịch vụ, hoạt động đầu tư cũng như cạnh tranh giữa hai bên.
Theo văn kiện này, đến năm 2019, 85% mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc và 90% mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sẽ được giảm hoặc dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu.
Trong lĩnh vực dịch vụ, Ấn Độ nhất trí mở của thị trường viễn thông, kế toán, y tế và quảng cáo cho các công ty Hàn Quốc. Các ngân hàng Hàn Quốc cũng sẽ được phép mở chi nhánh tại Ấn Độ.
Bộ trưởng Kim Jong-hoon đánh giá cao tầm quan trọng của hiệp định này, cho rằng nó giúp đặt nền móng để Hàn Quốc xúc tiến quan hệ song phương với một nền kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ như Ấn Độ.
Việc Hàn Quốc là nước thứ 2 sau Singapore ký CEPA với Ấn Độ cũng đem lại cho Hàn Quốc lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh khác (như Trung Quốc, Nhật Bản...) trong việc chiếm lĩnh thị trường hơn 1,1 tỷ dân của Ấn Độ.
Viện Chính sách Kinh tế quốc tế của Hàn Quốc (KIEP) cho biết kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 15,56 tỷ USD năm 2008, trong đó xuất khẩu vào Ấn Độ chỉ chiếm 2,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, CEPA sẽ tạo tiền đề hướng tới những lợi ích kinh tế lâu dài. Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, được cho là thị trường xuất khẩu tiềm tàng và là động lực phát triển của thế giới.
Thông qua CEPA, Ấn Độ sẽ là một thị trường hàng đầu của Hàn Quốc trong những năm tới. Theo dự đoán của KIEP, kim ngạch thương mại giữa hai nước có thể tăng trung bình 3,3 tỷ USD/năm./.