Hôm nay 6/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng long trọng tuyên bố khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên có công nghệ hiện đại do Việt Nam tự đầu tư, quản lý và vận hành.
Mốc son của ngành Dầu khí Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngnhiệt liệt biểu dương nỗ lực, tinh thần vượt khó, hăng say lao động, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ban quản lý dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tổng thầu Technip vàcác nhà thầu khác trong và ngoài nước; sự chỉ đạo sát sao, tích cực của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm về Dầu khí; sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, Ngành liên quan; nhất là sự ủng hộ tích cực của nhân dân huyện Bình Sơn đã di dời đến nơi ở mới bàn giao mặt bằng để xây dựng Nhà máy; sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ quý báu của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cho rằng đây là bước phát triển quan trọngđối vớingành Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng khẳng định việc lựa chọn địa điểm và xây dựng Nhà máy là một quyết định đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; mong muốn Nhà máy sẽ từng bước đáp ứng một phần nhiên liệu cho thị trường trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.
Đòn bẩy cho khu vực miền Trung
Nhấn mạnh sự thành công của Dự án xây dựng Nhà máy có ý nghĩa đặt nền móng, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam,nền tảng phát triểncông nghiệp tại Quảng Ngãi và khu vực miền Trung, từng bước tạo ra sự phát triển kinh tế cân đối giữa các vùng, miền trong cả nước, Thủ tướng yêu cầu PVN phải quản lý và vận hành thật tốt để Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, từ những bài học, kinh nghiệm quí trong quá trình xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, PVN tiếp tục thực hiện thành công việc nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, Dự án lọc hóa dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Mặt khác, tỉnh Quảng Ngãi, PVN, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có trách nhiệm tiếp tục chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư.
Thủ tướng chỉ đạo, việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động là một lợi thế và cơ hội mới của tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực miền Trung, do vậy các bộ, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh trong khu vực khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, tạo động lực mới, sức mạnh tổng hợp, đòn bẩy mới đưa khu vực miền Trung phát triển nhanh và bền vững.
|
Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
|
Vận hành 105% công suất
Đây là nhà máy lọc dầu có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, Nhà máy đang phấn đấu để nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm.
Khởi công từ ngày 28/11/2005,sau 44 tháng xây dựng, ngày 22/2/2009, Nhà máy chính thức cho ra đời dòng sản phẩm dầu khí mang thương hiệu "Made in Vietnam". Ngày 30/5/2010, Tổ hợp nhà thầu Technip đã chính thức bàn giao Nhà máy cho Chủ đầu tư.
Sau gần hai năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã chế biến được 8,2 triệu tấn dầu thô, sản xuất 7,2 triệu tấn sản phẩm với giá trị sản lượng ước đạt 108,3 nghìn tỷ đồng, đã có 7 loại sản phẩm của nhà máy đạt Huy chương Vàng tại hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam 2010, đặc biệt là sản phẩm xăng Jet A1-nhiên liệu cho máy bay đã được cấp chứng chỉ chất lượng quốc tế, đang được tiêu thụ mạnh ở cả trong và ngoài nước.
Đặc biệt, các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất tăng nhanh, từ 20 dự án với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (năm 2005) lên 113 dự án với vốn đầu tư lên tới 135.000 tỷ đồng (năm 2010). Thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi tăng mạnh, từ 376 tỷ đồng (năm 2004) lên 15,5 nghìn tỷ đồng (năm 2010), trong đó 13,3 nghìn tỷ đồng là đóng góp từ Nhà máy.
Hiện Nhà máy đang vận hành ở công suất 105%, cao hơn công suất cực đại khoảng 1.000 tấn một ngày. Trung bình mỗi ngày, nhà máy chế biến khoảng 18.000 tấn sản phẩm xăng, dầu các loại để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Năm 2011, Nhà máy phấn đấu đạt mức doanh thu 77.000 tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 15.000 tỷ đồng.
|
Tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Nhà máy chào đón Thủ tướng
|
|
Thủ tướng thăm phòng điều khiển
|
|
Thủ tướng quan sát toàn cảnh Nhà máy
|
Việt Đông
Cổng thông tin điện tử Chính phủ