Năm 2009, châu Phi được xác định là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương đang nghiên cứu hoàn thiện việc ký kết các thoả thuận, hiệp định ở cấp Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường này.
Bộ Công Thương cũng đã có những nghiên cứu chi tiết tăng trưởng xuất khẩu (XK) đối với thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á. Các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trọng điểm đang tích cực được triển khai. Cơ cấu các mặt hàng XK sang châu Phi cũng được đa dạng hóa hơn nhiều. Nếu như trong thập kỷ 90, mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang châu Phi là gạo, thì những năm gần đây, Việt Nam đã XK các sản phẩm điện - điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mì ăn liền, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp... Đặc biệt là một số mặt hàng như dệt may, gạo… đang là mối quan tâm của rất nhiều nhà nhập khẩu (NK) của châu Phi.
Châu Phi - thị trường nhiều hứa hẹn
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Hầu hết các nền kinh tế phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, đối với các nước châu Phi, do sự gắn kết của thị trường tài chính của các nước này với thị trường tài chính Hoa Kỳ còn lỏng lẻo nên tác động của cuộc khủng hoảng đối với tăng trưởng kinh tế của châu Phi là không lớn. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tăng trưởng DGP của châu Phi năm 2008 đạt 5%, năm 2009 dự báo đạt khoảng 4,7%. Xuất khẩu của các nước châu Phi ước đạt 511,2 tỉ USD trong năm 2008 tăng gần 100 tỉ USD so với năm 2007, dự kiến XK năm 2009 đạt 530,9 tỉ USD. Các mặt hàng XK chính của châu Phi vẫn là nhóm hàng khoáng sản, nhiên liệu, sản phẩm chế biến và nông sản.
Châu Phi gồm 54 quốc gia với số dân 900 triệu người nằm trên diện tích 30 triệu km2, là châu lục lớn thứ 3 thế giới. Tuy bị xếp hạng là châu lục nghèo nhất nhưng những năm gần đây, nền kinh tế khu vực châu Phi đã có những chuyển biến đầy hứa hẹn do nhiều nước đã thực hiện triệt để chương trình cải cách các chính sách kinh tế vĩ mô tập trung ở nhiều ngành và lĩnh vực. Châu Phi hiện là thị trường có sức mua khá mạnh. Kim ngạch nhập khẩu (NK) của châu Phi có bước tăng trưởng từ 95 tỷ USD (năm 1991) lên 394,6 tỉ USD năm 2008 và dự báo sẽ tăng lên 441,8 tỉ USD trong năm 2009. Các quốc gia châu Phi đều là những nước đang hoặc chậm phát triển nên nhu cầu NK các sản phẩm chế tạo là rất lớn. Lục địa này phải NK từ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, các sản phẩm điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao đến các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như hàng dệt may, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng… nhìn chung phù hợp với cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam.
Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 48/54 quốc gia châu Phi. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại song phương với 15 nước, trong đó có 13 Hiệp định có điều khoản Tối huệ quốc (MFN). Nhờ đó, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và châu Phi tăng trưởng khá nhanh.
Cơ cấu các mặt hàng XK sang châu Phi cũng được đa dạng hóa hơn nhiều. Nếu như trong thập kỷ 90, mặt hàng XK chủ đạo của Việt Nam sang châu Phi là gạo, thì những năm gần đây, Việt Nam đã XK các sản phẩm điện - điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mì ăn liền, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp... Đặc biệt là một số mặt hàng như dệt may, gạo… đang là mối quan tâm của rất nhiều nhà NK của châu Phi.
Tìm cách vượt qua những rào cản
Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, mặc dù nhu cầu của thị trường châu Phi rất lớn nhưng do trình độ phát triển ở mức thấp, các doanh nghiệp của châu lục này bị hạn chế về khả năng tài chính. Đây là rào cản lớn nhất đối với các nhà XK trên thế giới và đặc biệt khó khăn đối với các nhà XK mà khả năng tài chính còn hạn chế như Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam mới mở 7/54 cơ quan đại diện ngoại giao tại Ai Cập, Algeria, Libia, Ăngôla, Nam Phi, Tanzania, Marốc và Nigêria; 5/54 thương vụ tại Ai Cập, Algeria, Nam Phi, Marốc và Nigeria. Vì vậy, theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi- Tây Á- Nam Á, Bộ Công Thương, dù các Thương vụ thuộc khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đã tích cực tham gia phát triển và mở rộng thị trường XK cho hàng hóa Việt Nam và thu hút đầu tư, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế thương mại nước sở tại, tiềm năng thị trường, luật pháp và chính sách thương mại, cơ chế quản lý XNK, thủ tục hải quan và dự báo thị trường; … nhưng do mạng lưới đại diện thương mại còn quá mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều, công tác nghiên cứu thị trường chưa được coi trọng nên chưa theo dõi kịp thời những thay đổi về cơ chế chính sách và diễn biến thị trường, đặc biệt là công tác XTTM chưa đa dạng, chưa phát huy được hiệu quả…
Bên cạnh đó, do châu Phi có khoảng cách địa lý xa xôi và thông tin về thị trường còn hạn chế, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự quan tâm chú trọng. Chính vì vậy, trong bối cảnh nhiều thị trường XK lớn của Việt Nam đang gặp khó khăn, vấn đề khai thác thị trường mới, thị trường tiềm năng, trong đó đặc biệt là khu vực Trung Đông và châu Phi cần được đặc biệt xem trọng
Theo Bộ Công Thương, nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 là đẩy mạnh XK, phấn đấu đưa kim ngạch XK đạt mức 3,8 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2008. Tuy nhiên, để làm được việc này thì các hoạt động XTTM đang được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh những tăng cường trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao Nhà nước để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các chương trình XTTM quốc gia tại khu vực thị trường này cũng cần phải có sự điều chỉnh. Các chương trình XTTM cần được đổi mới, hạn chế các đoàn khảo sát, nghiên cứu chung chung, không hiệu quả. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với một số hiệp hội, doanh nghiệp để tìm hiểu thị trường, XTTM tại các nước thuộc châu Phi và Trung Đông theo ngành hàng về công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng, nông sản…
Về phía các doanh nghiệp (DN), cũng cần tích cực kiên trì hơn trong công tác nghiên cứu thông tin thị trường. DN cần xác định mặt hàng trọng điểm, từng bước xây dựng bàn đạp để mở rộng hoạt động XK vào khu vực thị trường rộng lớn này, chẳng hạn: Angiêri (gạo, cà phê, hạt tiêu); Ăngôla và Kênya (gạo, sản phẩm dệt may); Ai Cập (máy vi tính và linh kiện, hạt tiêu, rau quả và sợi); Nam Phi (gạo, giày dép, cà phê, máy tính, sản phẩm điện tử, sản phẩm gỗ)…
Mặt khác, theo khuyến cáo của các chuyên gia, DN Việt Nam nên chọn cho mình phương thức kinh doanh phù hợp với đặc điểm của thị trường châu Phi cũng như khả năng tài chính của mình. Theo đó, chiến lược kinh doanh của các DN Việt Nam tại thị trường châu Phi thông qua 3 hình thức:
Thứ nhất, XK qua trung gian. Đây là con đường mà phần lớn các DN Việt Nam đã áp dụng để thâm nhập thị trường châu Phi từ trước tới nay.
Thứ hai, XK trực tiếp. Đây cũng là cách mà các DN Việt Nam sử dụng tại các nước mà Việt Nam có Thương vụ hoặc cơ quan đại diện, như Nam Phi, Angola, Ai Cập cũng như một số nước có hệ thống ngân hàng khá phát triển và tiềm lực tài chính tương đối mạnh như Ma Rốc, Nigeria...
Thứ ba, XK tại chỗ để khắc phục khó khăn trong thanh toán của các nước châu Phi và hệ thống ngân hàng kém phát triển, cũng như giảm bớt chi phí vận chuyển cho DN Việt Nam. Các DN cũng cần quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm trong khâu sản xuất hoặc chế biến, cải tiến mẫu mã, giá cả cạnh tranh để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường đối với một số mặt hàng như cà phê, gạo, hạt tiêu, thủy sản, dệt may, giày dép…