Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2008 tăng 2,14% (là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay), các biện pháp chống lạm phát đã bước đầu phát huy tác dụng.
Tuy vậy, với những động thái hiện nay, cho dù các nhà quản lý đang và sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để kiềm chế không để CPI tăng đột biến, nhưng vẫn còn một số nguy cơ có thể tác động mạnh tới CPI cần được theo dõi chặt hơn.
Thứ nhất, đến nay với vụ lúa đông - xuân bội thu, chúng ta đã loại bỏ được một tác nhân từng “góp phần” khiến CPI tăng liên tục trong 5 tháng đầu năm. Mặc dù vậy, sự “giậm chân tại chỗ” của ngành chăn nuôi đồng nghĩa với những “lỗ hổng” trên thị trường thực phẩm trong những tháng tới vẫn còn. Cho nên, đây vẫn là tác nhân có thể dẫn đến tình trạng sốt nóng “trái mùa”.
Các số liệu thống kê 6 tháng đầu năm nay cho thấy, trong khi ngành trồng trọt đạt tốc độ tăng đáng mừng 4,4%, thì tốc độ tăng của ngành chăn nuôi là con số không tròn trĩnh. Trong khi đó, với 25,20%, lớn gấp trên 2,5 lần nhóm hàng lương thực, hiện nhóm hàng thực phẩm hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội”.
Thực tế này cho phép khẳng định rằng, cho dù 4 tháng tới không phải la “mùa tiêu dùng” thực phẩm nhưng sự chững lại của ngành chăn nuôi đồng nghĩa với việc nguồn cung các loại thực phẩm chủ yếu cho thị trường không tăng, trong khi nhu cầu này của nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng, cho nên giá thực phẩm tiếp tục bị đẩy lên cao là điều không thể tránh khỏi. Việc ngành này đã tăng tới 4,4% trong năm 2007, nhưng giá của nhóm hàng thực phẩm vẫn liên tục tăng mạnh trong năm qua đã cho thấy điều đó.
Thứ hai, do nhiều ngành kinh tế còn sử dụng một lượng lớn nguyên liệu nhập khẩu, nên sốt nóng giá nguyên liệu thế giới là một nhân tố nữa mà chúng ta cần phải lưu ý trong “cuộc chiến” chống lạm phát hiện nay. Các số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, với tổng kim ngạch nhập khẩu gần 44,5 tỷ USD trong 6 tháng qua, độ mở ở đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế đã tăng lên khoảng 114% so với GDP, trong khi con số này năm 2007 là 88,11%.
Đây là độ mở thuộc diện hiếm có trong khu vực. Rõ ràng, sốt nóng giá nguyên liệu thế giới chắc chắn là thủ phạm chính dẫn đến bước tăng đại nhảy vọt này. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nguyên liệu thế giới bình quân trong những tháng qua đã tăng tới 34,47% so với năm 2007, cho nên giá trị hàng hoá nhập khẩu tăng do sốt nóng giá cả thế giới đã chiếm trên 11 tỷ USD trên tổng kim ngạch nhập khẩu gần 44,5 tỷ USD, bằng khoảng 30% GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Trong “cuộc chiến” chống lạm phát, có lẽ cũng phải thận trong hơn khi sử dụng công cụ tỷ giá. Nếu nhìn vào diễn biến tỷ giá giao dịch bình quân VND/USD trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố từ đầu năm đến nay, có thể thấy hai xu thế biến động ngược chiều nhau. Đó là, khởi đầu từ tháng 8/2007 đến giữa tháng 4 vừa qua là giai đoạn VND mạnh dần, và ngược lại, từ đó đến nay là tình trạng “tụt dốc” của VND.
Không những vậy, bên cạnh tỷ giá giao dịch bình quân, một loại “vũ khí” còn sắc hơn nữa cũng đã được sử dụng là biên độ tỷ giá. Đó là, nếu như mở đầu năm được bắt đầu từ việc nới rộng biên độ tỷ giá từ +/- 0,5% lên +/-0,75%, thì cuối thượng tuần tháng 3, biên độ này được mở ra +/-1%.
Đặc biệt là từ đầu hạ tuần tháng 6 vừa qua, biên độ lại được mở lên +/-2%. Với việc đồng thời mạnh tay sử dụng cả hai loại công cụ tỷ giá như nói trên, các nhà quản lý không những đã tăng cường nguồn động lực cho “đoàn tàu xuất khẩu”, đồng thời phanh hãm “đoàn tàu nhập khẩu” và do vậy, nhập siêu cũng hạ nhiệt. Với biên độ tỷ giá VND/USD như trên, khi nhập khẩu hàng hoá tăng, cộng với việc giá nguyên liệu thế giới tiếp tục sốt nóng, trong điều kiện độ mở ở đầu vào nhập khẩu lớn, thì việc kiểm soát cả hai “nguồn nhiệt” này đối với “rổ GDP” của nước ta là rất quan trọng.
Nguyễn Đình Bích
Báo Đầu tư