Báo cáo 48/CB-UBND ngày 16/7/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2008.
I. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kế hoạch năm 2008, UBND tỉnh đã triển khai giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách ngay từ cuối năm 2007 theo đúng tiến độ quy định. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu để tổ chức chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch (KH) nhà nước giao. Kết quả 6 tháng đầu năm 2008, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, trở ngại vừa phải khắc phục hậu quả thiệt hại nặng do bão lụt năm trước gây ra, lại gặp rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh gia cầm tái phát; đặc biệt là tình hình lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhất là các mặt hàng nguyên, vật liệu, xăng dầu, lương thực... ảnh hưởng đến SX, đời sống nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành TW; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tập trung của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu ngay từ những tháng đầu năm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên nhìn chung tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá; các lĩnh vực văn hoá - xã hội có chuyển biến tích cực, Quốc phòng – An ninh (QP-AN), trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện.
* Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu
- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,3% (kế hoạch cả năm 12%-12,5%, thực hiện cùng kỳ 11,5%)
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,8% (KH cả năm 5%, thực hiện cùng kỳ 3,6%)
- Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân đạt 165.320 tấn, đạt 115,5% KH vụ Đông Xuân, bằng 102,3% so cùng kỳ, đạt 72,4% KH cả năm 2008.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22,2% (KH cả năm 21%, thực hiện cùng kỳ 24,1%)
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 12,4% (KH cả năm 12,5 - 13,0%, thực hiện cùng kỳ 12,3%)
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 33,8% (kế hoạch cả năm 24,3%)
- Kim ngạch xuất khẩu: 24,8 triệu USD, đạt 45,1% KH, bằng 115% so cùng kỳ (chỉ tiêu cả năm 55 triệu USD)
- Thu ngân sách trên địa bàn: 433,164 tỷ đồng, đạt 68% dự toán TW, 56,8% dự toán địa phương, tăng 28,1% SCK (KH cả năm 762 tỷ đồng)
- Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm 1,86% (KH cả năm giảm 3,5 - 4%).
- Giải quyết việc làm cho 18.771 người, đạt 67% KH; trong đó tạo việc làm mới cho 11.542 người (KH cả năm GQVL 2,8 vạn người).
- Phổ cập THCS đạt 96,2% số xã, phường, thị trấn (KH cả năm 97%)
- Tỷ lệ các Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia 45,3% (KH cả năm 46%)
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN CÁC LĨNH VỰC
1. Công tác quy hoạch:
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban, ngành, địa phương tích cực phối hợp với các Viện nghiên cứu của các Bộ ngành TW, các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế xây dựng quy hoạch (QH) nhằm nâng cao chất lượng công tác QH, đảm bảo tầm nhìn xa, có trọng tâm trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Trong 6 tháng đầu năm đã thông qua: QH tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020, QH chi tiết xây dựng 2 bờ sông Nhật Lệ, QH khoanh vùng cấm, tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh, QH vùng phụ cận sân bay Đồng Hới... và triển khai một số QH chi tiết trên địa bàn toàn tỉnh. Đang tiếp tục xây dựng điều chỉnh QH các ngành, các khu công nghiệp (CN) tỉnh, QH tổng thể phát triển KT-XH các huyện, thành phố đến năm 2020...
Tuy vậy, so với yêu cầu, việc xây dựng các QH chi tiết triển khai còn chậm, chất lượng QH chưa cao, tầm nhìn còn hạn chế; lực lượng cán bộ làm QH vẫn còn thiếu, trình độ chưa ngang tầm đã làm ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án có quy mô của các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh.
2. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
Nông nghiệp, trồng trọt: Vụ Đông Xuân năm nay triển khai trong điều kiện thời tiết gặp nhiều bất lợi do đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu vụ đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc gieo trồng và quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng. Một số diện tích lúa bị chết, ngô không nảy mầm, phải gieo cấy lại... Nhưng nhờ tích cực chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp, các ngành, kết hợp với chủ động khắc phục khó khăn của bà con nông dân và chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên vụ Đông Xuân năm nay vẫn được mùa khá cả về năng suất, sản lượng và giá bán sản phẩm. Năng suất nhiều cây trồng như: lúa, ngô, lạc... đạt cao hơn SCK. Sản lượng cao su khai thác: 1.190 tấn, đạt 33%, bằng 81,5% SCK. Kế hoạch trồng mới cao su năm nay là 500 ha, nhưng đến nay số diện tích các địa phương đăng ký trồng mới lên đến 1.700 ha; hiện các đơn vị đang triển khai khai hoang, làm đất chuẩn bị giống, phân bón... để trồng đúng tiến độ. Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, các địa phương, đơn vị đang tập trung triển khai SX vụ Hè Thu theo lịch thời vụ. Đến hết tháng 6 toàn tỉnh đã gieo cấy được 23.418 ha, bằng 84,25% SCK; đồng thời, tích cực chỉ đạo chuẩn bị cho sản xuất (SX) vụ Đông và Đông Xuân năm 2008 - 2009.
Chăn nuôi: Chương trình phát triển chăn nuôi được các cấp, các ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo theo hướng nâng cao chất lượng đàn bằng việc đẩy mạnh chương trình bò lai, lợn ngoại kết hợp làm tốt công tác thú y; nhiều mô hình trang trại liên kết hộ đã đầu tư có quy mô để chăn nuôi tập trung lợn thịt, lợn giống chất lượng cao... Điểm nổi lên trong 6 tháng đầu năm ngoài dịch cúm gia cầm xảy ra cục bộ ở Tân Thủy, Hồng Thủy đã được khống chế kịp thời; thì ở tỉnh ta đã ngăn chặn thành công không để dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh phát sinh ở các tỉnh lân cận lây lan vào địa bàn. Tuy tổng đàn gia súc, gia cầm tăng chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh và đợt rét đậm, rét hại nhưng lượng thịt hơi xuất chuồng đạt mức tăng khá (tăng 16,3% SCK).
Lâm nghiệp: Sản lượng gỗ khai thác được 13.430 m3, đạt 33,6% KH, tăng 4,0% SCK; Sản lượng nhựa thông khai thác: 1.290 tấn, tăng 1,8% SCK, đạt 43,0% KH; Về lâm sinh, chủ yếu trồng cây phân tán, tập trung chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị đất, cây giống, phân bón cho trồng rừng tập trung vào cuối năm. Đến nay, số lượng cây trồng phân tán đạt 1,9 triệu cây, tăng 9,7% SCK và đạt 48,1% KH; Công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tăng cường kiểm tra; chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức để người dân, chủ rừng đề cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; triển khai phương án PCCC rừng ngay ở từng địa bàn cơ sở.
Thủy sản: Chương trình thuỷ sản được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao nên đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn; Nhưng nhờ nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời và bà con ngư dân chủ động khắc phục khó khăn, tích cực chuyển đổi hình thức, ngư trường khai thác, ngành nghề nên SX thuỷ sản tiếp tục được giữ vững. Sản lượng thuỷ sản 6 tháng đạt: 17.470 tấn, bằng 47,2% KH, tăng 3,65% SCK; trong đó sản lượng đánh bắt 15.751,2 tấn, đạt 52,5% KH, tăng 2,89% SCK. Sản lượng nuôi tuy chưa đến chính vụ nhưng đạt 1.720 tấn, bằng 24,55% KH, tăng 11% SCK.
SX Nông nghiệp, tuy vụ Đông Xuân năm này vẫn được mùa khá, nhưng nhìn chung giá trị SX nông nghiệp giảm SCK 0,8% và đạt thấp so KH. Một số địa phương, đơn vị chuyển đổi đất trồng rừng kém hiệu quả sang trồng cao su còn chậm. Trong chăn nuôi, do chưa QH được vùng SX tập trung nên chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẽ, khó khăn trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, kiểm soát thú y, tính cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm thấp; chưa tạo được mối liên kết hợp tác giữa SX và tiêu thụ sản phẩm. Tình hình vi phạm lâm luật vẫn còn xảy ra, nhất là ở các địa bàn trọng điểm có chiều hướng gia tăng. Hoạt động chế biến thuỷ sản nhiều năm qua vẫn nằm trong tình trạng khó khăn, công nghệ cũ, tổ chức quản lý SXKD yếu và nguyên liệu đầu vào giảm nhưng giá lại tăng. SX tôm giống chỉ mới đáp ứng được 29,3% nhu cầu nuôi; công tác kiểm soát con giống, phòng, chống dịch bệnh, chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch bệnh tôm xảy ra trên diện rộng ở Quảng Trạch, Bố Trạch.
3. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN):
6 tháng đầu năm duy trì được tốc độ tăng trưởng khá là một cố gắng lớn. Chương trình phát triển CN - TTCN và ngành nghề nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các ngành CN và cơ cấu các sản phẩm chủ yếu đều ổn định và tăng trưởng phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm như: xi măng, Clinke, Ceramic, gạch xây, hàng may mặc, bia... Tuy vậy, một số sản phẩm giá trị đạt thấp SCK như: phân bón các loại, chế biến thuỷ sản, lắp ráp xe máy... Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng đầu ra tiêu thụ chậm.
Riêng khu vực SX TTCN và ngành nghề nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các cụm, điểm TTCN, các làng nghề; tuy nhiên, cho đến nay nhìn chung so với mục tiêu, yêu cầu phát triển chậm, việc triển khai cách làm của các địa phương về cơ sở còn nhiều lúng túng, thiếu đồng bộ và tình hình này kéo dài qua các năm nhưng vẫn chậm có giải pháp cần thiết để khắc phục.
4. Các ngành dịch vụ:
- Nội thương: Tuy tình hình lạm phát tăng cao, nhưng do SX và đời sống cơ bản vẫn ổn định, duy trì tăng trưởng nên hoạt động thương mại nội địa vẫn tăng khá, hầu hết các mặt hàng thiết yếu, hàng chính sách xã hội cho đồng bào miền núi trên thị trường vẫn được đảm bảo nguồn cung ứng đáp ứng nhu cầu SX và tiêu dùng của xã hội. Mạng lưới dịch vụ thương mại tiếp tục được phát triển. Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra giá cả, chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại được tăng cường, góp phần bình ổn giá một số vật tư, sản phẩm, hàng hoá thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
- Xuất khẩu: Tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; 6 tháng đầu năm kim ngạch XK được 24,8 triệu USD, đạt 45,1% KH và tăng 15% SCK. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: cao su, sản phẩm gỗ các loại, nhựa thông, Titan...
- Nhập khẩu: Đạt kim ngạch gần 13 triệu USD, bằng 55,4% KH, tăng 35,3% SCK. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ SX như gỗ, nhôm, tân dược và một số mặt hàng tiêu dùng.
- Du lịch: Lượng khách du lịch đến đạt 225,5 nghìn lượt người, tăng 25,2% SCK. Chương trình phát triển du lịch tiếp tục được triển khai tích cực, đã huy động được các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều nhà đầu tư đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng các khu du lịch với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại khu vực: Phong Nha - Kẻ Bàng, Bang, Nhật Lệ - Quang Phú, Đá Nhảy... Hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng, thái độ phục vụ; an ninh trật tư, vệ sinh ATTP và vệ sinh môi trường.
- Vận tải và các loại hình dịch vụ khác: Tuy giá nhiên liệu tăng, nhưng hoạt động vận tải đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân. Các loại hình dịch vụ: bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... tiếp tục phát triển mở rộng với nhiều tổ chức đơn vị cùng hợp tác và cạnh tranh với nhiều sản phẩm mới, chất lượng và tiện ích đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
- Giá cả thị trường: Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 17,45% so với tháng 12/2007. Trong đó nhóm hàng dịch vụ ăn uống có tốc độ tăng cao (28,9%), riêng giá lương thực tăng cao nhất 43,9%; giá cả VLXD, nhất là xi măng, sắt thép cũng tăng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình…
Tuy hoạt động thương mại, dịch vụ có tăng trưởng, nhưng do giá cả tăng nhanh làm cho thu nhập thực tế của người dân giảm sút, ảnh hưởng đến sức mua và đời sống nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng nhưng chưa bền vững, các mặt hàng XK của địa phương chưa được đẩy mạnh. Hoạt động du lịch tuy giữ được mức tăng trưởng ổn định, nhưng chưa có bước đột phá về cơ cấu sản phẩm, các dịch vụ phục vụ khách du lịch còn đơn điệu; QH phát triển du lịch xây dựng còn chậm, nhất là khu Di sản TNTG Phong Nha - Kẻ Bàng. Việc triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch ở các địa phương còn yếu.
5. Tài nguyên, môi trường:
Đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt QH, KH sử dụng đất 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Đến nay, đã hoàn thành QH sử dụng đất ở 107 xã, phường, thị trấn, đang triển khai ở 50 xã, (còn 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch chưa triển khai). Công tác giới thiệu địa điểm, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CN QSD), cho thuê đất đang được triển khai tích cực, đảm bảo theo QH, KH được duyệt, cơ bản đảm đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và các nhà đầu tư; các công trình được giao và cho thuê đất sử dụng đúng mục đích và theo quy định của Luật đất đai. Hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính cho Công ty(C.ty) Lệ Ninh, C.ty Cao su Việt Trung, C.ty LCN Bắc Quảng Bình, C.ty LCN Long Đại và các Ban QL rừng phòng hộ với diện tích 270.562 ha phục vụ cho việc rà soát QH, cấp giấy CN QSD đất nông lâm nghiệp trong toàn tỉnh theo quy định của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện cấp giấy CN QSD đất cho các tổ chức và cá nhân. (Ở đô thị đạt 86,27%; nông thôn đạt 97,3%, đất lâm nghiệp đạt 81,4% diện tích; đất cho các tổ chức đạt 89,3%). Công tác quản lý tài nguyên tiếp tục được tăng cường, thực hiện đúng quy định Luật khoáng sản, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường và kiểm tra giám sát việc thực hiện đối với các dự án, cơ sở SXKD.
Tuy vậy, công tác lập QH SD đất cấp xã một số địa phương triển khai còn chậm. Việc cấp giấy CNQSD đất ở đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn chậm trễ, kéo dài; đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa khối lượng triển khai đạt thấp, do thiếu nguồn kinh phí. Công tác bảo vệ môi trường ở một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, nên tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra, như nước thải, khí thải, rác thải... xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng chưa được kiểm tra ngăn chặn kịp thời.
6. Quan hệ sản xuất:
Công tác đổi mới, sắp xếp DNNN: Tiếp tục thực hiện sắp xếp các DNNN theo đề án được Chính phủ phê duyệt, đang tiến hành cổ phần hóa Công ty Sông Gianh, Công ty TNHH 1 thành viên (TV) Cấp thoát nước, C.ty TNHH 1 TV Đường sông QB và một số đơn vị SXKD thuộc C.ty LCN Long Đại, C.ty Cao su Việt Trung. Đã phê duyệt phương án chuyển C.ty Xổ số Kiến thiết Quảng Bình thành C.ty TNHH 1 TV.
Đăng ký kinh doanh: Trong 6 tháng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho 207 DN, với tổng số vốn đăng ký 1.377,4 tỷ đồng; nâng tổng số DN hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 1.558 DN (tăng 55,6% SCK), với tổng số vốn hơn 5.942 tỷ đồng; đã kiểm tra và thu hồi 14 giấy phép CNĐKKD. Nhìn chung các DN hoạt động có hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào thu NSNN đạt tỷ lệ gần 40%. UBND tỉnh đã thành lập Ban vận động thành lập Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ các DN địa phương phát triển.
Kinh tế HTX, kinh tế hộ gia đình có bước phát triển mạnh, nhiều mô hình SXKD có hiệu quả như kinh tế trang trại, liên kết hộ trong chăn nuôi lợn, bò, trồng rừng, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, hàng TTCN... tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy vậy, việc sắp xếp đổi mới một số DNNN vẫn còn chậm do có vướng mắc trong công tác tổ chức và giải quyết tồn động về tài chính, công nợ, xác định giá trị DN... Công tác hậu kiểm sau đăng ký, hoạt động kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện thiếu thường xuyên; do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố lạm phát tăng cao, do đó nhiều DN đang gặp khó khăn trong SXKD (nhất là nguồn vốn huy động) và tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại...
7. Xây dựng cơ bản:
Trong 6 tháng đầu năm, các chủ dự án đã tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đôn đốc các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân các nguồn vốn đã bố trí. Đến nay, một số công trình trọng điểm của tỉnh đã cơ bản hoàn thành như: sân bay Đồng Hới, cảng Hòn La giai đoạn 1, đường vào trung tâm Phong Nha..., các công trình trọng điểm khác như cầu Quảng Hải, Quốc lộ 12A, Hồ thuỷ lợi Rào Đá, Hồ sông Thai, Hồ thành Đồng Hới... tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Nhìn chung, công tác QLNN về đầu tư XDCB tiếp tục tăng cường; việc phân bổ vốn được giao sớm cho các ngành, địa phương đã tạo sự chủ động trong việc triển khai thực hiện, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban ngành, các địa phương, các chủ đầu tư, Ban QL các dự án trong việc lập, quản lý, thực hiện dự án. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ và tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng các dự án trọng điểm để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng.
Thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành KH vốn đầu tư XDCB và chi tiêu ngân sách (NS) năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ KH vốn đầu tư năm 2008 đã được giao, thực hiện cắt giảm các công trình chưa đảm bảo thủ tục, các công trình trụ sở, nhà văn hoá... chưa khởi công xây dựng, đình hoãn hoặc giản tiến độ thực hiện của các dự án chưa thật sự cần thiết. Kết quả rà soát toàn tỉnh có 20 dự án đình hoãn và 1 dự án giản tiến độ do đang còn nhiều vướng mắc thủ tục đầu tư, GPMB...; UBND tỉnh đã có Quyết định cắt giảm với tổng số vốn là 30.290 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn đầu tư XDCB như: Tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư; cho phép điều chỉnh giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng có biến động giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư, nhà thầu, điều chỉnh hình thức thực hiện hợp đồng... theo nội dung tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành TW liên quan.
Tuy vậy, công tác bồi thường GPMB một số dự án chậm do nhà đầu tư cùng các cấp, các ngành thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ về cách thức khi triển khai về cơ sở; một số dự án tuy đã được phê duyệt phương án bồi thường GPMB, nhưng do triển khai chậm nên phải điều chỉnh, bổ sung mức đền bù theo biến động giá; Mặt khác, do ảnh hưởng của lạm phát làm giá sử dụng thiết bị, vật tư, nhiên liệu, hàng hoá, tiền công... tăng cao nên các đơn vị thi công cầm chừng để chờ làm thủ tục điều chỉnh giá. Một số chủ đầu tư ngành, địa phương chưa đề cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc để chủ động giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và tăng cường quản lý chất lượng công trình; có trường hợp còn buông lỏng để công trình hư hại, gây tổn thất, lãng phí.
8. Tài chính - Tín dụng :
Tài chính: Về công tác thu NS: 6 tháng đầu năm 2008, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, để thúc đẩy phát triển hoạt động SXKD; trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác thu NS, nhất là thu từ SXKD của các thành phần kinh tế. Đi đôi tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu thuế và xử lý nghiêm đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ NS; tổ chức đối thoại với các DN để cùng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Nhờ nỗ lực chung, nên thu ngân sách năm nay tăng 28,1% SCK. Một số khoản thu đạt khá, như: Thuế nhà đất, lệ phí trước bạ, tiền cấp quyền SD đất, thu tiền thuê đất... Đặc biệt có các khoản thu đã hoàn thành vượt mức là thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các đơn vị, địa phương chấp hành tốt nghĩa vụ NS, nộp khá như: Công ty CP bảo hiểm PETROLIMEX, C.ty Xăng dầu, C.ty CP Vận tải đa phương thức 2, C.ty CP Gốm sứ & XD COSEVCO, C.ty Quản lý đường sắt QB, C.ty CP Du lịch Sài Gòn, C.ty Cao su Việt Trung, C.ty LCN Bắc QB, C.ty Du lịch và nước khoáng COSEVCO...; Đặc biệt C.ty Bia rượu và C.ty Xi măng Sông Gianh có số nộp NS khá cao (chiếm tỷ lệ 10% tổng thu trên địa bàn). Và hầu hết các huyện đều có số thu tăng khá SCK.
Về điều hành quản lý chi ngân sách: Với số thu NS nội địa 6 tháng đầu năm 2008 đạt kết quả khá, cùng với NSTW hỗ trợ cân đối kịp thời theo KH, nên chi NS trên địa bàn đảm bảo theo dự toán của HĐND phê duyệt, đáp ứng kịp thời kinh phí hoạt động của các cấp, các ngành và thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN. Đồng thời, trong quản lý điều hành đã bám sát chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng và thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát; UBND tỉnh đã có Quyết định tiếp tục giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên NSNN năm 2008 cho các ngành, địa phương trong tỉnh với tổng số tiền: 21.330 triệu đồng. Số tiền này được dùng để bổ sung vào quỹ dự phòng của các cấp NS để xử lý các nhiệm vụ chi đảm bảo an sinh xã hội, phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh đột xuất ngoài dự toán được giao theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tín dụng: Trong điều kiện thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn. Nhưng các Ngân hàng, TCTD vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản, chi trả tiền gửi cho khách và tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký kết, cho vay các chương trình kinh tế trọng điểm, phát triển nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo... Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh các hoạt động tín dụng bảo đảm an toàn và cạnh tranh lành mạnh.
Tuy thu NS 6 tháng đạt khá, nhưng tỷ lệ thu từ SXKD còn thấp (39%); vẫn còn nhiều lĩnh vực và một số địa phương do SXKD gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá cả đầu vào tăng, vốn đầu tư XDCB giải ngân chậm, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế đang có xu hướng gia tăng; Có địa phương do chạy theo thành tích, đã tổ chức đấu giá thu tiền cấp đất thiếu chặt chẽ, không tính đến QH chung, QH chi tiết phát triển KT, XH, bảo đảm QP - AN về sau, khi triển khai các dự án sẽ phải bồi thường GPMB với khả năng chi trả của NSNN là rất lớn (vượt quá số thu tiền cấp QSDĐ...). Công tác QLNN về hoạt động tín dụng, ngân hàng cần phải được tiếp tục tăng cường hơn nữa, nhất là đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân; Đi đôi với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và độ an toàn của hoạt động tín dụng.
9. Kinh tế đối ngoại và công tác xúc tiến đầu tư:
Kinh tế đối ngoại: Đối với các dự án ODA đang hoạt động như: Dự án Giảm nghèo miền Trung, Dự án Vệ sinh Môi trường (VSMT) TP Đồng Hới, Tiểu dự án Thuỷ lợi Thượng Mỹ Trung, Dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẽ Bàng, Dự án phát triển nông nghiệp tổng hợp tiếp tục thực hiện theo KH, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Các dự án RE II, dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005… đang đẩy mạnh triển khai các thủ tục và thực hiện theo tiến độ. Các dự án JBIC: Dự án tuyến đường Hiền - Xuân - An - Vạn đang tập trung thi công, dự kiến đến tháng 8/2008 đưa vào khai thác sử dụng; dự án Hệ thống cấp thoát nước thị trấn nông trường Việt Trung, chuẩn bị khởi công xây dựng. Các dự án FDI: Dự án thăm dò vàng Xà Khía đã kết thúc thời gian thăm dò giai đoạn 1, đang chờ cấp giấy phép thăm dò giai đoạn 2; dự án sản xuất Kaolin do thay đổi cơ cấu cổ đông đầu tư, đang xúc tiến xây dựng lại dự án vào cuối năm 2008. Dự án vàng Khe Nang đang làm thủ tục đánh giá tác động môi trường.... Các dự án NGO: Công tác vận động viện trợ tiếp tục được triển khai tích cực, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: cung cấp nước sạch, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, khắc phục hậu quả bão lụt, xóa đói giảm nghèo.
Xúc tiến đầu tư: Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm của năm 2007, trong năm 2008 tập trung các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện chủ đề cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư(ĐT), kinh doang (KD) và phát triển nguồn nhân lực theo hướng đẩy mạnh việc quảng bá tiềm năng, cơ hội và chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình sân bay, cảng biển; thực hiện CCHC, tập trung trước hết là thủ tục HC trong thu hút đầu tư... Nhờ đó, công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) thu được kết quả tích cực (Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án với tổng số vốn: 7.012 tỷ đồng). Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, khảo sát và đăng ký nhiều dự án trên địa bàn tỉnh. Một số dự án quy mô lớn đã được khởi công xây dựng (Dự án Nhà máy xi măng Áng Sơn II, Nhà máy luyện gang và sản xuất phôi thép, Khu du lịch sinh thái Sao Mai, Đá Nhảy...).
Tuy vậy, một số dự án ODA thực hiện chậm tiến độ do đang gặp một số khó khăn về vốn, nhà tài trợ giải ngân thiếu kịp thời, chậm bồi thường GPMB, phải điều chỉnh lại dự toán do giá cả biến động tăng. Công tác XTĐT của tỉnh vẫn còn có một số khó khăn chậm được khắc phục, nhất là về thủ tục HC để nhà đầu tư đăng ký xin nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án. Một số dự án chưa có QH hoặc phải điều chỉnh QH, nên cũng làm chậm tiến độ đầu tư.
10. Giáo dục - Đào tạo:
Giáo dục: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 8/82006 của Thủ tướng Chính phủ về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và cuộc vận động “hai không” do Bộ GD&ĐT phát động, nhờ đó kỷ cương, nề nếp và chất lượng dạy và học tiếp tục được chấn chỉnh và tăng cường; việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học được tiến hành với nhiều giải pháp tích cực; các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường được hạn chế; công tác hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông được chú trọng; việc kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nghiêm túc, khách quan; công tác phổ cập GD tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả đậu tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 61,7% khá hơn năm trước; bổ túc THPT đạt tỷ lệ 29,08%. Tổ chức tốt việc bồi dưỡng và thi HS giỏi các cấp. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 cử 54 em dự thi, đạt 30 giải...
Đào tạo Đại học, Trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề tiếp tục có bước phát triển và chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2008 của tỉnh là cải thiện mạnh mẽ môi trường ĐT, KD và phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, toàn tỉnh có mạng lưới đào tạo ngày càng phát triển, với 1 trường Đại học đa ngành; 3 trường trung cấp chuyên nghiệp; 5 trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề cấp huyện; ngoài ra còn có các trung tâm tin học, ngoại ngữ... đã và đang đầu tư nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và các địa phương lân cận, phục vụ phát triển KT-XH, các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ qua đào tạo cả tỉnh đạt 30%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 15,6%. Đã giải quyết xong việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên không đúng quy định từ năm 1991 đến 2005: 963 trường hợp; Trong đó Hội đồng xét tuyển tỉnh xét và UBND tỉnh đã có quyết định công nhận trúng tuyển 900 trường hợp.
Tuy vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học và trình độ đào tạo nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu; Tiến độ phổ cập THCS ở một số nơi còn chậm, có hiện tượng sụt chuẩn ở một số xã đặc biệt khó khăn (xã Dân Hoá, Trọng Hoá); tỷ lệ tốt nghiệp THPT còn thấp so bình quân chung cả nước; cá biệt còn có giáo viên vi phạm quy chế trong chấm thi tốt nghiệp THPT nhưng đã được xử lý nghiêm túc theo quy định; số HS bỏ học ở các cấp học vẫn còn cao, (tính đến 31/5/2008 toàn tỉnh có 2.594 HS bỏ học, chiếm 1,35% tổng số HS). Hoạt động xã hội hoá giáo dục tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng hiệu quả thấp do công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chưa có cơ chế đủ mạnh để huy động tối đa nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển GD-ĐT.
11. Khoa học và công nghệ (KH&CN) :
Hoạt động KH&CN đã tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các đề tài, dự án năm 2007 và triển khai các đề tài, dự án năm 2008 phục vụ mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh. Một số đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn đã được ứng dụng phục vụ trong NN & PTNT... Công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động SXKD. Triển khai hướng dẫn các DN xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000.
Tuy vậy, nhìn chung tiến độ thực hiện các đề tài còn chậm, chất lượng chưa cao; chưa có cơ chế hợp lý để khuyến khích các DN chủ động huy động vốn cùng với chính sách Nhà nước hỗ trợ để đầu tư đổi mới công nghệ; việc phối hợp trong công tác QLNN về hoạt động KH&CN chưa thật sự hiệu quả, nhất là khi triển khai về các địa phương cơ sở, chưa tập trung hướng vào các hoạt động phục vụ SXKD, nhằm nâng cao giá trị SX hàng hoá; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý sản phẩm có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng... chưa được quan tâm đúng mức.
12. Y tế, dân số:
Tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh triển khai đạt và vượt KH đề ra trên tất cả các mặt; các chương trình y tế, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống bệnh xã hội, phòng chống HIV/AIDS; công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm, chỉ đạo ngay từ đầu. Đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhất là tuyến cơ sở. Đã thực hiện có kết quả các hoạt động bảo vệ bà mẹ theo KH, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá, đầu tư thiết bị máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Thái độ phục vụ người bệnh ngày càng được nâng cao. Công tác phòng, chống dịch được chú trọng, một số dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn như: tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết... đều được phát hiện sớm và kịp thời khoanh vùng dập dịch. Đã chú trọng hơn việc kiểm tra, thanh tra vệ sinh ATTP, hành nghề y dược bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, bình ổn giá thuốc chữa bệnh. Đi đôi với sắp xếp sớm ổn định bộ máy của hệ thống tổ chức dân số các cấp theo quy định mới, đã tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu, nhằm hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh.
Tuy vậy, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị các trạm y tế tuyến xã, trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện còn thiếu thốn; trình độ của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế chậm được nâng cao; thái độ phục vụ người bệnh của một bộ phận CBNV y tế có mặt vẫn còn yếu kém; tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao (20,37%); tổ chức bộ máy trong hệ thống ngành có nhiều thay đổi, chưa thật sự ổn định nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác...
13. Thông tin và truyền thông, Văn hoá, thể thao:
Đã tập trung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ KH Nhà nước năm 2008 ngay từ những tháng đầu năm; tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc..., tạo khí thế sôi nổi trong SX và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, đã triển khai tốt các bước chuẩn bị cho Lễ hội kỷ niệm 5 năm ngày Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản TNTG. Phối hợp với cấp uỷ, các đoàn thể quần chúng, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng đạo đức, phẩm chất cho cán bộ đảng viên CCVC và nhân dân. Phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có bước phát triển theo hướng đi sâu vào chất lượng. Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh với nhiều hình thức ngày càng phong phú, đa dạng. Tiếp tục duy trì và phát triển thành phong trào cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng của quần chúng nhân dân. Thể thao thành tích cao đạt kết quả khá (6 tháng đầu năm đã giành được 84 huy chương các loại). Tiếp tục tăng cường công tác QLNN về hoạt động và dịch vụ văn hoá, tập trung ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong dịch vụ quảng cáo, băng đĩa hình, Internet và quản lý di tích.
Đã tăng cường triển khai theo kế hoạch công tác QLNN về báo chí, bưu chính, viễn thông và Internet, công nghệ thông tin. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan truyền thông được nâng cao, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
Tuy vậy, việc quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, như băng hình, Internet còn hạn chế. Phong trào xã hội hoá lĩnh vực văn hoá thông tin, TDTT triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác QLNN về hoạt động báo chí, chưa đi vào nề nếp, đúng quy định; nhất là việc kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh việc một số nội dung tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa phản ánh chính xác đúng thực chất sự việc, chưa góp phần định hướng dư luận bảo vệ lợi ích chung của địa phương.
14. Lao động, Thương binh - Xã hội và chăm sóc trẻ em.
Mặc dù bị thiệt hại nặng trong SX và đời sống do thiên tai bão lụt năm 2007 và rét đậm, rét hại kéo dài từ đầu năm, nhưng do chính sách nhà nước quan tâm hỗ trợ, các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và nhân dân chủ động khắc phục, đẩy mạnh SXKD, giúp đỡ lẫn nhau nên thu nhập và đời sống tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo trợ xã hội được quan tâm thường xuyên đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai gặp khó khăn... Nhờ vậy, đã không để hộ dân nào bị đói đứt bữa, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tý và kỳ giáp hạt. Đã thực hiện cấp 149.569 thẻ BHYT cho người nghèo, 45.708 thẻ cho nhân dân thuộc diện 135. Tiếp tục thực hiện có kết quả các hoạt động chăm sóc trẻ em theo KH; chú trọng đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Đã cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và triển khai một bước giải pháp, chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội được tăng cường và thu được nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, tổ chức đón nhận và làm lễ an táng 61 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Lào. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm mộ cho thân nhân liệt sĩ...
Tuy vậy, công tác LĐ-TB&XH và chăm sóc trẻ em còn một số hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao so bình quân chung cả nước, số vùng có nguy cơ tái nghèo còn nhiều, lao động chưa có việc làm, chưa qua đào tạo nghề còn lớn. Chương trình XĐGN, GQVL triển khai chưa đồng bộ, tích cực và thiếu cụ thể ở một số địa phương cơ sở.
15. Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo:
Cơ sở hạ tầng của vùng dân tộc tiếp tục được quan tâm đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả; Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn như cho vay vốn lãi suất 0%, hỗ trợ dầu hỏa cho các hộ ở những nơi chưa có điện, nâng học bổng cho học sinh nội trú... nhờ vậy SX và đời sống của đồng bào dân tộc không ngừng được cải thiện và có mặt chuyển biến hơn so với trước; tiếp tục giảm dần tình trạng thiếu đói khó khăn lúc giáp hạt. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Tuy vậy, tỷ lệ giảm hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo vùng đồng bào dân tộc còn cao, do người dân thiếu ý chí tự lực, tự cường vượt khó đi lên, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; trình độ sản xuất còn lạc hậu. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã, thôn bản trình độ năng lực còn rất thấp, nhưng công tác đào tạo lại gặp khó khăn. Hoạt động tôn giáo có những diễn biến cần lưu ý, một bộ phận chức sắc lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của nhà nước để tổ chức hành đạo trái pháp luật; một số xứ họ đạo xâm lấn đất mở rộng khuôn viên nhà thờ, dựng tượng trái phép...; Nhưng QLNN về tôn giáo chưa thực sự chủ động, thiếu sự phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở để nắm chắc tình hình và tham mưu giải quyết vụ việc kịp thời, đúng quy định.
16. Quốc phòng, an ninh:
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP cho cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện ở Quân khu và tổ chức giáo dục QP tại tỉnh, các huyện, thành phố và trong các trường học. Tăng cường các hoạt động xây dựng cơ sở ở các địa bàn biên giới. Tổ chức giao quân đợt 1 đạt 100% kế hoạch. Tổ chức Diễn tập khu vực phòng thủ huyện Minh Hóa và diễn tập PCLB & TKCN cứu hộ tại huyện Tuyên Hoá theo KH chỉ đạo của Bộ Quốc phòng (QP), Quân khu 4 đạt kết quả tốt. Lực lượng công an đã thường xuyên nắm bắt tình hình, tổ chức nhiều đợt trấn áp tội phạm có hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động phòng, chống ma tuý trên các địa bàn trọng điểm; triển khai và thực hiện tốt các KH đảm bảo an toàn cho các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn với những nỗ lực cao nhất, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đồng bộ và tích cực thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2008 giảm SCK năm trước cả về số vụ, số người chết, bị thương.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm chủ quyền biên giới, xuất cảnh trái phép vẫn còn xảy ra; tình hình tội phạm trật tự xã hội vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đáng chú ý là số đối tượng học sinh THPT sử dụng trái phép chất ma túy. Tai nạn giao thông những tháng đầu năm giảm mạnh nhưng về sau lại có chiều hướng gia tăng; tình hình khiếu kiện đông người, tranh chấp địa giới hành chính, đất đai, phản ứng triển khai các dự án lớn... còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Nổi lên là các vụ: vụ lợi dụng khiếu nại địa giới hành chính chưa được giải quyết dứt điểm ở thôn Trung Thành, xã Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ; Vụ gây rối trật tự trị an ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc và thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch để phản đối Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng và cảng biển nhân tạo trên địa bàn của C.ty CP bất động sản Bình Thiên An, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra các vụ việc trên là do một số người vì lợi ích cục bộ, mâu thuẫn cá nhân tỏ thái độ quá khích, coi thường kỷ cương pháp luật, lôi kéo, kích động quần chúng, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản của nhà nước, doanh nghiệp... mặt khác các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở còn chủ quan, không nắm chắc được tình hình; Chưa đề cao trách nhiệm và thiếu sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trong tuyên truyền vận động cho người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, định hướng của tỉnh về phát triển KT-XH, về lợi ích của người dân nơi có dự án đầu tư, từ đó tạo niềm tin, sự đồng thuận cao cho triển khai dự án; Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với những người gây rối, vi phạm pháp luật để răn đe, giáo dục chung.
17. Tư pháp, Thanh tra, phòng chống tham nhũng:
Công tác phổ biến GDPL tiếp tục được chú trọng, đã triển khai nhiều đề án với các nội dung trọng tâm như: “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn“, Đề án về phòng chống tội phạm, tội phạm ma tuý, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; tổng kết 10 năm pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; tiếp tục xây dựng, quản lý khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở... Chất lượng công tác thẩm định, góp ý, tham gia các dự thảo và rà soát hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật không ngừng nâng cao; thực hiện đúng các quy định về công tác quản lý nhà nước cho đăng ký kết hôn và nuôi con có yếu tố nước ngoài; hoạt động công chứng, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh. Công tác thi hành án dân sự có chuyển biến tiến bộ.
Công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC của công dân: Tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tích cực; Nội dung đơn KN, TC tập trung vào các lĩnh vực tranh chấp địa giới hành chính, đất đai, bồi thường GPMB, chính sách xã hội, quản lý kinh tế tài chính, khiếu nại quyết định hành chính... Nhìn chung các cấp, các ngành đã quan tâm giải quyết kết luận đúng trình tự, thủ tục, công khai, dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; đã xử lý kiên quyết đối với các đối tượng bị tố cáo và qua thanh tra kết luận có hành vi vi phạm pháp luật; nên đã hạn chế được những thiếu sót phát sinh và giảm tình trạng tái khiếu, tái tố.
Đã tăng cường thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thanh tra KT-XH, nhất là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành trong QLNN về đất đai, đầu tư và xây dựng, thu chi NS, quản lý tài sản công, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tham nhũng và thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát; thanh tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCC; đã tổ chức thanh tra 54 cuộc, phát hiện các sai phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi số tiền, tài sản sai phạm (1,78 tỷ đồng và 8,1 ha đất, đã thu hồi được 1,21 tỷ đồng).
Công tác phòng, chống tham nhũng: Đã kiện toàn nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo PCTN tỉnh; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai chương trình hành động PCTN của tỉnh; Triển khai thực hiện việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của Chính phủ; chú trọng tập trung kiểm tra, thanh tra và điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc tiêu cực nổi cộm được nhân dân quan tâm.
Tuy vậy, một số vụ việc giải quyết chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận của các cấp có thẩm quyền, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết KN, TC chưa cao nên còn có vụ việc kéo dài. Công tác triển khai chương trình hành động PCTN ở các đơn vị cơ sở chưa mạnh, giải pháp chưa thiết thực.
18. Công tác xây dựng chính quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC):
Tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền: Công tác xây dựng chính quyền được triển khai thực hiện theo KH. Tăng cường củng cố các tổ chức, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở. Triển khai thực hiện và hoàn thành tốt việc sáp nhập, chia tách, sắp xếp lại bộ máy tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP, Nghị định 14/2008/NĐ-CP sớm ổn định đi vào hoạt động bước đầu khá đồng bộ. Đã thực hiện thành lập mới, kiện toàn, thay đổi, bổ sung 26 Ban chỉ đạo, Hội đồng tư vấn liên ngành. Tiến hành giao chỉ tiêu biên chế năm 2008 cho các cấp, các ngành. Thực hiện công tác bổ nhiệm, điều động, điều chuyển cán bộ... theo đúng thẩm quyền đúng quy định. Hoàn thành bộ hồ sơ và bản đồ địa giới hành chính tỉnh Quảng Bình để đưa vào lưu trữ, quản lý khai thác sử dụng.
Cải cách hành chính: Đã triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC và KH kiểm tra công tác CCHC năm 2008 ở các ngành và địa phương cơ sở. Hoạt động của Trung tâm giao dịch "một cửa" ở các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục được cải tiến, phục vụ tiến bộ hơn cho công dân và tổ chức. Đề án "một cửa" liên thông trong đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc dấu hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc đăng ký KD theo đúng quy định của Chính phủ; Đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của CBCCVC trên địa bàn tỉnh.
Công tác thi đua khen thưởng: Đã có bước chuyển biến tích cực, phong trào thi đua được triển khai và cụ thể hoá ở các ngành, địa phương gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đã tập trung đổi mới hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện. Đã triển khai các đợt thi đua lập thành tích kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng và đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua Ái Quốc (11/6/1948 - 11/6/2008). Kết quả nhiều tổ chức, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ khen tặng các danh hiệu thi đua.
Tuy chất lượng đội ngũ CBCCVC được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới, nhất là đội ngũ công chức cấp xã; một số CBCCVC trách nhiệm và thái độ trong thực thi nhiệm vụ chưa thật sự là công bộc của dân; việc triển khai thực hiện KH CCHC năm 2008 và thực hiện cơ chế một cửa liên thông của một số ngành, địa phương còn chậm; thủ tục HC vẫn còn rườm rà, cơ chế "một cửa" hiệu quả chưa cao; chất lượng phong trào thi đua có lúc, có nơi còn nặng hình thức, thiếu cụ thể và việc triển khai, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa mạnh.
19. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh:
UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành theo đúng Quy chế, bám sát chương trình công tác và các Nghị quyết của Chính phủ, NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các NQ của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh. Đã xây dựng và quản lý chỉ đạo, điều hành theo chương trình công tác trọng tâm của UBND tỉnh; đồng thời có chương trình KH công tác cụ thể hàng tháng, hàng tuần, xác định rõ các lĩnh vực, các công tác trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, điều hành. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành TW để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp đi đôi với nâng cao trách nhiệm, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; chú trọng kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong SXKD ở cơ sở. Đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện chủ đề năm 2008 về "tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường ĐTKD và phát triển nguồn nhân lực"; Tích cực làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút đầu tư và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, DN đến tìm hiểu, đã và đang xúc tiến nhiều dự án đầu tư trên địa bàn. Đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về mục tiêu và các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh SX, xuất khẩu, tăng cường quản lý thị trường giá cả, chống đầu cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tư nhân có những mặt hàng, sản phẩm tùy tiện nâng giá; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, thực hiện kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội...
Tuy vậy, trong công tác chỉ đạo điều hành vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại: Năng lực điều hành, trách nhiệm tập thể và cá nhân của lãnh đạo một số sở, ban ngành, địa phương còn hạn chế. Chỉ đạo điều hành có lúc còn chưa kiên quyết, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao; QLNN của các cấp chính quyền còn lỏng lẽo, nắm và xử lý những vấn đề bức xúc ở cơ sở không chắc, bị động, lúng túng và phối hợp thiếu chặt chẽ, kịp thời. Tư duy đổi mới, tầm nhận thức và phong cách làm việc của không ít CBCC chưa đáp ứng yêu cầu ở thời kỳ phát triển mới; tư tưởng ỷ lại, trông chờ cấp trên, né tránh sợ khuyết điểm của một bộ phận CBCC nhà nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện các mục tiêu, chương trình KT, XH trọng điểm của tỉnh. Một số nội dung chương trình công tác trọng tâm, thông báo kết luận và văn bản chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh triển khai chậm, thiếu nghiêm túc nhưng chưa xử lý kịp thời./.
Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình