Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nhận xét, kinh tế toàn cầu đang nổi lên sau giai đoạn xuống dốc tồi tệ và các quốc gia nên chuẩn bị cho "chiến lược lối thoát" thời hậu khủng hoảng tài chính.
Ông Strauss-Kahn nói: giai đoạn suy giảm kinh tế trầm trọng nhất dường như đã trôi qua, khi một số nước phát triển, trong đó có Pháp và Đức, đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng, trong khi các nền kinh tế đang nổi thậm chí còn cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, ông Strauss-Kahn cũng cảnh báo về những vấn đề trong khu vực tài chính có thể kéo dài dai dẳng, thậm chí chuyển biến tiêu cực hơn, nếu nỗ lực khôi phục hệ thống ngân hàng không được tiến hành một cách triệt để.
Ngoài ra còn tồn tại mối "nguy hiểm", khi các quốc gia vội vã kết thúc các biện pháp khắc phục khủng hoảng và quản lý tài khóa. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu các chiến lược lối thoát.
Theo ông Strauss-Kahn, quá trình kinh tế thế giới phục hồi sẽ diễn ra khá chậm chạp. Việc tỷ lệ thất nghiệp có thể tiếp tục tăng cao trong năm 2010 là một nguy cơ thực sự, khi gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề, hạn chế chi tiêu tiêu dùng và thụt lùi tiềm năng tăng trưởng; đồng thời những hậu quả về mặt an sinh xã hội thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Do đó, các quốc gia cần thận trọng và không nên "thỏa mãn" khi thị trường tài chính có dấu hiệu cải thiện.
Người đứng đầu IMF cũng bày tỏ sự quan tâm về hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay và vai trò của đồng USD trong dự trữ toàn cầu.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng vị thế của đồng USD đã bị "xói mòn" trong cuộc khủng hoảng kinh tế, song ông Strauss-Kahn khẳng định, USD vẫn là một tài sản đầu tư an toàn./.