I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2008
Năm 2008, kinh tế cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào biến động bất ổn, những tháng cuối năm giá các loại nông sản chủ yếu của tỉnh giảm mạnh, tình hình thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp… nhưng với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp và sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp trong việc triển khai đồng bộ, áp dụng có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, đồng thời thường xuyên đi cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển khá, thu hút đầu tư đã có bước khởi sắc, lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được duy trì và phát triển. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 14% (kế hoạch tăng 14,5 - 15%); giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 7%, công nghiệp - xây dựng tăng 22,4% và dịch vụ tăng 17,41%;thu ngân sách tăng 18,1% (bằng104,2% Nghị quyết HĐND tỉnh điều chỉnh); kim ngạch xuất khẩu tăng 13,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 51,32%, công nghiệp - xây dựng 22,40%, dịch vụ 26,28% (tương ứng với năm 2007 là 53,02% - 21,34% - 25,64%). Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) 14,58 triệu đồng (tương đương 860USD, theo tỷ giá đầu tháng 11/2008), tăng 21,8%.
Tình hình và kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
1. Về kinh tế:
Nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông nghiệp 3.826,7 tỷ đồng (Giá CĐ 1994) tăng 7% so cùng kỳ (kế hoạch tăng 8-9%). Tổng diện tích cây hàng năm 56.265 ha, tăng 0,4%. Tổng sản lượng lương thực có hạt 61.790 tấn, tăng 0,6%.
Tổng diện tích cây lâu năm là 321.272 ha, bằng 100% so năm 2007. Trong đó, cao su 124.151ha, tăng 5,1%, sản lượng tăng 9,7%, cây điều 165.136ha, giảm 3,5%, sản lượng giảm 0,6%. Những tháng cuối năm, tuy tình hình giá cả các loại nông sản giảm mạnh và chưa có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới nhưng rút kinh nghiệm từ những lần trước đây và hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nông dân vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cây lâu năm.
Chăn nuôi:Toàn tỉnh có 19.052 con trâu, tăng 2,2%; 74.212 con bò, bằng 100%; 160.100 con heo, tăng 4,45%; 1 triệu 453 ngàn con gia cầm, tăng 7% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn trâu, bò tăng chậm so với cùng kỳ là do đồng cỏ ngày càng thu hẹp để phát triển các cây lâu năm, sử dụng thuốc diệt cỏ thay cho cách làm cỏ truyền thống nên nguồn thức ăn cho trâu, bò trở nên khan hiếm.
Lâm nghiệp: Toàntỉnh trồng được 1.275,1ha, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất 965,1ha, còn lại là rừng phòng hộ, đặc dụng 310 ha, riêng cây trồng phân tán giảm mạnh do phát triển trồng cây cao su và điều cao sản.
Về tình hình thiệt hại rừng, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy rừng với diện tích là 85,8 ha; 1.112 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chủ yếu là chặt phá lấn chiếm đất rừng làm rẫy, làm thiệt hại 1.121,7 ha. Trong đó huyện Bù Đăng 832 vụ, thiệt hại 822,2 ha, huyện Phước Long 146 vụ, thiệt hại 127,2 ha.
Thực hiện các công việc theo Quy hoạch 3 loại rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo và UBND các huyện, thị xã đang lập quy hoạch sử dụng quỹ đất điều chuyển ra khỏi lâm nghiệp, trên cơ sở đó sẽ bố trí các khu vực kêu gọi đầu tư phát triển, ổn định dân cư và xét, cấp GCNQSD đất cho nhân dân.
Công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, ước thực hiện 3.096,8 tỷ đồng (Giá CĐ 1994), đạt 100,2% kế hoạch, tăng 24,7% so năm trước. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ chiếm 1,2%, giảm 14,7%, công nghiệp chế biến 71,9%, tăng 29,9%; công nghiệp sản xuất phân phối điện nước 26,9%, tăng 14,7%.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh có tốc độ phát triển khá cao so với cùng kỳ và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do thu hút được nhiều doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp, bổ sung giá trị sản xuất của Thủy điện Thác Mơ, các doanh nghiệp chế biến hạt điều mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn giữ được nhịp độ sản xuất khá ổn định. Ngoài ra, UBND tỉnh và các ngành, địa phương liên quan đã liên tục tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
Đầu tư, phát triển điện: Phát triển được 51,9 km đường dây điện trung thế và 106,17 km đường dây hạ thế, tăng thêm dung lượng trạm biến áp 25.675,5 KVA và 10.945 hộ sử dụng điện, nâng số hộ sử dụng điện toàn tỉnh lên 160.347 hộ, đạt 83,2% số hộ toàn tỉnh.
Thu hút đầu tư: Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các dự án đầu tư về giao thông, cấp thoát nước, các dự án theo quy hoạch đô thị nên tình hình thu hút đầu tư tiếp tục tăng khá, 10 tháng có 400 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn 4.432 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 45% về số doanh nghiệp và tăng hơn 2,5 lần về số vốn đăng ký; ước cả năm thu hút được 470 doanh nghiệp với vốn đăng ký là 4.760 tỷ đồng, tăng 33% về số doanh nghiệp và tăng hơn 2 lần về số vốn đăng ký so với năm 2007. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)10 tháng là 139,247 triệu USD với 12 dự án; ước cả năm có 16 dự án với tổng vốn đăng ký là 149,247 triệu USD, giảm 61% về số dự án và tăng 21,6% về vốn đăng ký so với năm trước. Các dự án FDI được cấp mới trong năm 2008 tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất và xây dựng. 10 tháng, cơ quan chức năng tỉnh đã thu hồi 8 giấy phép đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 34,7 triệu USD do không thực hiện đúng cam kết.
Quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường: 10 tháng, ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiến độ kế hoạch. Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2006 - 2010 các huyện Chơn Thành, Bù Đốp và thị xã Đồng Xoài; lập đề cương quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích tách rakhỏi lâm phần; kiểm tra quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) trên địa bàn tỉnh.
Cấp GCNQSD đất cho 54 tổ chức với diện tích 746,11ha và 3.687 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 3.249,25ha.
Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường 33 dự án; triển khai 5 chương trình, dự án môi trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường định kỳ của các nhà máy trên địa bàn.
Quy hoạch, xây dựng: Thực hiện nhiệm vụ quản lý xây dựng theo quy hoạch và cấp phép xây dựng, đã thường xuyên kiểm tra, xử phạt các trường hợp xây dựng trái phép theo quy định. Làm việc, thỏa thuận với Bộ Xây dựng về nâng loại các đô thị Phước Long, An Lộc từ đô thị loại V lên loại IV (đô thị Phước Long đã được công nhận, dự kiến đô thị An Lộc sẽ được công nhận trong năm 2008).
Lập, phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp, dân cư Becamex - Bình Phước, Khu công nghiệp Bình Phước - Đài Loan, Khu công nghiệp Đồng Xoài III, quy hoạch chi tiết Khu dân cư và nhà ở công nhân huyện Chơn Thành, các Khu dân cư 16,5ha và 17 ha thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, Trung tâm Thương mại Chơn Thành; đồ án quy hoạch chung đô thị Phước Long; lập đề cương, nhiệm vụ quy hoạch cấp nước đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước ước thực hiện 739,1 tỷ đồng, đạt 82,3% kế hoạch năm. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung 642,3 tỷ đồng, đạt 86,9% kế hoạch. 10 tháng, giải ngân vốn XDCB 471,364 tỷ đồng, đạt 60,45% kế hoạch. Trong đó, cấp tỉnh 285,25 tỷ đồng (kể cả trả nợ vay 67,75 tỷ đồng), đạt 53,87% kế hoạch; cấp huyện 186,114 tỷ đồng, đạt 74,16% kế hoạch. Chương trình mục tiêu giải ngân 30,365 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch năm.
Nguyên nhân vốn đầu tư phát triển đạt thấp chủ yếu do giá vật liệu xây dựng liên tục tăng (thép xây dựng, xi măng...), cơ chế chính sách thay đổi, các nhà thầu thi công cầm chừng hoặc ngừng thi công chờ điều chỉnh giá. Sau khi có Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng và hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc điều chỉnh giá hợp đồng vẫn chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện; vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa thực hiện tốt, năng lực điều hành còn yếu, không nắm bắt được đầy đủ trình tự thủ tục nên thực hiện các thủ tục đầu tư không kịp thời, không có đột phá trong công tác quản lý dự án nhất là trong thực hiện các chương trình mục tiêu; một số dự án chậm do ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng; việc đầu tư dàn trải, phân tán gây khó khăn trong công tác quản lý.
Giao thông - Vận tải: Vận tải tiếp tục ổn định và tăng so với cùng kỳ, vận tải hàng hoá tăng 4,3% về vận chuyển và tăng 7,2% về luân chuyển; vận tải hành khách tăng 6,1% về vận chuyển và tăng 6,4% về luân chuyển. Phát triển thêm hệ thống xe buýt tuyến Đồng Xoài - Thủ Dầu Một, xe chất lượng cao, xe taxi, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân, doanh nghiệp. Hệ thống đường sá, cầu cống, bến bãi ngày càng được quan tâm đầu tư, chất lượng phục vụ hành khách không ngừng được đổi mới.
Thông tin - Truyền thông:Toàn tỉnh có 224 điểm bưu điện, rút ngắn khoảng cách phục vụ bình quân xuống còn 3,12km/điểm; tổng số điện thoại thuê bao 501.891 máy, tăng 40,6% so cùng kỳ, bình quân 57,9 máy/100 dân.
Về Internet: Ước đến cuối tháng 12/2008, toàn tỉnh có 7.227 thuê bao Internet, trong đó thuê bao băng rộng ADSL chiếm 92,5%.
Nguyên nhân số thuê bao điện thoại tăng nhanh là do trước đây chỉ có một đơn vị là VNPT cung cấp điện thoại cố định thì nay với việc đầu tư phát triển mạng điện thoại cố định không dây của Viettel, EVN-Telecom, G-Phone đã đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, các mạng điện thoại di động với ưu điểm về đầu tư, chiến lược quảng cáo và chăm sóc khách hàng nên đã góp phần tăng lượng thuê bao.
Thương mại, dịch vụ:
Nội thương: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước thực hiện được 7.537,3 tỷ đồng, đạt 111,7% kế hoạch năm và tăng 32,4% so với năm 2007. Trong đó, Thương nghiệp chiếm 82,3%, Khách sạn nhà hàng 12,6% và Dịch vụ là 5,1%.
Thị trường hàng hóa ngày càng phong phú, hệ thống bán lẻ không ngừng mở rộng trên khắp địa bàn, nhu cầu tiêu dùng và sức mua ngày càng tăng lên, giá các mặt hàng xăng, dầu, sắt thép, vàng bạc liên tục tăng đã kéo theo giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo, từ đó làm cho tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2008 đạt kế hoạch và tăng cao so với năm trước. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng lương thực, nông sản, vật liệu xây dựng…có xu hướng giá giảm trong những tháng cuối năm nên ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ cả năm 2008.
Ngoại thương: Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 374 triệu 30 ngàn USD, đạt 101,6% kế hoạch và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu ngày càng ổn định và phát triển, đồng thời được bổ sung thêm một số mặt hàng mới do các công ty thuộc khu vực có vốn đầu nước ngoài thực hiện.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hạt điều nhân 12.937 tấn, đạt 114,5% kế hoạch năm và giảm 1,4% so với cùng kỳ; hạt tiêu 1.406 tấn, đạt 11,7% kế hoạch năm và tăng 90% so cùng kỳ; cao su thành phẩm 90.176 tấn, đạt 56,4% kế hoạch năm và giảm 7,6% so với cùng kỳ; hàng điện tử 30 triệu 172 ngàn USD tăng 81,6% so cùng kỳ.
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 91 triệu 647 ngàn USD, đạt 143,2% kế hoạch năm và tăng 48,7% so với cùng kỳ.
Mặt hàng nhập khẩu năm chủ yếu gồm phụ liệu hàng may mặc 3 triệu 861 ngàn USD, tăng 1,34 lần; hàng điện tử 39 triệu 676 ngàn USD, tăng 1,17 lần so với cùng kỳ; máy móc thiết bị phụ tùng 1 triệu 504 ngàn USD, giảm 70,6%.
Tình hình xuất, nhập khẩu năm 2008 đạt kế hoạch đề ra và tăng cao so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động và giá các loại nông sản xuất khẩu trong những tháng đầu năm tăng cao nên đã góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, quý IV/2008, giá một số mặt hàng nông sản bị giảm mạnh (nhất là mủ cao su) do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nên đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu.
Giá cả thị trường: Năm 2008, giá cả biến động mạnh và diễn biến phức tạp, giá của một số mặt hàng nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao. Một số cơn sốt về giá đã xảy ra (lương thực, sắt thép, xi măng…) gây bất lợi cho sản xuất và tiêu dùng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2008 tăng 23,95% so với tháng 12/2007 nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, tình hình giá cả trong những tháng gần đây đã có chuyển biến tích cực, giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có chiều hướng giảm.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường:Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát theo Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, Pháp lệnh Đo lường chất lượng, Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Nghị định về nhãn mác hàng hoá, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp… Kết quả 10 tháng đã kiểm tra 2.441 trường hợp, xử lý 627 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm về đăng ký kinh doanh 224 trường hợp, vi phạm về giá 256 trường hợp, còn lại là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng quá hạn sử dụng, bán không đúng giá niêm yết, không niêm yết giá.
Tài chính: Mặc dù giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh những tháng cuối năm giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu (chủ yếu thu từ các công ty cao su) nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thuế khai thác tốt nguồn thu, đặc biệt thu từ tiền sử dụng đất; mặt khác các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước địa phương và khu vực công - thương nghiệp ngoài quốc doanh tiếp tục sản xuất, kinh doanh ổn định nên tình hình thu ngân sách năm 2008 nhiều khả năng vẫn đạt và vượt dự toán. Tổng thu ngân sách là 1.552 tỷ đồng, đạt 128% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 109% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua.Trong đó, thu từ khu vực DNNN Trung ương 394 tỷ đồng, bằng 82% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh giao; thu từ doanh nghiệp địa phương 136 tỷ đồng, bằng 129% dự toán; thu từ khu vực công thương nghiệp, ngoài quốc doanh 420 tỷ đồng, đạt 108% dự toán; thu tiền sử dụng đất 163 tỷ đồng, bằng 125% dự toán.
Thu từ DNNN Trung ương đạt thấp chủ yếu do 2 Công ty thủy điện chuyển sang cổ phần hóa, số thu được chuyển ghi vào phần DNNN địa phương; mặt khác lãi từ sản phẩm mủ cao su giảm 2,5 triệu đồng/tấn so với dự toán đầu năm, diện tích cao su khai thác giảm 2.770 ha do thanh lý vườn cây già cỗi để phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Tổng chi ước thực hiện năm 2008 là 2.705 tỷ đồng, đạt 152% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 114% số dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.069 tỷ đồng, đạt 148% dự toán, bằng 219% so với thực hiện năm 2007; chi thường xuyên 1.186 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, bằng 107% so với thực hiện năm 2007. Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, UBND tỉnh đã cắt giảm 10% chi thường xuyên với tổng số tiền là 24,9 tỷ đồng, sử dụng số tiết kiệm được để chi an sinh xã hội (chủ yếu là cứu đói giáp hạt).
Hoạt động Ngân hàng: Đảm bảo cung ứng tốt các dịch vụ ngân hàng, điều hòa tiền mặt và an toàn kho quỹ. Ước đến ngày 31/12/2008, tổng vốn huy động đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 65 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng là 1,69%. Về sử dụng vốn, thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ nên các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ cho vay những khách hàng có uy tín, thực sự có nhu cầu vốn và đặc biệt là có dự án sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Tổng dự nợ cho vay cả năm ước đạt 6.850 tỷ đồng,tăng 766 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 12,59%, nợ xấu khoảng 1,5%.
Hoạt động của Kho bạc Nhà nước: Thực hiện tốt công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu; điều hòa vốn và an toàn kho quỹ.
Hoạt động Hải quan: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ngành đã tổ chức thu thuế xuất, nhập khẩu 15 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch điều chỉnh HĐND tỉnh giao.
2. Văn hoá - Xã hội:
Khoa học và Công nghệ: Tổ chức kiểm tra các đề tài khoa học theo kế hoạch năm 2008 và quản lý các đề tài, dự án từ các năm trước chuyển sang. Qua kiểm tra, nhìn chung các đề tài đang thực hiện đúng tiến độ và đạt yêu cầu đề ra; công tác triển khai thực hiện đề tài mới nhanh hơn so với năm 2007; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tổ chức tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì 08 đề tài; xét duyệt danh mục 02 đề tài, dự án trong kế hoạch năm 2009; nghiệm thu 10 đề tài được hội đồng thẩm định đánh giá cao.
Giáo dục và Đào tạo:Năm học 2007 - 2008 là năm thứ hai ngành Giáo dục thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất không ngừng được nâng cao. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cả hai đợt đạt 81,6% và thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa đạt 54,6%; tỷ lệ đậu tốt nghiệp, cao đẳng là 39,98%,cao hơn năm học trước do chất lượng giảng dạy và học tập chuyển biến tốt hơn.
Năm học 2008 - 2009, toàn tỉnh có 387 trường (trong đó THPT 28 trường, THCS 87 trường, Tiểu học 159 trường, còn lại là mầm non mẫu giáo). Để chuẩn bị cho khai giảng năm học 2008 - 2009 nhằm bổ sung lực lượng giáo viên cho năm học mới do thiếu hoặc chuyển công tác, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xét tuyển 525 giáo viên hệ mầm non, 159 giáo viên bậc tiểu học, 149 giáo việc bậc trung học cơ sở và 190 giáo viên bậc trung học phổ thông. Nâng tổng số giáo viên cho năm học mới lên 10.590 giáo viên.
Theo số liệu sơ bộ, có 207.143 học sinh các cấp tham gia đến trường, trong đó tiểu học 89.632 học sinh, trung học cơ sở 58.733 học sinh, trung học phổ thông 27.648 học sinh còn lại là mầm non và nhà trẻ.
Về Quy hoạch phát triển ngành, hiện đã cơ bản hoàn thành, đang chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định và phê duyệt theo quy định.
Ytế: Về cơ sở vật chất, toàn ngành hiện có 117 cơ sở y tế với 1.561 giường bệnh, đạt 18,3 giường/vạn dân; 453 bác sỹ, bình quân 5,23 bác sỹ/vạn dân; 64% trạm y tế có bác sỹ , 53 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới bước đầu đạt kết quả, cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh sử dụng trang thiết bị y tế, phẫu thuật nội soi tiêu hóa, mổ mắt kỹ thuật mới Phaco và tiếp tục hỗ trợ thực hiện các chuyên khoa khác như gây mê hồi sức, cận lâm sàng, chấn thương chỉnh hình, cấp cứu tích cực…
Tình hình khám chữa bệnh: Ước khám chữa bệnh cho 1,4 triệu lượt người, đạt 106% kế hoạch, trong đó điều trị nội trú 57.775 lượt bệnh nhân, đạt 83% kế hoạch. Công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt trên 95%.
Tình hình dịch bệnh trong năm chủ yếu là dịch sốt xuất huyết, 10 tháng phát sinh 4.372 ca, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại 03 huyện Phước Long, Chơn Thành và thị xã Đồng Xoài, trong đó có 6 ca tử vong. Nhờ làm tốt công tác phòng, ngừa dập tắt dịch nên đến nay dịch sốt xuất huyết đã được hạn chế.
Ngành Y tế đã thường xuyên phối hợp các ngành liên quan tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chính, do đó 10 tháng trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 86 người, không có tử vong do ngộ độc.
Văn hóa - Thể thao, Phát thanh - Truyền hình: Tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, kết hợp nhiệm vụ chuyên môn với nhiệm vụ chính trị. Thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa và văn hóa phẩm trên địa bàn. Hoạt động thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi, tổ chức giải bóng đá Quốc tế Truyền hình Bình Phước tranh cúp Number one năm 2008 với 08 đội bóng tham dự, trong đó có 05 đội đến từ Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và ngày càng trở nên sâu rộng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, năm 2008 có 811/811 khu dân cư đăng ký thực hiện cuộc vận động.
Về phát thanh - truyền hình, thời lượng và chất lượng các chương trình phát sóng đều tăng, đáp ứng được nhiệm vụ và nhu cầu của nhân dân.
Chính sách xã hội: Song song với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế thấp nhất tác động đến người dân trong tình trạng giá cả tăng cao.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục có nhiều chuyển biến, đã giải quyết việc làm cho 25 ngàn lao động, đạt 100% kế hoạch, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 3,5%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt trên 90%, đào tạo nghề cho 4.000 lao động, đạt 100% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển các khu, cụm công nghiệp thì công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.
Công tác xóa đói giảm nghèo: Thông qua các chương trình, dự án và nỗ lực của đồng bào, 10 tháng đã giảm được 1.126 hộ nghèo, ước đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh sẽ giảm còn 6,32% (chỉ tiêu là 7,73%). Tiến hành mua bảo hiểm y tế cho 78.675 đối tượng người nghèo và 9.807 đối tượng là hộ cận nghèo; xây dựng bàn giao 691 căn nhà tình thương, đạt 69,1% kế hoạch, ước đến cuối năm 2008 sẽ xây thêm 309 căn nhà tình thương.
Do giá các loại vật tư thiết yếu tăng cao, giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh giảm mạnh nên đời sống của người nghèo gặp nhiều khó khăn trong khi việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội (Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg, số 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) tại các huyện, thị xã lại diễn ra rất chậm, chưa kịp thời.
Tình hình dân tộc:
Tình hình lạm phát, giá cả tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào nghèo, đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương có các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào vượt qua khó khăn thông qua các chính sách, biện pháp an sinh xã hội như hỗ trợ cứu đói giáp hạt, hướng dẫn sản xuất trên đất Chương trình 134, hỗ trợ về kỹ thuật, cây con giống để sản xuất ở các xã thuộc Chương trình 135…Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc giảm từ 23,59% năm 2007 xuống còn 17%. Tuy vậy, đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn rất khó khăn.
Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đảm bảo, chỉ xảy ra một số vụ đồng bào bị xúi giục, khiếu kiện đòi lại đất không đúng quy định và đã được chính quyền địa phương giải thích, giúp đỡ ổn định cuộc sống.
Các Chương trình 134, 135 giai đoạn II được tiếp tục triển khai thực hiện. Chương trình 134, đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 2.576 hộ, đạt 100%; đất ở cho 2.530 hộ, đạt 100%; đất sản xuất cho 2.401 hộ, đạt 73%; nước sinh hoạt cho 3.786 hộ, đạt 100% kế hoạch. Chương trình 135 hiện đang triển khai các dự án thành phần, tiến độ thực hiện tương đối chậm, trong đó dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đạt 18,05%, dự án phát triển cơ sở hạ tầng đạt 39,2%.
3. Quốc phòng - an ninh, nội chính:
Công tác tuyên trưyền, phổ biến pháp luật, thi hành án dân sự: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đi vào chiều sâu và có hiệu quả, tập trung vào các văn bản pháp luật mới và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này ngày càng được củng cố và kiện toàn, bên cạnh cán bộ chuyên trách còn xây dựng được lực lượng cộng tác viên đông đảo.
Thi hành án dân sự: Với sự nỗ lực của đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ thi hành án, hiệu quả công tác thi hành án đã dần được nâng cao, tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền cao hơn so cùng kỳ, số lượng án tồn đọng giảm được 20%. Tổng số việc phải thi hành là 10.412 việc. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 7.895 việc, đã thi hành xong 5.315 việc, đạt 67,32%.
Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo: Lãnh đạo tỉnh đã duy trì tiếp công dân định kỳ theo quy định; Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các đương sự để giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài; chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người nên tình hình tương đối ổn định. Các đơn vị đều bố trí cán bộ tiếp dân theo quy định. Nội dung khiếu nại trong 10 tháng chủ yếu vẫn là về giải tỏa bồi thường, thu hồi đất xâm canh. UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung một số chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người.
Các ngành, các cấp trong tỉnh đã tiếp 2.047 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tiếp nhận và xử lý 1.561 đơn, trong đó có 119 đơn tố cáo. Đã giải quyết 561/622 vụ khiếu nại, 25/39 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền. Các đơn không thuộc thẩm quyền đều được hướng dẫn hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Về thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận thanh tra: Qua kiểm tra 8/8 huyện, thị xã và 05 sở, ngành cho thấy các đơn vị thực hiện tương đối tốt việc công bố, trao văn bản cho các đương sự và các bên liên quan và giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước:
Thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện theo đúng quy định của Chính phủ (cấp tỉnh 19 cơ quan, cấp huyện 12 cơ quan). Các cơ quan có sự sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định. Sau khi có hướng dẫn của Bộ, ngành, UBND tỉnh đã ban hành và hướng dẫn ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đảm bảo đúng quy định và tiến độ đề ra.
Cải cách hành chính: Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành quy định trình tự, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai và đăng ký kinh doanh; quy định về thủ tục, trình tự đầu tư và cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề về đầu tư. Về cơ chế một cửa, đến tháng 10/2008 có 17 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 8/8 huyện, thị xã và 98/102 xã, phường, thị trấn duy trì và triển khai thực hiện.
Nhìn chung, công tác cải cách hành chính có bước tiến bộ nhưng hiệu quả vẫn chưa cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thừa hành trong giải quyết công việc của công dân, doanh nghiệp chưa được nâng lên, trong nhiều trường hợp còn mang nặng cơ chế “xin - cho”.
Quốc phòng - an ninh: Lực lượng vũ trang tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Các lực lượng đã phối hợp hoạt động truy quét trên tuyến biên giới, giữ vững ổn định tình hình.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa có nhiều diễn biến phức tạp, các loại tội phạm có xu hướng tăng so với cùng kỳ, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tranh chấp đất đai để kích động gây rối, tụ tập đông người khiếu kiện gây mất an ninh trật tự. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình và có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Không để hình thành các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Từ ngày 01/12/2007 đến ngày 31/10/2008, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 502 vụ, tăng 43 vụ so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, án đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng là 180 vụ (giảm 14 vụ so năm 2007). Đã điều tra làm rõ 423 vụ (đạt 84,26%), trong đó án đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng 171 vụ (đạt 95%).
Duy trì mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh, huyện giáp ranh của Vương quốc Campuchia; thường xuyên tổ chức giao ban, nắm tình hình giữa 2 bên trên tinh thần hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho phân giới cắm mốc, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thăm và chúc Tết cổ truyền lẫn nhau.
Công tác phân giới cắm mốc đã thực hiện đạt 50% số cột mốc, số còn lại do UB phân giới cắm mốc 2 nước chưa thống nhất vị trí nên chưa thực hiện.
Về tai nạn giao thông: Từ ngày 01/12/2007 đến ngày 31/10/2008, xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 178 người, bị thương 124 người, hư hỏng 270 phương tiện. So với cùng kỳ, giảm 08 vụ, giảm 08 người chết và giảm 54 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lưu thông không đúng phần đường, qua đường không quan sát... Đã khởi tố 54 vụ với 54 bị can.
4. Một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục:
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, đó là kinh tế phát triển chưa vững chắc, giá cả một số mặt hàng tăng cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là đối với người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp, người nghèo và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, làm tăng nguy cơ tái nghèo; cơ cấu kinh tế tuy có dịch chuyển nhưng tốc độ còn chậm; công nghiệp chưa phát triển mạnh theo chiều sâu; tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa có nhiều chuyển biến, đặc biệt là các chương trình mục tiêu và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội chưa kịp thời; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp; thu hút đầu tư tuy có khởi sắc nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; việc đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế vàtiến độ thực hiện một số quy hoạch còn rất chậm (như Quy hoạch diện tích đất điều chuyển ra khỏi lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển các ngành Giáo dục, Y tế, Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư…); quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường còn nhiếu thiếu sót, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng chưa được ngăn chặn triệt để; khiếu kiện của nhân dân liên quan đến đất lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn; cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; vai trò quản lý nhà nước của một số ngành, địa phương bộc lộ nhiều yếu kém... Để khắc phục những khó khăn này, trong năm 2009, các ngành, các cấp phải tập trung, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
II. ĐỊNH HƯỚNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NĂM 2009
1. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu:
a. Mục tiêu, nhiệm vụ:
- Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư; kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đảm bảo an sinh xã hội.
- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ và thu hút đầu tư,tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả.
- Tận dụng tốt nội lực, khắc phục các yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản để giải ngân nhanh các nguồn vốn; tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông, cấp điện, cấp nước.
- Sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất đai, nhất là quỹ đất lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của thiên tai.
- Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao năng lực của các tổ chức, cơ quan nhà nước và chính quyền các
- Tăng cường các biện pháp để tiếp tục bảo vệ vững chắc tuyến biên giới, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững mạnh.
b. Các chỉ tiêu chủ yếu:
Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14%;
- Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 7%;
- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 23-27%;
- Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 19-22%;
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD, tăng 20,3% so với năm 2008;
- Kim ngạch nhập khẩu đạt 100 triệu USD, tăng 9,3% so với năm 2008;
- Tổng thu ngân sách đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2008;
- Tổng chi ngân sách là 2.255 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu xã hội:
- Tỷ lệ giảm sinh duy trì mức 0,7%o;
- Tỷ lệ xã đạt phổ cập THCS: 97,1%;
- Giải quyết việc làm: 26.000 lượt người;
- Tỷ lệ hộ nghèo còn: 5%;
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi: 20%;
- Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị: 3,5%;
- Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ: 65%;
- Tỷ lệ lao động được đào tạo: 26%;
- Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch: 80%;
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện: 85%;
2. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực:
Nông nghiệp và kinh tế nông thôn: Giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp. Bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của toàn ngành.
Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đưa ra khỏi lâm phần; đảm bảo quỹ đất để hoàn thành Chương trình 134 và chuẩn bị thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục phát triển diện tích cây công nghiệp dài ngày đi đôi với việc tập trung thâm canh để tăng năng suất và chất lượng. Hoàn thành việc chuyển giao, bố trí lại và ổn định hoạt động của các Ban quản lý rừng. Xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, thú y nhằm phát hiện kịp thời và chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Công nghiệp - xây dựng: Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông sản có lợi thế của tỉnh nhằm từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm này, hạn chế thiệt hại khi giá cả biến động. Tiếp tục xây dựng, củng cố thương hiệu hạt điều của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn chỉnh việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đảm bảo cung cấp điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng quy chế quản lý các cụm công nghiệp trong tỉnh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Phấn đấu năm 2009 giá trị sản xuất của ngành công nghiệp - xây dựng tăng 23 - 27% so với năm 2008.
Phát triển thương mại - dịch vụ- xuất - nhập khẩu: Phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại tại các khu đô thị, xung quanh các khu công nghiệp đang hoạt động. Quản lý tốt giá cả các mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với 10 mặt hàng thiết yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu; nâng cao số lượng sản phẩm xuất khẩu qua chế biến.
Thực hiện liên tục công tác xúc tiến thương mại; thông tin về chính sách, các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và dự báo thị trường.
Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng: Bố trí vốn phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư. Tập trung vốn đầu tư có trọng điểm và các công trình có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2009, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Hạn chế bố trí vốn cho các công trình khởi công mới, kiên quyết không bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc những dự án chưa xác định chắc chắn nguồn vốn (dự án BOT, BTO, BT…). Từ năm 2009, việc quản lý, điều hành các dự án mới phải thực hiện theo đúng Luật Xây dựng, trong đó chú trọng giải pháp thuê tư vấn điều hành dự án nhằm khắc phục các yếu kém trong đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phải nhanh chóng hoàn tất công tác quyết toán và bàn giao cho cơ quan chuyên ngành hoặc UBND huyện, thị xã quản lý để duy tu, sửa chữa.
Tập trung chỉ đạo, hoàn thành thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm: BOT Quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành và Đồng Xoài - Cây Chanh, BTO Quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Hoa Lư, BT Lộc Tấn - Bù Đốp, đường Đồng Phú - Bình Long, đường vào Khu liên hợp 10.000ha huyện Đồng Phú, đường Minh Hưng - Đồng Nơ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài trong năm 2009.
Lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, chương trình ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới theo các Quyết định số 33, 160/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, dự án khác.
Tài chính: Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, tập trung phát triển nguồn thu, xây dựng cơ cấu thu vững chắc. Tiết kiệm triệt để trong chi ngân sách nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy mạnh hoạt động cho vay của các ngân hàng, đảm bảo các dịch vụ ngân hàng đáp ứng tốt yêu cầu vốn đầu tư trong cơ chế thị trường. Ưu tiên tập trung vốn cho vay phục vụ phát triển kinh tế.
Khoa học, công nghệ và môi trường: Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất công nghiệp và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn; giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Giáo dục và Đào tạo: Hoàn thành Quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020; tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đánh giá trung thực, khánh quan chất lượng giáo dục. Phấn đấu100% số xã đạt phổ cập tiểu học, 97,1% xã đạt phổ cập THCS, tăng cường cácgiải pháp để đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nhà trường. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.
Nâng cao năng lực các trường dạy nghề đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực và cung ứng nguồn lao động kỹ thuật cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Y tế: Hoàn thành Quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Tiếp tục triển khai đề án chuẩn quốc gia về y tế xã. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế. Tạo điều kiện để nhân dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng.
Tổ chức thuê tư vấn điều hành dự án để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị các bệnh viện, trạm y tế.
Phấn đấu tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đạt dưới 2,7%o và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đạt dưới 2,5%o; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 20%; nâng số giường bệnh lên 18,5 giường/vạn dân…
Văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao: Tuyên truyền, giáo dục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình, đặc biệt là về nông nghiệp, nông thôn và dân tộc, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh để thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao cả về quy mô và chất lượng, tạo chuyển biến mạnh phong trào thể dục - thể thao quần chúng. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm thể dục - thể thao ở các cấp để phát triển hệ thống đào tạo vận động viên tài năng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao.
Công tác dân số, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo: Củng cố và phát triển các trung tâm dạy nghề, đào tạo việc làm, dịch vụ giới thiệu việc làm, nâng cao số lượng và chất lượng lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển. Dự kiến trong năm 2009 giải quyết việc làm cho 26.000 lượt lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống 3,5%.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai kịp thời các giải pháp an sinh xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo, giải ngân hết vốn chương trình mục tiêu, các nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5%, đồng thời có biện pháp hạn chế tái nghèo.
Về quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội: Kết hợp chặt chẽ giữa củng cố quốc phòng, an ninh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên từng khu vực, địa bàn cụ thể, đặc biệt chú trọng an ninh nông thôn, quản lý và bảo vệ biên giới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, chương trình phòng chống ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục thực hiện phân giới cắm mốc theo đúng kế hoạch đề ra.
UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét. Giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện./.