Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Về kinh tế: Nhìn chung, kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước. Nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực còn rất lớn. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, thiếu chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên không tái tạo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đồng đều và chưa phát huy thế mạnh trong từng ngành, từng vùng, từng sản phẩm. Lĩnh vực dịch vụ chưa có sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu GDP và cơ cấu nội bộ ngành, đạt tốc đô tăng trưởng chưa cao. Các vùng kinh tế trọng điểm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chính sách hỗ trợ các vùng kinh tế còn kém xa tiềm năng.
Về xã hội: Sự phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng gia tăng đáng kể. Đến cuối năm 2008, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất thuộc về vùng Tây Bắc (35,9%), trong khi Đông Nam bộ là vùng có tỉ lệ nghèo thấp nhất (3,7%), chênh lệch nhau hơn 9,7 lần.
Về tài nguyên và môi trường: Các vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, suy giảm đa dạng sinh học, thiếu tổ chức trong khai thác khoáng sản và quản lý chất thải rắn đang gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân.
Định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2015:
Về kinh tế:
Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tái cấu trúc các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hài hoà giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự hoạt động an toàn, hiệu quả của các định chế tài chính; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng cao đồng thời nâng chất lượng tăng trưởng.
Phát triển kinh tế xanh; nghiên cứu thực hiện mô hình tăng trưởng các bon thấp.
Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, kết hợp các công cụ và biện pháp kinh tế, tài chính, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn để hình thành lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cải thiện cơ cấu ngành nghề theo hướng hiện đại, công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp.
Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…
Phát triển hài hoà bền vững các vùng. Thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng và mức sống giữa các vùng.
Về xã hội
Xây dựng và thực hiện chính sách, chương trình xã hội phù hợp với nền tảng kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời mở rộng và có cơ chế thu hút sự tham gia của các đối tác xã hội vào việc thực hiện chính sách.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Thực hiện tốt chính sách xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Gắn giảm nghèo với đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển, coi chính sách giảm nghèo không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định mà còn là động lực của sự phát triển và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.
Phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm với thu nhập ngày càng cao.
Bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả và có chất lượng. Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ chính sách bảo hiểm y tế, chính sách khám chữa bệnh và viện phí phù hợp.
Tạo môi trường thân thiện, an toàn , lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tổ chức hệ thống dịch vụ hỗ bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Bảo đảm bình đẳng giới trên mọi phương diện của đời sống xã hôi, thu dần khoảng cách giới và xoá dần định kiến về giới.
Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật. Khuyến khích tôn giáo phát triển theo hướng đồng hành cùng dân tộc.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực...
Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 diễn ra với 5 diễn đàn: diễn đàn phát triển bền vững về kinh tế; diễn đàn phát triển bền vững về xã hội; diễn đàn phát triển bền vững về tài nguyên môi trường và diễn đàn giáo dục vì sự phát triển bền vững; Diễn đàn doanh nghiệp vì sự PTBV. Hội nghị là cơ hội để đánh giá lại các vấn đề phát triển bền vững dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu để có những hiệu chỉnh cần thiết trong chiến lược và chính sách phát triển nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới. Hội nghị cũng là diễn đàn quốc gia nhằm đạt đến một sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc thực hiện Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam./.
Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2015:
1. Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về phát triển bền vững.
2. Lồng ghép nguyên tắc phát triển bền vững trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành địa phương.
3. Đẩy mạnh công tác giáo dục phát triển bền vững, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, đào tạo và tăng cường năng lực quản lý về phát triển bền vững cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.
4. Huy động nguồn nhân lực để thực hiện Phát triển bền vững và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đó.
5. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện phát triển bền vững.
6. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong triển khai thực hiện Định hướng chiến lược PTBV.
7. Huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện PTBV.
8. Mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển bền vững.
|