Sáng 18/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 350 doanh nghiệp được trao chứng nhận đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2009 đã cam kết cùng tập trung phát triển thị trường nội địa.
350 doanh nghiệp này đạt cả tiêu chí người tiêu dùng bình chọn cũng như đã qua thẩm định của các cơ quan chức năng về minh bạch tài chính, xuất xứ hàng hóa, chất lượng, sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường và bảo đảm các lợi ích hợp pháp của người lao động. Đã có 148 doanh nghiệp rớt khỏi danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2008 và 143 doanh nghiệp mới thế chỗ trong năm 2009.
Chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao là các doanh nghiệp cổ phần (31,1%), công ty trách nhiệm hữu hạn (29,5%), kế đến là doanh nghiệp Nhà nước (13,8%) và công ty liên doanh (9,8%). Số doanh nghiệp khu vực Đông Nam bộ và miền Bắc cũng chiếm đa số trong danh sách này năm nay.
Các số liệu điều tra năm nay cho thấy mức chi tiêu bình quân đầu người tăng mạnh qua các năm - hơn 1 triệu đồng/tháng đối với nhóm chi tiêu cao nhất, tăng từ 18,4% năm 2004 lên 62,2% năm 2008. Khoảng 93% người tiêu dùng Việt Nam có mức chi tiêu bình quân từ 500 ngàn đồng/tháng trở lên, cho thấy mức sống của người dân Việt Nam đã cải thiện đáng kể qua các năm.
Quan điểm tiêu dùng của người Việt Nam cũng thay đổi đáng kể khi chất lượng hàng hóa gắn với thương hiệu mạnh được coi là yếu tố quyết định để chọn mua hàng. Hiện nay, giá cả là yếu tố quyết định thứ 2, vượt trên cả yếu tố kênh phân phối, mẫu mã, khuyến mại… cho thấy khủng hoảng kinh tế đã có những ảnh hưởng rất rõ rệt đến lựa chọn của người tiêu dùng.
Một trong những trọng tâm của Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2009 là kích cầu hàng Việt Nam, bảo vệ việc làm cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Mạng lưới tiêu dùng hàng Việt (thông qua shopping card) sẽ được hình thành trước hết trong hệ thống người lao động của các doanh nghiệp, hệ thống công nhân viên chức, dự kiến lên đến hàng triệu thẻ./.