Đắk Lắk đề ra nhiều chính sách thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các nhà máy ờ các khu, cụm công nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ tiền thuê đất, có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nguồn nguyên liệu sẵn có ở tỉnh...
Ngoài ra Đắk Lắk còn đầu tư xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đó; trong số đó có khu công nghiệp Hòa Phú, khu công nghiệp lớn nhất của tỉnh và nay đã có 4 nhà máy đi vào sản xuất, với tổng số vốn xây dựng trên 211 tỷ đồng; trong đó nhà máy chiết gas Công ty cổ phần Đại Việt đầu tư 72 tỷ đồng; nhà máy luyện cán thép Công ty cổ phần Thép Đông Nam Á đầu tư 73 tỷ đồng; nhà máy chế biến nông sản Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Phương Đông 23 tỷ đồng và nhà máy chế biến cà phê hòa tan An Thái 42 tỷ đồng.
Hiện tại, còn nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư của mình, ước tính số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng như: nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9, công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Nguyên xây dựng tổng Kho ngoại quan, công ty Cao su Đắk Lắk đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cao su cao cấp, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Kim Trường Thịnh lập dự án xây dựng nhà máy chế biến đá granit ốp lát, công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cấp thoát nước WASECO xây dựng xưởng đúc bê tông ly tâm, công ty TNHH Thép Phương Tạo chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng An Pha...
Khu công nghiệp Hòa Phú được thành lập từ năm 2005 với diện tích 181,73 ha. Đến nay, đã có 11 doanh nghiệp đăng ký thực hiện các dự án đầu xây dựng các nhà máy chiếm 60% diện tích khu công nghiệp.
Đắk Lắk còn đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư. Do vậy, số dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh ngày một tăng, bước đầu đã tạo được kết quả tích cực trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh đã thu hút được 20 dự án đầu tư với số vốn gần 1.500 tỷ đồng.
Có 20 dự án khởi công xây dựng, trong đó có nhiều dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn như: Dự án mở rộng nhà máy chế biến cà phê Trung Nguyên ở cụm công nghiệp Tân An 2 (Thành phố Buôn Ma Thuột) công suất 60.000 tấn cà phê nhân và 30.000 tấn cà phê bột/năm, tổng vốn đầu tư 463 tỷ đồng; dự án Bệnh viện ngoại - sản Tây nguyên 366 tỷ đồng; dự án bãi đỗ xe của Công ty TNHH Thuận An vốn đầu tư 117 tỷ đồng; dự án Nhà hàng, khách sạn của Công ty TNHH Thiên Hà vốn đầu tư 50 tỷ đồng; dự án trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp của Tổng công ty cà phê Việt Nam vốn đầu tư 14 tỷ đồng...các dự án triển khai khá tích cực và đồng bộ.
Cùng với đó là nhiều công trình đã hoàn thành như dự án mở rộng nhà máy bia Sài Gòn, vốn đầu tư 487 tỷ đồng; dự án Trung tâm khách sạn và dịch vụ văn phòng của công ty Cao su Đắk Lắk tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng; dự án Trường tư thục mầm non Quốc tế của Công ty TNHH Yến Ngân, vốn đầu tư 22 tỷ đồng ... các dự án đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực cho việc tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Có thể nói Đắk Lắk đã tích cực đề ra nhiều biện pháp trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư, cũng như hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành rà soát danh mục dự án đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng, cam kết thời hạn đầu tư, bên cạnh đó thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai đầu tư nhằm làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư.
Đắk Lắk còn chủ động bố trí thời gian để tiếp, làm việc trực tiếp cùng các nhà đầu tư tại văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh vào thứ 5 hàng tuần, thành lập đoàn công tác liên ngành về thành phố Hồ Chí Minh để xúc tiến, mời gọi đầu tư và làm việc hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư./.
Nguyễn Hồng
Báo Nhân dân điện tử