Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/06/2009-17:10:00 PM
MDEC An Giang 2009: Tập trung vào giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Ngày 19/6/2009, Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 (MDEC An Giang 2009), với sự tham dự của lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế, lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, các viện, trường Đại học trong vùng Đồng bằng sông Cửa Long, các tổ chức nước ngoài… được tổ chức tại An Giang đã thành công.

Vinh danh các tổ chức cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực trong vùng

Trong khuôn khổ của diễn đàn năm nay, Ban tổ chức đã tổ chức lễ vinh danh cho 34 tổ chức, trường học, doanh nghiệp và 34 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với lợi thế về vị trí địa lý, thế mạnh về nông nghiệp, ngư nghiệp, năng lượng và nguồn nhân lực dồi dào, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng của các tỉnh phía Nam nói riêng và của cả nước nói chung. Thời gian qua mặc dù đã đạt được một số thành tựu về phát triển kinh tế- xã hội, nhưng thực tế cho thấy nhiều lợi thế, thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tồn tại ở dạng “tiềm năng”, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế của vùng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên chính là do chất lượng nguồn nhân lực nói chung, lao động có kỹ năng nghề ở các cấp trình độ nói riêng của vùng còn thấp. Trong hệ thống các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội Đồng bằng sông Cửu Long thì giải pháp phát triển nguồn nhân lực được xem là mấu chốt và cần được ưu tiên đi trước.
Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2009 (MDEC An Giang 2009)
Hội nghị thống nhất đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lực tự nhiên và nguồn lực con người phong phú, dồi dào, là một vùng kinh tế, vùng nông nghiệp lớn của cả nước, cung cấp nhiều nông sản hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhưng giáo dục và đào tạo lại rất thấp kém so với các vùng khác trong cả nước. Một trong những trở lực làm cho nền kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển là vấn đề nguồn nhân lực đang có lượng, thiếu chất. Phần lớn lao động tại các địa phương hiện đang thiếu cả về tay nghề và văn hóa nghề. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, đại học và sau đại học tại khu vực còn rất hạn chế.
Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất hành động chung hợp tác phát triển nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ ngành liên quan hợp tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong 10 năm tới, với tầm nhìn 20 năm sau. Trong đó coi giáo dục đào tạo là nhân tố quyết định, và có mục tiêu cụ thể, biện pháp tập trung, chiến lược nầy phải có hai nội dung song hành là đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực theo hướng hội nhập. Kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư ngân sách cho Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn so quy định. Ưu tiên cho Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận và phát huy nguồn vốn ODA thông qua những dự án cụ thể. Tăng cường đầu tư nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, xây dựng trường Đại học An Giang trở thành 1 trong 2 trường đại học trọng điểm của quốc gia. Đầu tư và xây dựng 2 trường dạy nghề có trình độ khu vực ASEAN của vùng. Kiến nghị thành lập trường đại học mang tầm quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên cơ sở một trường hiện hữu hoặc thành lập mới.
Các giải pháp mà các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành hợp tác thực hiện trên cơ sở quy hoạch những ngành hàng là thế mạnh của vùng, quy hoạch lại mạng lưới các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, mạng lưới trường lớp, ngành nghề đào tạo, mở rộng và có chính sách phù hợp, ưu đãi cho mô hình Trường cao đẳng cộng đồng thích ứng với từng địa phương và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp, xây dựng cơ chế đặc thù. Kiến nghị các giải pháp mà các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác thực hiện, và giải pháp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bằng nhiều hình thức thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của người dân trong vùng, để người dân có điều kiện đưa con em đến trường, kết hợp với thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích sử dụng và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực từ Đồng bằng sông Cửu Long, kêu gọi các Mạnh Thường Quân ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Vũ Văn
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1546
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)