Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/02/2009-12:59:00 PM
Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, an toàn
Nhằm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga,... đồng thời từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ La Tinh, Đông Âu, châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế trong nước.

Dầu khí là một trong những lĩnh vực được ưu tiên
đầu tư ra nước ngoài

Đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài" vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại Quyết định 236/QĐ- TTg ngày 20/2/2009, xác định cả các lĩnh vực ưu tiên cũng như giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động này triển khai có hiệu quả ngay trong năm nay.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài được ưu tiên hỗ trợ thuộc các lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp. Đồng thời, các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng thuộc đối tượng khuyến khích và hỗ trợ.

Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài, một trong những giải pháp được Thủ tướng đặc biệt lưu ý là phải cải tiến thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản, thuận tiện, mở rộng hơn nữa diện các dự án thuộc diện đăng ký, giảm bớt sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Song song với đó, các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài cần được quy định một cách cụ thể, đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin môi trường, cơ hội đầu tư tại nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài...

Xây dựng danh mục các địa bàn trọng điểm khuyến khích đầu tư ra nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục các địa bàn trọng điểm khuyến khích đầu tư ra nước ngoài cùng chính sách ưu đãi và chế độ hỗ trợ đi kèm. Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, đưa nội dung xúc tiến đầu tư ra nước ngoài thành một nội dung của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi hỗ trợ về tài chính, tín dụng đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các dự án đầu tư vào một số địa bàn trọng điểm, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.

Cũng theo Đề án này, hàng năm sẽ tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư Việt Nam tại nước sở tại, đồng thời hỗ trợ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát triển đầu tư của doanh nhân người Việt Nam trên địa bàn nước sở tại.

Theo một số chuyên gia kinh tế, tài chính, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra ngoài nước đạt hiệu quả và an toàn, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, kể từ khi Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tính đến tháng 12 năm 2008, qua gần 20 năm thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam có 368 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,39 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đăng ký.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng đầu tư vào thị trường châu Á có 257 dự án, với tổng vốn đầu tư là 2.852 triệu USD, chiếm 69,8% về số dự án và 64,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó tập trung đầu tư sản xuất điện- khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp tại Lào. Đầu tư vào châu Phi có 10 dự án, tổng vốn đăng ký 291,3 triệu USD. Số còn lại thuộc châu Âu và châu Mỹ, chiếm 23,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó, Liên bang Nga có 17 dự án, vốn đầu tư là 945 triệu USD, chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ có 40 dự án, tổng vốn đầu tư là 80 triệu USD, chiếm 1,8% tổng vốn đăng ký. (số liệu đầu tư ra nước ngoài tháng 12/2008 của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)


Minh Hằng
Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ

    Tổng số lượt xem: 1541
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)