Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/01/2011-10:05:00 AM
Năm 2010 - Kinh tế Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Năm 2010, kinh tế Hà Nội đang lấy lại đà tăng trưởng với những điểm nhấn nổi bật sau:

Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố năm 2010 ước tăng 14,4% so với năm 2009

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng cả năm 2010 lên tới 11% GDP, gấp hơn 1,5 lần so với 6,7 % năm 2009, xấp xỉ con số 10,9% năm 2008 và 11,2% năm 2007.
Giá trị sản xuất công nghiệp của TP tăng 14,4%, trong đó ngành công nghiệp mở rộng tăng 11,6% (đóng góp 5% vào mức tăng chung), các ngành dịch vụ tăng 11,1% (đóng góp 5,6% vào mức tăng chung), ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 7,2% (đóng góp 0,5% vào mức tăng chung).
Cơ cấu kinh tế có sự cải thiện đúng hướng, trong đó dịch vụ 52,5%; công nghiệp và xây dựng 41,4%; nông nghiệp 6,1%; GDP bình quân/người 37 triệu đồng; khu vực kinh tế Nhà nước tạo ra khoảng 45% GDP (giảm so với mức 52,1% năm 2005), kinh tế ngoài nhà nước tạo ra khoảng 38% GDP (tăng so với mức 31,8% năm 2005) và khu vực có vốn ĐTNN tạo ra khoảng 17% GDP (tăng nhẹ so với mức 16,1% năm 2005).
Thứ hai, các ngành sản xuất công nghiệp đều tăng so cùng kỳ, trong đó nhiều ngành tăng khá mạnh.
Sự hồi phục và cải thiện tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp là rất rõ nét thể hiện qua 3 quý liên tiếp lần lượt là 12,4%, 13,9% và 13,7% và đạt trên 14% vào quý IV. Dự kiến cả năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 14,4% so năm 2009, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 9,3% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 8,9%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 10,8%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 14,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,8%.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần gấp đôi, còn khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng gấp hơn 1,5 lần tốc độ khu vực kinh tế Nhà nước. Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 96%) và tăng cao nhất (khoảng trên 14% so với năm trước), là ngành quyết định tới tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
Nói cách khác, tạo động lực phát triển công nghiệp mạnh nhất trên địa bàn Thủ đô năm 2010 chính là là khu vực kinh tế ngoài nhà nước và ngành công nghiệp chế biến. Đây là xu hướng mới, tích cực, khẳng định sự năng động và vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và của công nghiệp chế biến trong đời sống kinh tế nói chung, trong công nghiệp nói riêng trên địa bàn Thủ đô tương lai.
Thứ ba, các ngành dịch vụ có bước chuyển biến tích cực về quy mô và hiệu quả kinh doanh.
Tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 30,5% so với năm 2009, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 31,2%.. Hệ thống bán lẻ của Hà Nội cũng tăng nhanh chóng với mạng lưới hiện tại gồm 362 chợ, 70 trung tâm thương mại, siêu thị và một loạt các hệ thống cửa hàng tự chọn khác.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 26,3% so với năm 2009 (tức tăng hơn gấp đôi tốc độ tăng nhập khẩu cùng kỳ), trong đó xuất khẩu địa phương tăng 30,8%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh từ 30-40% như gạo (tăng 43,3%), hàng dệt may (tăng 33%), hàng điện tử (tăng 36,6%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 34,3%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 37,1%), dây điện và cáp dây điện (tăng 38,4).
Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 12% so với năm 2009, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 3,8%. Trong số nhóm hàng nhập khẩu chỉ có phân bón giảm 40,8%, còn lại các nhóm hàng đều tăng, trong đó nhiều nhóm tăng khá: máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 15%), hóa chất (tăng 15,4%), chất dẻo (tăng 23,9%), xăng dầu (tăng 17,5%).
Du lịch có sự tăng trưởng tốt, khách quốc tế đến Hà Nội là hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng 20,5%; khách nội địa hơn 7,392 triệu lượt khách, tăng 10%; doanh thu khách sạn lữ hành tăng 26,9% so với năm trước.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 30,3%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 26%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 28,9%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 36%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 25,3%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 21,2%.
Thứ tư, sản xuất nông, lâm, thuỷ sản và chăn nuôi cơ bản được giữ ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường, diện tích gieo trồng và năng suất của hầu hết các loại cây trồng trên địa bàn toàn Thành phố đều tăng so với cùng kỳ năm trước; nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình và tiêu chuẩn tiến tiến đang được triển khai có kết quả tốt.
Năm 2010 có thể được coi là năm thành công của nông nghiệp Hà Nội trong bối cảnh thiên tai bùng phát nặng nề trên diện rộng ở nhiều địa phương khác trên cả nước, với giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản tăng 8,78%, trong đó: trồng trọt tăng 8,07%, chăn nuôi tăng 6,76%, dịch vụ nông nghiệp tăng 12,25%, thuỷ sản tăng 34,33% .
Thứ năm, vốn đầu tư phát triển xã hội tiếp tục tăng và bướcđầu có sự cải thiện về cơ cấu.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2010 là 173.268,5 tỷ đồng, tăng 17,2% so năm 2009, trong đó vốn ngân sách Nhà nước giảm 1,1% (do chính sách mới của Nhà nước quy định các tập đoàn, tổng công ty không được phép đầu tư dàn trải, ngoài ngành), vốn vay tăng 6,7%, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,5%, vốn đầu tư của các tổ chức doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 27,9%, vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,5%.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt 100.000 tỷ đồng, vượt 12,7% dự toán năm, tăng 17% so năm 2009; trong đó, thu nội địa là 87.560 tỷ đồng, vượt 15,2% dự toán, tăng 18,4%. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2010 là 40.037 tỷ đồng, vượt 14,9% dự toán, giảm 13,2% so năm trước, trong đó chi thường xuyên là 17.905 tỷ đồng, vượt 21,3% dự toán, tăng 29,5%; chi xây dựng cơ bản là 16.922 tỷ đồng, vượt 12,2% dự toán, tăng 29,8%.
Tổng nguồn vốn huy động đến hết tháng 12/ 2010 là 750.704 tỷ đồng, tăng 1,48% so tháng trước và tăng 28,21% so cùng kỳ năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,6% và 30,19%, phát hành giấy tờ có giá tăng 1,5% và 44,56%, tiền gửi thanh toán tăng 1,4% và 25,01%. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 12/ 2010 đạt 475.356 tỷ đồng, tăng 1,67% so tháng trước và tăng 26,12% so cùng kỳ năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,8% và 28,45%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,5% và 23,05%.
Thứ sáu, công tác bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội được quan tâm, công tác xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, hoàn thành đúng tiến độ nhiều công trình quan trọng về giao thông, cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội; tổ chức thành công Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Tình hình thất nghiệp và hỗ trợ người nghèo có nhiều cải thiện rõ rệt. Trong năm 2010, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 135.800 lượt người, đạt 100,6% so với kế hoạch, góp phần hạ thấp đáng kể tỷ lệ thất nghiệp, với khu vực thành thị chỉ còn 2,59% (giảm 1,81% so với thời điểm 1/4/2009) và khu vực nông thôn là 1,18% (giảm 1,32%).
Trong dịp tết Canh Dần, Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo đã tặng quà cho 117.396 lượt hộ nghèo và 21.758 lượt đối tượng xã hội với số tiền gần 28 tỷ đồng. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã được tổ chức thành công về nhiều mặt; trong dịp đại lễ UBND thành phố đã dành 18,5 tỷ đồng tặng quà cho các hộ nghèo. Cũng trong năm 2010, toàn thành phố cho vay vốn ưu đãi với 149.486 lượt hộ nghèo với số tiền trên 1000 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 3.263 nhà xuống cấp với kinh phí huy động từ các nguồn 48 tỷ đồng. Theo mức chuẩn nghèo và cận nghèo của Chính phủ, Hà Nội chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo là 5,2% và cận nghèo là 3,12%; đặc biệt, khu vực nông thôn không còn hộ bị thiếu đói.
Thành phố đã trình duyệt và triển khai thực hiện Đề án phát triển nhà ở giai đoạn 2010 – 2020; thực hiện các dự án phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; tăng cường quản lý đất đai, có giải pháp và thông tin kịp thời, hiệu quả tránh đầu cơ gây sốt giá đất ảo; chủ động ngăn ngừa và xử lý kịp thời các dịch bệnh; quản lý và xử lý nghiêm những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh đầu tư ra ngoại thành, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…
Trên địa bàn thành phố, 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý; trên 95% dân số đô thị, 82% dân số nông thôn được cung cấp nước đảm bảo vệ sinh.
Những nỗ lực và thành công nêu trên của năm 2010 đã góp phần củng cố vị thế Thủ đô và trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục cả nước của Hà Nội./.
Tính theo giá so sánh 1994, thì Hà Nội ước chiếm 12,73% GDP cả nước (bằng khoảng 1/2 GDP của thành phố Hồ Chí Minh và cao gấp 3 lần của Hải Phòng và gấp hơn 7 lần Đà Nẵng); chiếm 10% tổng thu NSNN cả nước (bằng hơn 1/2 thành phố Hồ Chí Minh và cao gấp 3 Hải Phòng, gấp 7 lần Đà Nẵng); chiếm 13,2% GTSX công nghiệp cả nước (bằng 1/2 thành phố Hồ Chí Minh, gấp gần 3 lần Hải Phòng và hơn 8 lần Đà Nẵng); chiếm khoảng 20% tổng đầu tư xã hội cả nước (cao hơn xấp xỉ mức của thành phố Hồ Chí Minh, gấp hơn 5 lần Hải Phòng và 9 lần Đà Nẵng). Đặc biệt, Thành phố đang chiếm hơn 70% số cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1216
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)