Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/05/2009-10:04:00 AM
Trung Quốc khắc phục suy giảm kinh tế
Giữa lúc kinh tế thế giới là cả một bức tranh u ám ở thời điểm cuối năm 2008, đầu 2009, Trung Quốc vẫn hy vọng vào việc thị trường tiêu dùng trong nước sẽ đủ mạnh để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài.

Thanh niên Trung Quốc xếp hàng đăng ký tìm việc

Trung Quốc đang áp dụng rất nhiều biện pháp để giải quyết những khó khăn nội tại của nước này. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm sẽ là một vấn đề lớn mà nền kinh tế này đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong năm 2009.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa XI vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, năm 2009 là năm khó khăn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong thế kỷ này do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại về khó khăn, Trung Quốc vẫn đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 8% trong năm 2009. Mức dự đoán này lạc quan hơn so với mức 6,7% mà Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trước đó. Ông Ôn Gia Bảo khẳng định, Trung Quốc có đủ điều kiện và khả năng để vượt qua thách thức hiện nay; đồng thời hy vọng tạo thêm được chín triệu việc làm mới tại các thành phố và tăng ngân sách chi tiêu chính quyền địa phương lên gần 25%.
Khó khăn
Khủng hoảng tài chính thế giới kéo dài khiến nhu cầu của thế giới về hàng hóa Trung Quốc giảm đáng kể. Kinh tế Trung Quốc nhanh chóng giảm sút, khiến Ngân hàng Thế giới (WB) lại một lần nữa hạ chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2009 của Trung Quốc từ 8 xuống 6,5%. Một chuyên gia kinh tế của WB tại Bắc Kinh cho rằng, tăng trưởng kinh tế yếu đi là không tránh khỏi; cho rằng, bản thân Trung Quốc cũng không làm được gì nhiều để cải thiện chỉ số tăng trưởng một khi tình hình kinh tế thế giới chưa tốt lên.
Thị trường chứng khoán sụt giảm 65% trong năm 2008, tăng trưởng giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp leo thang. Xuất khẩu trong tháng 2 vừa qua giảm 25,7% xuống còn 64,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm 24,1% xuống còn 60,1 tỷ USD. Xu thế đi xuống này của xuất khẩu được dự báo là sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2009. Thặng dư thương mại của Trung Quốc là 4,8 tỷ USD trong tháng 2 so với 39,1 tỷ USD của tháng trước đó. Thâm hụt ngân sách được xem là lớn nhất trong 60 năm qua.
Tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay giảm mạnh. Theo thống kê, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 1 và tháng 2 chỉ đạt 13,3 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số các công ty mới thành lập giảm 13,3%. Các chuyên gia phân tích lo ngại lượng đầu tư sụt giảm sẽ ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, vì đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, Trung Quốc đã quyết định trong năm nay sẽ tích cực cử các phái đoàn xúc tiến thương mại ra nước ngoài để tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Năm 2008, tại Trung Quốc có khoảng 70.000 công ty vừa và nhỏ bị phá sản. Xu hướng phá sản doanh nghiệp được dự báo là sẽ dẫn tới tình trạng thất nghiệp tăng vọt ở Trung Quốc trong năm 2009. Lĩnh vực nông nghiệp cũng không thể tạo nhiều việc làm cho những công nhân thất nghiệp. Hiện mỗi năm, Trung Quốc có năm triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và số sinh viên này cũng rất khó tìm việc làm. Chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng nếu kinh tế đình trệ sẽ xảy ra rối loạn xã hội. Theo WB, 25 triệu người ở Trung Quốc có nguy cơ mất việc nếu thị trường xuất khẩu hàng Trung Quốc bị sụp đổ.
Trung Quốc có 2.000 tỷ USD dư trữ ngoại tệ và đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ thông qua việc mua trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Sự phát triển của kinh tế Mỹ góp phần bảo đảm an toàn cho khoản tiền lớn của Trung Quốc tại Mỹ.
Quyết tâm của Chính phủ
Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn chương trình cả gói của Chính phủ Trung Quốc nhằm đối phó khủng hoảng tài chính quốc tế. Hầu hết số tiền trong kế hoạch kích thích kinh tế sẽ được chi cho các dự án cơ sở hạ tầng, như đường sá và đập nước, vì các dự án đó sẽ nhanh chóng bơm tiền vào nền kinh tế. Ngoài ra, khoản tiền này sẽ kích thích tiêu thụ nội địa, tăng thu nhập cho người dân tại nông thôn, ủng hộ các ngành công nghiệp thép, tự động hóa... Bên cạnh đó, chi tiêu cải thiện mạng lưới an sinh xã hội sẽ tăng 17,6% trong năm nay lên 293 tỷ NDT. Ngân sách cho chăm sóc sức khỏe và y tế tăng 38,2%, lên 118,6 tỷ NDT. Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định, Trung Quốc có đủ "đạn dược" và sẵn sàng đưa ra các biện pháp kinh tế mới "bất cứ lúc nào"; tin tưởng, nước này và phần còn lại của thế giới sẽ khá hơn trong năm 2010.
Trong khi các nhà kinh tế lo ngại Mỹ và châu Âu không thể phát triển mạnh như trước, thì Trung Quốc đang nỗ lực biến thử thách khủng hoảng thành cơ hội tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ và một hệ thống ngân hàng vững chắc, Bắc Kinh đang có một "hầu bao" lớn để dốc tiền đối phó khủng hoảng. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang sử dụng gói kích cầu trị giá 586 tỷ USD để biến khủng hoảng thành một lợi thế cạnh tranh, bằng cách chú trọng đào tạo các lực lượng lao động và tăng trợ giúp cho nghiên cứu phát triển. Do đó, cho dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm đáng kể trong năm 2009, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo công bố ngày 18-3 đã nhận định rằng Trung Quốc đối phó với khủng hoảng thế giới khá hơn nhiều các quốc gia khác. Ngân hàng của Trung Quốc không bị "nhiễm độc" và chính phủ đã nhanh chóng triển khai gói kích thích khổng lồ.
Theo nhà kinh tế Ê-xơ-oa Pra-xát, cựu Trưởng ban Trung Quốc thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những điều chỉnh mới nhất cho việc thực hiện gói kích cầu này đã nhắm vào phương châm tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho nền công nghiệp Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ chi nhiều hơn cho các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tăng ngân sách dành cho nghiên cứu phát triển, bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Trung Quốc đã tài trợ cho những kế hoạch đào tạo quy mô lớn, nhằm đối phó nạn thất nghiệp gia tăng và cung ứng lao động lành nghề. Riêng tại tỉnh Quảng Ðông, chương trình đào tạo được mở rộng gấp bốn lần trong năm nay, tập hợp bốn triệu công nhân viên trong các khóa học tập kéo dài từ ba đến sáu tháng.
Tăng cường trao đổi đầu tư giữa các nước là biện pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Theo Người phát ngôn Bộ Thương mại Diêu Kiến, Trung Quốc đã ký các hợp đồng trị giá hơn 13 tỷ USD với các nước Anh, Ðức, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha sau chuyến thăm và làm việc của đoàn quan chức và 200 doanh nghiệp Trung Quốc tới châu Âu hồi tháng trước. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn "tận dụng" cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và châu Âu để tìm cách mua lại các doanh nghiệp công nghệ và đầu tư vào các thị trường nước ngoài.
Những người lạc quan tin rằng, Trung Quốc sẽ có đủ khả năng để chống chọi sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này ở Mỹ và châu Âu. Với các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc như tập trung vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, gia tăng phúc lợi, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay..., người tiêu dùng và các công ty ở nước này có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người dân Trung Quốc đang kỳ vọng gói kích thích kinh tế lớn của Chính phủ sẽ giúp tạo việc làm và duy trì tốc độ tiêu dùng của người dân./.
Quang Thiều
Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 897
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)