(MPI Portal) - Ngày 24/6/2009, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức phiên họp giao ban tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2009 về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hòa đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các địa phương, các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty.
Nội dung cuộc họp tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 2009; về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2009; về những giải pháp cấp bách để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội,thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thực hiện các dự án; đánh giá những khó khăn, thách thức trong sản xuất, giải quyết việc làm và giải ngân các nguồn vốn của các Bộ, ngành và địa phương.
Môt số nét chính về sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2009 cụ thể như sau:
Về sản xuất kinh doanh, dịch vụ
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tháng 6 ước đạt 58,4 nghìn tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 8,2% so với cùng kì năm 2008, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,5% (Trung ương tăng 10,9%; địa phương giảm 0,2%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 8,4%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,9%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 324,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năn 2008 tăng 16,5%). Trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 1,5% (Trung ương tăng 3,1%, địa phương tăng 4%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 7,6 %; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5%.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Mặc dù còn nhiều khó khăn, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 96,8 nghìn tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 2,5% so với cùng kì năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 70,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%, lâm nghiệp đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1%, thủy sản đạt 22,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3%.
Hoạt động của các khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển.Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dung giảm sút nhưng hoạt động thương mại vẫn tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 6 ước đạt 94 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 5, đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 6 đầu năm lên 547 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2008.
Sản lượng vận tải hàng hóa 6 tháng năm 2009 ước đạt 314 triệu tấn, tăng 0,3% so với cùng kì năm 2008, khối lượng luân chuyển ước đạt 84 tỷ T.Km, tăng 1,1% so với cùng kỳ; sản lượng vận tải hành khách ước đạt 964 triệu lượt hành khách, tăng 7%; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 41,8 tỷ hành khách trên km, tăng 4% so với cùng kì năm ngoái.
Mạng lưới, dịch vụ bưu chính viễn thông trong tháng 6 phát triển mới 8,8 triệu thuê bao điện thoại (tăng 633% so với cùng kỳ năm ngoái).Tính chung tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 6 tháng đầu năm đạt 17 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đạt 99 triệu thuê bao (trong đó thuê bao di động chiếm 86%) đạt mật độ 114 máy/100 dân (trong đó số thuê bao của VNPT chiếm khoảng 58% tổng số thuê bao trên toàn mạng, thuê bao của Viettel chiếm khoảng 33%).
Hoạt động xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 10,3 tỷ USD (chiếm 37,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước), giảm 7,6%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm lớn so với cùng kỳ, do khó khăn về thị trường xuất khẩu: thủy sản giảm 10,7%, giày dép giảm 8,7%, dệt may giảm 1,3%...
Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm mạnh so với cùng kỳ: dầu thô giảm 53,6%, cao su giảm 44,3%, gạo giảm 35,2%, cà phê giảm 28% ảnh hưởng lớn kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng 5 năm 2009. Tính chung kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 đạt 29,7 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kì năm 2008; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,4 tỷ USD, giảm 24,4%.
Về thu chi ngân sách nhà nước
Tổng thu chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 6 ước đạt 14,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 6, ước đạt 171 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán cả năm (cùng kỳ đạt 60,6% dự toán năm); trong đó thu nội địa đạt 105 nghìn tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 41,1 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán.
Chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 6 ước đạt 18,7 nghìn tỷ đồng. Tích lũy đến nửa đầu tháng 6, tổng chi ngân sách đạt 197,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 48 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán năm (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 45,5 nghìn tỷ đồng, đạt 42,3% dự toán năm), chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đạt 121,8 nghìn tỷ đồng, bằng 45,2% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt gần 25,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44% dự toán năm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2009 tăng 0,55% so với tháng trước,tăng 2,68% so với tháng 12/2008, bình quân 6 tháng đầu năm 2009 tăng 10,27% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Đầu tư phát triển
Chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước tháng 6/2009 ước đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,7% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009 chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước đạt 50,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi: tính đến hết 31/5/2009, nguồn phiếu Chính phủ lũy kế giải ngân đạt khoảng 5 nghìn tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch năm; trong đó Trung ương đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9% kế hoạch năm; địa phương đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% kế hoạch năm.
Vốn tín dụng đầu tư: tính đến hết tháng 6 năm 2009 nguồn vốn tín dụng đầu tư và vay vốn hỗ trợ xuất khẩu ước đạt 32 nghìn tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch năm, tuy nhiên nguồn vốn trong nước cho vay đầu tư thực hiện thấp, ước đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm. Nguồn vốn ODA cho vay đạt 2 nghìn tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm, dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, bằng 146% kế hoạch năm.
Thu hút vốn ODA: tính từ đầu năm đến ngày 16/6/2009, tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt 1.783 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2008. Các nhà tài trợ có giá trị hiệp định ODA ký kết lớn là: Nhật Bản đạt 852 triệu USD, Ngân hàng phát triển châu Á đạt 482 triệu USD và Ngân hàng thế giới đạt 265 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, có khoảng 1.270 triệu USD vốn ODA được giải ngân, bằng 67% kế hoạch giải ngân cả năm 2009, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm trong tháng 6 đầu năm 2009 đạt 8,87 tỷ USD,bằng 22,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Về giải ngân 6 tháng đầu năm 2009, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,3 tỷ USD.
Phát triển doanh nghiệp
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa giảm sút nhưng số doanh nghiệp đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng cao. Ước tính trong 6 tháng đầu năm cả nước có 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm giảm sút khá lớn, chỉ đạt 170 nghìn tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm do chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, giá xuất khẩu giảm mạnh cùng với sự thu hẹp thị trường xuất khẩu, thiên tai, lũ lụt, bệnh dịch… Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, sự nỗ lực của của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế tháng 6 tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực: sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả tốt, nhất là vụ Đông xuân, có ý nghĩa cả về kinh tế, xã hội và ổn định lương thực; giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 5 tháng qua (tháng 2 tăng 8,4%, tháng 3 tăng 2,3%, tháng 4 tăng 5,4%, tháng 5 tăng 6,8%, tháng 6 tăng 8,2%); lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến; thu ngân sách Nhà nước đạt tốc độ tăng khá.
Mặc dù vậy, còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn cần được quan tâm xử lý như: giá cả có xu hướng tăng; nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư