Những chiếc thớt gỗ truyền thống mộc mạc ở làng thớt gỗ Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, đang được bán rất chạy không chỉ trong nước, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước, thu về hàng triệu USD.
Giữ "lửa" cho nghề truyền thống
Có thời gian, thớt gỗ truyền thống của làng thớt Lái Thiêu bị thớt Thái Lan tràn về làm sản phẩm thớt của làng ế ẩm. Tuy nhiên, nhiều người khi sử dụng thấy thớt của Thái mỏng, dễ vỡ, nên đang quay về với thớt gỗ truyền thống. Nhờ thế, thớt gỗ Lái Thiêu đã "sống" lại.
Ở Lái Thiêu hiện có 30 trại sản xuất thớt và nhiều hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thu hút lượng lao động đông đảo trong vùng.
Tại cơ sở sản xuất thớt của ông La Hoàng Dũng, thị trấn Lái Thiêu, hàng chục công nhân đang miệt mài cắt, bào, gọt những tấm thớt bóng láng.
Ông Dũng cho biết, nghề làm thớt tại đây có mặt được khoảng hơn nửa thế kỷ. Ông sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống làm thớt, 20 tuổi ông bắt đầu cầm cưa, đục làm thớt và đi bán thay cho mẹ. Nghề thớt bắt đầu “đeo” theo ông từ đó.
Theo ông Dũng, nghề này không cần phải học, chỉ cần có gỗ, cưa thì ai cũng có thể làm được.
Để làm ra một chiếc thớt thành phẩm, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như phân đoạn, cắt thớt đẽo, gọt láng, bào mặt… Ngày nay, máy móc hiện đại đã thực hiện ở một số khâu như cắt phân đoạn, quây mực, lọng tròn, gọt láng và bào, chà cho thớt phẳng.
Để có được một tấm thớt tốt phải chọn loại gỗ từ cây sọ khỉ (gỗ xà cừ) vì nếu dùng các loại cây khác thớt sẽ bị co và ít bền. Sau đó phải đem sấy cho hết nhựa mới mang ra xẻ thành từng miếng rồi phơi nắng để không bị mốc. Ngoài ra, người thợ phải cắt, gọt sao cho độ dày, tròn và độ rộng của thớt hợp lý để hạn chế thớt vỡ trong quá trình sử dụng.
Ông Dũng cho biết ở công đoạn gọt láng, nếu muốn thớt đẹp thì người thợ luôn phải dùng tay, không thể dùng máy thay thế.
Trước đây, mỗi ngày, một gia đình chỉ có thể làm được 10-15 tấm thớt. Từ khi ứng dụng các phương tiện cơ giới như máy cưa dùng để xẻ cây, máy cắt, máy lọng, bào điện và nếu có đủ nguyên liệu, mỗi gia đình có thể cung cấp được trên 200-300 thớt một ngày.
Khó khăn của nhiều cơ sở làm thớt hiện nay là việc kiếm nguyên liệu làm thớt không còn dễ dàng như trước nữa. Muốn có gỗ, người trong làng phải lặn lội lên Tây Ninh, Bình Phước ba đến bốn ngày để mua cây xà cừ, hay ngược về Vĩnh Long mua gỗ xoài.
Thớt gỗ Lái Thiêu "xuất ngoại"
Ông La Hoàng Dũng cho biết, mỗi cái thớt có giá từ 20.000-30.000/tấm tùy kích cỡ. Còn sản phẩm thớt xuất khẩu tuyển chọn loại một có giá 50.000/tấm.
Thớt xuất khẩu được đóng trong bao nilon trắng có in logo của cơ sở sản xuất, rất đẹp. Tấm thớt to nhất do các nghệ nhân làng Lái Thiêu sản xuất hiện nay có đường kính 50cm và độ dày 20cm.
Hiện nay, cơ sở của ông Dũng làm ra có hơn 20% sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, những sản phẩm của ông vẫn bán thông qua trung gian do các công ty đứng ra thu mua xuất khẩu.
Ngoài cơ sở của ông Dũng, ở Lái Thiêu có cơ sở Mỹ nghệ Phú Long nổi tiếng với nghề làm thớt xuất khẩu. Thớt Phú Long xuất sang thị trường Mỹ, Australia, Đài Loan... thông qua các đầu mối Việt kiều với kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD/năm.
Từ đầu năm đến nay, Phú Long đã xuất khẩu được gần 40.000 tấm thớt, nhiều nhất là vào dịp cuối năm.
Mỹ nghệ Phú Long là một trong cơ sở làm thớt xuất khẩu của làng nghề Lái Thiêu có showroom đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài mặt hàng thớt, cơ sở này còn thu mua gỗ thừa trong quá trình sản xuất thớt ở các trại trong vùng về làm đồ thủ công mỹ nghệ như muỗng, bình hoa, chậu cảnh, đồ gia dụng để xuất sang đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...
Dọc hai bên đường ở Lái Thiêu mỗi ngày, hàng nghìn tấm thớt thành phẩm được phơi thành từng chồng trông thật đẹp mắt, hứa hẹn hướng phát triển của một nghề truyền thống lâu đời nơi đây./.