Ngày 24/2, Trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điện năng trong tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, do vậy EVN phải đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn. Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, cùng đại diện các bộ, ngành chức năng.
Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Chính phủ đã phê duyệt Qui hoạch điện VI, giao EVN chịu trách nhiệm là đơn vị chủ lực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, trong đó chiếm 68% sản lượng điện, 100% truyền tải và phân phối.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của EVN đã vượt qua nhiều khó khăn cơ bản đáp ứng đủ điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, giảm tổn thất điện năng dưới 10%, tiếp nhận lưới điện nông thôn… Các lĩnh vực đa ngành như viễn thông và cơ khí điện được phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 8 vạn lao động. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án theo sơ đồ VI chậm, lãnh đạo EVN phải nghiêm túc kiểm điểm và tháo gỡ vướng mắc, dứt khoát không để thiếu điện, Thủ tướng nhắc nhở.
Trên tinh thần này, Thủ tướng giao Bộ Công thương rà soát lại tổng qui hoạch điện VI và chuẩn bị qui hoạch điện VII giai đoạn 2011-2020 nhằm đảm bảo đủ điện với tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 8%. Theo đó, Chính phủ cùng với các bộ, ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng cho đầu tư nguồn và lưới điện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nhằm đảm bảo tiến độ các dự án. EVN, TKV và Ptrovietnam phải đảm bảo tiến độ các công trình thủy điện, nhiệt điện và khí, riêng EVN cần tập trung đầu tư lưới và xây dựng chiến lược tiết kiệm điện…
Thủ tướng chỉ đạo EVN không đầu tư ra lĩnh ngoài ngành, thực hiện thị trường điện theo cơ chế thị trường (mua vào và bán ra) và triển khai mô hình tổ chức phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch EVN cho biết, điện năng thương phẩm năm 2008 đạt 65,93 tỷ kwh, tăng 2,94 lần so với năm 2000, doanh thu đạt 66.371 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 74.000 tỷ đồng… Nhờ áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, năm 2008 EVN đã giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 9,35%, bình quân mỗi năm giảm gần 0,93%.
Thực hiện các chương trình đầu tư cho điện nông thôn và tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đến cuối năm 2008, 100% số huyện đã có điện lưới và điện tại chỗ; 97,26% số xã và 94,03% số hộ nông dân đã sử dụng điện lưới quốc gia.
EVN cũng đang tiếp tục triển khai 4 dự án qui mô lớn vay vốn Ngân hàng Thế giới 370 triệu USD và gần 2.000 tỷ đồng để cấp điện cho các vùng nông thôn, miền núi. Triển khai đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến các hộ trên toàn quốc từ tháng 6/2008, EVN đặt mục tiêu tiếp nhận gần 5.000 xã với 7,4 triệu hộ dân.
Năm 2009, EVN phấn đấu sản lượng thương phẩm đạt 74,68 tỷ kWh, giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 8,85%, tiếp nhận 2.400 xã để bán điện trực tiếp đến hộ dân, đẩy mạnh đầu tư nguồn và lưới điện…
Ông Hưng cũng thừa nhận một số tồn tại yếu kém của EVN là một số công ty điện lực chưa chấp hành nghiêm túc kế hoạch điều độ hệ thống điện, còn lúng túng trong điều hành khi hệ thống xảy ra tình trạng thiếu công suất và điện năng; khối lượng đầu tư một số đơn vị đạt thấp, tiến độ một số công trình không bảo đảm… nguyên nhân chính là do thiếu vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến một số kiến nghị về cơ chế tài chính, thuế, giải phóng mặt bằng… tháo gỡ khó khăn để EVN đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.