Sau hơn 2 năm triển khai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị sản xuất đầu tư tư nhân trong nước và vốn FDI vẫn ngày càng tăng, chiếm phần chủ yếu trong tổng đầu tư xã hội, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đã đạt con số gần 350 nghìn, trong đó có khoảng 270 nghìn doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ thuế.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Luật Doanh nghiệp thống nhất phân định doanh nghiệp theo loại hình tổ chức kinh doanh, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng đáng kể quyền tự chủ kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thay vì hạn chế trong một mô hình hoạt động duy nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn như trước đây. Luật Đầu tư được xem đạo luật đầu tiên thống nhất các quy trình, thủ tục, điều kiện để đầu tư, được áp dụng chung cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam.
Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Tổ Công tác) cho biết, ngoài việc chấm dứt gần 20 năm phân định và tư duy phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế thì điều quan trọng là 2 Luật này đã tác động cải thiện thực chất môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Tuy rằng quá trình triển khai Luật có không ít khó khăn, vướng mắc, như thủ tục hành chính về đầu tư còn phức tạp, phiền hà, không thống nhất giữa các địa phương.
Tháo "nút thắt cổ chai" trong tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đầu tư
|
Cần tích cực cải thiện thực chất môi trường đầu tư
|
Điểm nổi bật nhất trong thực hiện Luật Đầu tư là phân cấp cho UBND cấp tỉnh, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư và quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn. Hầu hết các địa phương đã ban hành văn bản riêng hướng dẫn "tổng hợp" thực hiện các quy định liên quan đến đầu tư, bao gồm cả xây dựng, môi trường, đất đai...
Theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, việc phân cấp này đã tháo gỡ được tình trạng ách tắc, "thắt nút cổ chai" trong tiếp nhận, phân loại, thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khác với trước đây chỉ có một trung tâm giải quyết thủ tục hành chính cho tất cả các dự án từ 5 hay 10 triệu USD trở lên, hiện nay có hơn 100 "đầu mối" có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đăng ký đầu tư cho tất cả các loại dự án, không phân biệt quy mô, không phân biệt dự án trong nước hay nước ngoài. Nhờ đó, năng lực giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư đã tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thành lập theo Quyết định 1267/QĐ-TTg ngày 25/9/2006, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác thực hiện 2 Luật trên.
Sau hơn 2 năm hoạt động, Tổ đã tập hợp, rà soát, phân loại các quy định về điều kiện kinh doanh trong hơn 450 văn bản quy phạm pháp luật, công bố công khai những điều kiện đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đồng thời cũng đã phát hiện và tập hợp các vướng mắc, trả lời, giải đáp hàng nghìn câu hỏi, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư và của các cơ quan nhà nước có liên quan khi triển khai thực hiện 2 Luật này.
|
"Đó là chưa kể hiệu quả từ việc địa phương ý thức rõ ràng và có động lực mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, thái độ và phương thức làm việc của địa phương cũng thân thiện và tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư", ông Nguyễn Thái Sơn, thành viên Tổ Công tác, phân tích.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2008, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô, điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn hơn các năm trước, nhưng đã có trên 49.300 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký khoảng 377.100 tỷ đồng, tăng 27,4% về số doanh nghiệp và 28% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2007. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam năm 2008 cũng đạt hơn 64 tỷ USD. Và mặc dù năm 2009 dự báo còn nhiều khó khăn hơn nữa, vốn FDI đăng ký tháng 1/2009 đạt 185 triệu USD, dự báo con số này sẽ tăng đáng kể trong tháng 2 này.
Sự chưa phù hợp trong quy định đầu tư ở các địa phương
Tuy nhiên, thực tế các văn bản quy định của UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thường không chỉ để thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, mà còn cả các luật khác về đất đai, môi trường, xây dựng, thậm chí cả luật về khoáng sản,... Trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng được thực hiện ở các địa phương có sự khác nhau một cách đáng kể. Đăng ký hay chấp thuận đầu tư chỉ là một thủ tục, một bộ phận nhỏ trong toàn bộ quy trình thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng, trong đó bao gồm cả thủ tục về đất đai, xây dựng và môi trường.
Theo kết quả điều tra thực tế của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ở một số địa phương có khoảng 50 thủ tục "nhánh" cần phải thực hiện đối với 1 dự án đầu tư, và để hoàn thành được tất cả các thủ tục "nhánh" đó nhà đầu tư cần phải qua hàng trăm thủ tục "cành", "lá" hay các bước khác nhau với hơn 10 "cửa" kiểm tra, phê duyệt và thẩm định dự án. Thủ tục hành chính đối với đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BOO cũng còn phức tạp. Thực tế này có thể dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, vừa cản trở doanh nghiệp trong huy động thêm vốn, mở rộng quy mô kinh doanh, vừa ảnh hưởng đến yêu cầu kịp thời nắm bắt và đón nhận các cơ hội kinh doanh trên thị trường.
Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, việc thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong mối quan hệ với các luật khác, vì vậy cần sớm có giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc bắt nguồn từ một số nội dung luật chưa rõ ràng, từ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các điều khoản thi hành luật còn chưa tương tích, gây chồng chéo về nội dung giữa các văn bản quy phạm liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, cần nghiên cứu soạn thảo quy trình tổng hợp về thủ tục từ khâu đăng ký, thẩm tra đầu tư, thẩm tra đánh giá tác động môi trường, cấp đất, giao đất hoặc thuế đất, cấp giấy phép xây dựng... trên phạm vi cả nước, nhằm khắc phục tình trạng mâu thuẫn, trùng lặp và thực hiện khác nhau ở các địa phương như hiện nay.
Minh Hằng
Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ