Phát triển dịch vụ môi trường (DVMT) nhằm giảm thiểu tối đa chất thải, cải thiện chất lượng môi trường và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, do lĩnh vực kinh doanh DVMT hiện nay chưa phải là lĩnh vực hấp dẫn, mang lại nhiều lợi nhuận, nên chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài cho phát triển DVMT ở Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển DVMT phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài” theo hướng thực hiện tốt các cam kết với WTO, tạo thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành DVMT trong nước.
Thành lập Tập đoàn DVMT Việt Nam
Mục tiêu của Đề án, trong giai đoạn 2009-2012, xây dựng Chiến lược Phát triển DVMT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; lập và phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường đến năm 2020; thành lập Tập đoàn DVMT Việt Nam với cổ phần chủ yếu của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài về môi trường.
Đến năm 2015, xây dựng và thực hiện lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết với WTO; hình thành và phát triển thị trường DVMT ở Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và các cam kết với WTO; xây dựng cơ sở dữ liệu về DVMT và cơ chế trao đổi thông tin, đối thoại về DVMT.
Các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng vào lĩnh vực DVMT
Để thực hiện các mục tiêu trên, giải pháp hàng đầu là hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tạo khung pháp lý cho các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng vào hoạt động kinh doanh này; đồng thời thu hút và khuyến khích khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, tăng cường quản lý chất lượng DVMT thông qua các chứng nhận và giấy phép chuyên môn có liên quan về hoạt động trên toàn cầu.
Nguồn nhân lực cho ngành DVMT hiện nay còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng. Đề án đã đưa ra các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm đào tạo bổ sung, đào tạo mới, bồi dưỡng; nâng cao trình độ khoa học, công nghệ...
Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế phối hợp, tổ chức, điều hành giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong lĩnh vực DVMT để khắc phục những bất cập trong việc phối hợp thời gian qua, bằng cách phân công trách nhiệm cụ thể theo chuyên ngành cho từng Bộ, ngành và các viện nghiên cứu.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án là 6.219,5 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn vốn khác như ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế và các thành phần kinh tế.
Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường DVMT trong hầu hết các phân ngành DVMT của WTO. Việt Nam khuyến khích hình thức hiện diện thương mại, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài thành lập chi nhánh, liên doanh. Theo lộ trình đã cam kết, sau 4 năm kể từ khi gia nhập WTO, các nhà cung cấp DVMT được đóng góp vốn trong liên doanh đến 51%, sau đó không hạn chế.
|
Cổng thông tin điện tử Chính phủ