Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2008-08:30:00 AM
Xây dựng Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô thành trung tâm giao thương quốc tế hiện đại của miền Trung
Khu kinh tế (KKT) Chân Mây-Lăng Cô với quy mô 27.108 ha sẽ là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Một góc cảng Chân Mây-Thừa Thiên Huế

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Theo đó, KKT được quy hoạch thành các khu chức năng đô thị và phân loại theo quy chế quản lý không gian khác nhau, gồm các khu vực bắt buộc tuân thủ quy hoạch và các khu vực được phép sử dụng đất linh hoạt.

Khu cảng Chân Mây được bố trí tại mũi Chân Mây Đông có quy mô 370 ha. Trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối có quy mô 120 ha phân bố tại khu vực giao cắt giữa quốc lộ 1A và đường ra cảng Chân Mây. Đô thị Chân Mây và các trung tâm chủ yếu (trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ thông tin, y tế, đào tạo...) có quy mô khoảng 1.545 ha, phân bố tại khu vực dọc sông Bu Lu, sông Thừa Lưu và chân núi Phước Tượng.

Ngoài ra, khu phát triển du lịch và dịch vụ sinh thái cao cấp, khu du lịch kết hợp với nhà ở, khu cây xanh sinh thái... cũng chiếm khoảng 4.570 ha.

Khu phi thuế quan-công nghiệp-dịch vụ hậu cảng và khu dịch vụ đô thị công nghiệp-công nghiệp kỹ thuật cao (đây là khu vực được phép sử dụng đất linh hoạt) có quy mô khoảng 2.040 ha.

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Quy hoạch chú trọng đến hệ thống đường giao thông. Về đường bộ, đoạn tuyến quốc lộ 1A qua khu du lịch Lăng Cô được xây dựng chỉnh tuyến về phía tây đầm Lập An. Quốc lộ 1A được xây theo tiêu chuẩn đường cấp I, lộ giới rộng 54 m. Đường cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua KKT có quy mô 4-6 làn xe. Xây dựng thêm tuyến đường nối KKT với đường cao tốc này có mặt cắt ngang 52 m.

Xây dựng tuyến đường sắt nhánh nối vào cảng Chân Mây, xây dựng mới nhà ga Chân Mây kết hợp với Trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối.

Về đường thủy, cảng Chân Mây là cảng tổng hợp: cảng trung chuyển container, cảng phục vụ du lịch và phục vụ giao thương hàng hóa.

Đến năm 2025, xây dựng các bến cảng dọc mũi Chân Mây Đông sử dụng chung cảng tổng hợp và cảng khu phi thuế quan, quy mô khoảng 150 ha. Giai đoạn sau năm 2025 tiếp tục xây dựng các bến cảng từ đường Cảnh Dương tới mép bờ biển, tách riêng chức năng cảng tổng hợp Chân Mây và cảng khu phi thuế quan.

Mai Hương
Cổng TTĐT Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1029
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)