Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết từ nay đến năm 2020 sẽ có khoảng 9.126 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư phát triển thương mại nông thôn.
Tổng số kinh phí này nằm trong đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, góp phần định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân ở địa bàn nông thôn.
Cụ thể, mục tiêu hướng tới của đề án nhằm đưa tốc độ tăng trung bình hàng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn nông thôn giai đoạn 2010-2015 sẽ đạt khoảng 22%/năm và giai đoạn 2016-2020 sẽ là 20%/năm.
Theo Vụ Chính sách thị trường trong nước, đến hết 2010, cơ bản sẽ hoàn thành việc rà soát, đánh giá và tổ chức lại hợp tác xã thương mại ở địa bàn nông thôn và đến năm 2011 sẽ đi vào hoàn thành quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn, trong đó có quy hoạch chợ biên giới.
Tiếp theo đó, đến năm 2012 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng các chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch được duyệt.
Đặc biệt, đến năm 2015 sẽ có khoảng 50% chợ biên giới, cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, 100% chợ trung tâm của các huyện được kiên cố hóa; 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô vừa và nhỏ.
Đến năm 2020 tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.
Trong năm 2010, một sở giao dịch gạo tại Cần Thơ, một sở giao dịch càphê tại Đắk Lắk và một số trung tâm đấu giá nông sản cũng sẽ hình thành.
Ngoài ra, đề án cũng đề cập đến việc phát triển các mô hình phát triển thương mại nông thôn như cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn, thị tứ gồm mạng lưới chợ dân sinh, kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh, mạng lưới kinh doanh của các hợp tác xã thương mại, doanh nghiệp sản xuất-chế biến; tổ chức mạng lưới kinh doanh theo từng ngành hàng như nông sản, vật tư nông nghiệp và hàng công nghiệp tiêu dùng.
Với đề án này, Bộ Công Thương hy vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề còn tồn tại của thương mại nông thôn, đồng thời tạo tâm lý yên tâm vào sự liên kết bền chặt giữa nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trên địa bàn./.