Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/05/2009-12:26:00 PM
IMF: Kinh tế châu Á hồi phục chậm sau khủng hoảng
Hôm nay, tại Singapore quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cho biết, hầu hết các nền kinh tế châu Á đều hồi phục yếu ớt từ cuộc khủng hoảng sâu sắc trong năm nay và các nền kinh tế này cần đẩy mạnh tiêu dùng để bù đắp lại nhu cầu xuất khẩu toàn cầu đang sụt giảm.

Kinh tế châu Á phục hồi chậm
sau khủng hoảng

Theo báo cáo của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn châu Á có thể sẽ chỉ đạt 1,3% trong năm nay so với 5,1% của năm trước, trước khi đạt được 4,3 % vào năm 2010. IMF cũng dự đoán, trừ Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế châu Á khác sẽ giảm 2,9 % trong năm nay và tăng 1,6% trong năm tới.
Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy xuất khẩu và hoạt động sản xuất có thể đã tới đáy trong những tháng gần đây, thì IMF vẫn cảnh báo rằng các nền kinh tế trong khu vực vẫn không đạt được tăng trưởng đều đặn cho tới cuối năm 2010.
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ khu vực cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ từ năm 2007 đã phát triển như nấm dẫn tới sự sụp đổ tài chính toàn cầu tồi tệ nhất từ sau chiến tranh Thế giới II, kéo kinh tế châu Á khủng hoảng theo nó. Mặc dù các ngân hàng liên kết với nhau khá vững chắc và mức độ nợ thấp, nhưng nhiều nền kinh tế châu Á cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc do nhu cầu xuất khẩu từ các nước phương Tây rút ngắn lại.
Theo dự đoán của IMF, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tăng trưởng nhiều nhất so với các nền kinh tế chính ở châu Á trong hai năm tới, tăng 6,5% trong năm 2009 và 7,5 % trong năm 2010. Còn Ấn Độ có thể đạt tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 5,6% vào năm sau.
Nền kinh tế Singapore, vốn phụ thuộc rất lớn vào thương mại, tài chính và du lịch, có thể sẽ sụt giảm nhiều nhất, 10% trong năm nay và 0,1 % vào năm tới.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất khu vực sẽ giảm 6,2% trong năm nay và chỉ tăng 0,5% vào năm tới do tình trạng xuất khẩu giảm mạnh làm suy yếu lòng tin của khách hàng.
Trong khi đó, các nền kinh tế New Zealand, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Thái lan sẽ giảm ít nhất là 2% trong năm nay và sẽ tăng trưởng không quá 1,5% vào năm tới.
IMF tại Washington đã thúc giục chính phủ các nước châu Á tăng các gói kích thích tài chính trong năm tới để thúc đẩy nhu cầu nội địa. Các chính phủ trong khu vực đã cam kết hơn 900 tỷ đô-la, dẫn đầu là Trung Quốc với 585 tỷ đô-la phục vụ trong các dự án cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế và phát hành tiền mặt.
IMF cũng đề nghị các chính phủ và các ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ lãi suất, mua trái phiếu công ty và cung cấp bảo đảm đối với các khoản vay của ngân hàng trong nỗ lực thúc đẩy chi tiêu và đầu tư.
“Nới lỏng tiền tệ và việc chuyển giao các gói tài chính lớn vừa được thông qua sẽ giúp hạn chế tổn thất đối với các nền kinh tế”, IMF nói. “Các chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ cần được duy trì để giúp châu Á ra khỏi cơn suy thoái nhanh chóng hơn”.
Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu các chính phủ châu Á có cách thức nào để duy trì nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các biện pháp bơm tài chính liên tục hay không.
Giáo sư Charles Adam thuộc khoa Chính sách công tại trường Lý Quang Diệu, Singapore nói: “Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện trong một năm khác với một số những chính sách như vậy trong khu vực thì một vài nước đơn thuần sẽ không có khoảng trống tài chính. Ở một số điểm thì các gói kích thích tài chính này chưa phát huy được hết tác dụng”.
IMF cảnh báo nếu các tín dụng công ty và nhu cầu của người tiêu dùng không được tăng lên, thì các công ty châu Á sẽ bị giảm lợi nhuận, tình trạng công nhân mất việc tăng lên, hiện tượng sáp nhập và thôn tính cũng tăng theo.
IMF một lần nữa nhấn mạnh, nhiều nền kinh tế châu Á thịnh vượng trong nhiều thập kỷ nhờ thương mại, có thể sẽ không đạt được mức tăng trưởng như trước khủng hoảng nếu họ không chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang phát triển nhu cầu nội địa. /.
Thu Trang
Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1127
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)