|
Việc cho phép phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước sẽ giúp thu hút ngoại tệ cho nền kinh tế; đồng thời bổ sung cho TTCK thêm một nhóm hàng hoá mới chất lượng cao - Ảnh minh họa |
Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai cho rằng, việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước nên được tiến hành thường xuyên hàng năm. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng được phép phát hành trái phiếu ngoại tệ.
Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước chính là hình thức “vay” ngoại tệ ngay trong nước nhưng không ký các hợp đồng tín dụng ngoại tệ theo phương thức thông thường. Vì vậy, theo ông Lai, trước mắt, đối tượng được phát hành trái phiếu ngoại tệ có thể chỉ là Ngân sách Nhà nước và một số công trình trọng điểm quốc gia có bảo lãnh của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại sẽ được xem xét và cho phát hành vào thời điểm thích hợp.
Về đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu ngoại tệ trong nước, ông Lai cho rằng nên cho phép đơn vị phát hành chọn một trong hai, hoặc đồng thời cả đồng Đô la Mỹ (USD) và đồng tiền chung Châu Âu (EURO) theo một cơ cấu nhất định. Việc chọn ít nhất hai ngoại tệ này là vì Việt Nam cần khai thác triệt để lợi thế đang nằm trong khu vực “điểm đến” của các dòng đầu tư và ngoại tệ từ nước ngoài.
Hơn nữa, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, giá vốn đang rất rẻ và sẽ rẻ hơn nếu chúng ta chủ động tạo ra một cơ chế cạnh tranh vốn ngoại tệ sẵn có ở “sân nhà”. Mặt khác, thị trường nhập thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải hiện cũng đang rất rẻ và Việt Nam rất cần cả hai loại ngoại tệ mạnh nói trên để nhập khẩu cho nền kinh tế.
Ông Lai nhấn mạnh, công tác tổ chức quản lý phát hành trái phiếu nói chung, trái phiếu ngoại tệ trong nước nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì thế, cần phải đảm bảo các nguyên tắc như phát hành được tổ chức thông qua đấu thầu (trong đó đơn vị trúng thầu phải là tổ chức đủ tiêu chuẩn dự thầu, có phương án khả thi, có lộ trình đủ rõ ràng về việc hoàn trả nguyên tệ ghi trên trái phiếu đúng hạn); đối tượng mua trái phiếu cả ở thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp phải là tổ chức, cá nhân cư trú hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; đồng thời cần tính toán một tỷ trọng hợp lý về lượng phát hành và lãi suất trúng thầu.
Ông Lai cũng khuyến cáo, việc tính toán mức lãi suất huy động bằng trái phiếu ngoại tệ trong nước cần lưu ý tới thế mạnh của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, không nên đánh giá quá cao đồng ngoại tệ trong nước, mà nên để thị trường quyết định qua từng đợt phát hành. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần sớm hình thành cơ chế mua đứt bán đoạn thay cho cơ chế tín dụng ngoại tệ. Bởi điều này là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo môi trường lành mạnh cho việc thu hút ngoại tệ vào TTCK thông qua cơ chế huy động trái phiếu ngoại tệ trong nước...
Cùng với việc hình thành môi trường ngoại tệ mới này, các nhà chính sách cũng cần phải tạo cơ chế cho phát triển mạnh thị trường ngoại hối kèm theo việc kiểm soát chặt các hoạt động Đôla hoá, trong đó bao gồm cả việc cho phát triển mạnh các giao dịch phái sinh ngoại hối để các bên tham gia thị trường tự bảo vệ trước những biến động rủi ro về tỷ giá.
Ông Lai nhấn mạnh, trái phiếu ngoại tệ trong nước do có sự bảo lãnh của Chính phủ nên sẽ tạo ra hàng hoá chất lượng cao trên TTCK, góp phần giảm, tiến tới xoá bỏ cơ chế tín dụng ngoại tệ. Trái phiếu này cũng thuộc danh mục chứng khoán nợ được phép làm vật thế chấp vay vốn của ngân hàng thương mại.
Điều này đặc biệt có lợi cho đơn vị xuất khẩu khi có nguồn thu ngoại tệ tạm thời nhàn rỗi có thể đầu tư vào trái phiếu này cho đến khi cần nguyên tệ hay nội tệ đều có thể được đáp ứng nhanh chóng thông qua thị trường chứng khoán sơ cấp và hoặc qua ngân hàng thương mại. Trái phiếu này vì thế cũng là công cụ nhạy bén tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trên lãnh thổ Việt Nam được “chạy tiếp sức” một cách có hiệu quả với TTCK Việt Nam./.
|