|
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: FMM 9 là dịp để thể hiện quyết tâm nâng cao vai trò, vị thế của ASEM, phát huy các thế mạnh của hai châu lục, đưa hợp tác ASEM lên một tầm cao mới, thực chất và sống động hơn - Ảnh: Chinhphu.vn
|
FMM 9 là Hội nghị Ngoại trưởng đầu tiên kể từ khi ASEM được chính thức mở rộng lên 45 thành viên tại Hội nghị Cấp cao ASEM 7 (Bắc Kinh, tháng 10/2008) và là cầu nối giữa hai kỳ Hội nghị Cấp cao với trọng trách thúc đẩy việc triển khai các quyết định của Lãnh đạo Á – Âu tại Hội nghị Cấp cao ASEM 7 hướng tới Hội nghị Cấp cao ASEM 8 (Brussels, Bỉ, 2010). Hội nghị FMM 9 có ý nghĩa quan trọng bởi diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và phức tạp: Khủng hoảng kinh tế - tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các thách thức toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò và thế mạnh của ASEM, kêu gọi các nước thành viên cần có những hành động cụ thể và thiết thực nhằm tăng cường hợp tác và chung tay xây dựng một hệ thống kinh tế - tài chính mới bền vững hơn, góp phần vào những nỗ lực quốc tế để phục hồi kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề toàn cầu; cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác và vị thế quốc tế của mình.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chỉ rõ, FMM 9 cần tập trung vào những nội dung chính sau: (1) tăng cường hợp tác kinh tế và tăng cường vai trò của các thể chế tài chính quốc tế, thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, phát triển bền vững; (2) tăng cường hợp tác ứng phó với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, khủng bố quốc tế, an ninh hàng hải…; (3) thúc đẩy đối thoại chính trị về tình hình thế giới và khu vực; (4) duy trì đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh của hai châu lục thông qua tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đối thoại tín ngưỡng…; và (5) tìm ra biện pháp nâng cao hiệu quả điều phối và khuôn khổ hợp tác trong ASEM.
Hợp tác ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính
|
Bộ trưởng Ngoại giao ASEM thảo luận về hợp tác ứng phó với khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Ngay sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM đã có phiên thảo luận về hợp tác ứng phó với khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Điều phối viên châu Á, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Nam Hong nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiện nay làm xói mòn những động lực thúc đẩy toàn cầu hóa như thị trường mở, chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty đa quốc gia, và sở hữu tư nhân.
“Cuộc khủng hoảng với quy mô như vậy nhấn mạnh nhu cầu định hình lại mô hình quản lý tài chính và bức tranh kinh tế toàn cầu, kể cả cải tổ các thiết chế tài chính quốc tế,” ông Hor Nam Hong nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Campuchia khẳng định tầm quan trọng của việc sớm tái khởi động vòng đàm phán Doha để giảm bớt các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận thị trường, đặc biệt là đối với hàng hóa nông nghiệp và giảm tình trạng bảo hộ nông nghiệp tại các nước đang phát triển. “Trong tình hình này, có một nhu cầu lớn hơn nữa đối với chúng ta là tăng cường các quan hệ kinh tế và thương mại giữa châu Á và châu Âu,” ông Hor Nam Hong nói.
Khởi động Sáng kiến kiểm soát nhanh đại dịch cúm
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của FMM 9 đã diễn ra lễ công bố “Sáng kiến ASEM nhằm nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm” do Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Á - Âu (ASEF) tổ chức.
Tại thời điểm này, sự bùng phát dịch cúm A/H1N1 với tổng số 12.022 trường hợp nhiễm cúm, trong đó có 86 trường hợp tử vong tại 43 quốc gia đang gây ra nỗi lo sợ và nguy cơ về đại dịch bùng phát trên toàn thế giới.
Tại lễ công bố, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone đã bàn giao hộp mẫu thuốc kháng virus và thiết bị bảo vệ cá nhân cho Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm, với sự chứng kiến của Giám đốc điều hành ASEF Dominique Girard và Bộ trưởng Ngoại giao các nước đồng tài trợ sáng kiến này.
Đáp lại ý chí và quyết tâm của các nhà lãnh đạo ASEM tại Hội nghị Thương đỉnh ASEM 7 tại Bắc Kinh năm 2008 nhằm chống lại dịch cúm gia cầm và tất cả các dịch cúm có thể lây sang người, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất một dự án dự trữ 500.000 liều thuốc kháng virus và bộ thiết bị bảo vệ cá nhân tại Singapore, phân phối theo chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới- Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương (WHO-WPRO).
Một phần khác của dự án là thành lập một “Mạng lưới Y tế Công cộng ASEF” làm nền tảng tẳng cường cộng tác trong các vấn đề liên quan tới y tế giữa châu Á và châu Âu. Mạng lưới này sẽ hỗ trợ các đối tác đa phương chống lại các thách thức đối với an ninh y tế toàn cầu và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa những thành viên chính của hai khu vực./.
|