Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/07/2009-15:39:00 PM
Khu Kinh tế Dung Quất – Động lực phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi
Với lợi thế có cảng biển nước sâu, trong tương lai trở thành khu lọc hóa dầu lớn của cả nước và nhiều dự án có qui mô lớn, Khu kinh tế Dung Quất trở thành động lực phát triển công nghiệp không chỉ ở Quảng Ngãi mà cả miền Trung - Tây Nguyên.
Trước đây, khu đông Bình Sơn là vùng đất cát khô cằn. Vậy mà sau gần 20 năm kể từ khi Quảng Ngãi tái lập tỉnh, khu đông Bình Sơn bây giờ trở thành một khu công nghiệp có tầm vóc lớn trong cả nước và là khu lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam. Khu kinh tế Dung Quất trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước, là động lực phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi nói riêng, của miền Trung nói chung.
Kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu công nghiệp Dung Quất, nay là Khu kinh tế Dung Quất, nhiều người tỏ ý hoài nghi tính khả thi để khu công nghiệp này phát triển, nhất là sự trục trặc khi triển khai dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đã có nhiều nhà đầu tư đến rồi đi. Có người còn cho rằng việc đầu tư xây dựng Khu kinh tế Dung Quất và việc triển khai Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ là giấc mơ. Nhưng cho đến khi dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất khởi động trở lại cũng là lúc hàng loạt các dự án có qui mô lớn được đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất. Dung Quất trở thành đại công trình. Lúc bấy giờ giấc mơ đã trở thành hiện thực.
Nhắc đến Dung Quất là người ta biết ngay đến dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Có người còn ví von Nhà máy lọc dầu Dung Quất là “trái tim” của Khu kinh tế Dung Quất. Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Bên cạnh cảng xuất sản phẩm còn có một con đê chắn sóng vươn ra biển dài 1,6km, cao đến 10m làm nhiệm vụ che chắn sóng cho tàu ra vào bến an toàn.
Để xây dựng công trình đồ sộ này, các nhà thầu đã phải sử dụng 100.000 tấn vật tư, thiết bị; hơn 5 triệu mét đường dây điện và khối lượng sắt thép đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel ở Paris. Với những nỗ lực của nhà thầu và Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngày 22/2 vừa qua Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cho ra sản phẩm đầu tiên. Đây là niềm tự hào và là mốc son mới của ngành dầu khí Việt Nam. Dự kiến vào ngày 25/10 tới, Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức được bàn giao cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn.
Một số chuyên gia Tập đoàn Doosan của Hàn Quốc cho biết, Tập đoàn đã đi khảo sát 5 quốc gia nhưng cuối cùng chọn Dung Quất để đặt nhà máy công nghiệp nặng. Điều đó để đủ nói lên sức hấp dẫn mới của Dung Quất. Hiện nay, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chính thức đưa vào sử dụng. Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan Vina có tổng diện tích 110ha với vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Tổ hợp công nghiệp nặng này chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng như lò hơi cho nhà máy nhiệt điện, lò hơi thu hồi nhiệt, cần trục quay, thiết bị xử lý hóa chất, rô-bốt, tua-bin nhà máy phát điện nhà máy khử nước mặn và các bộ phận của nhà máy phát điện. Hiện đây là dự án nước ngoài đầu tư có quy mô lớn nhất về công nghiệp nặng tại Việt Nam.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - "Trái tim" của Khu Kinh tế Dung Quất

Hiện nay, Doosan Vina đã thu hút khoảng 3.000 lao động, trong đó chủ yếu sử dụng nguồn lao động tại địa phương Quảng Ngãi. Với những đơn hàng đã ký với khách hàng, trong năm 2009, Doosan Vina phấn đấu sản xuất đạt giá trị 200 triệu USD.
Những ngày này, đội ngũ kỹ sư, công nhân Nhà máy đóng tàu Dung Quất gấp rút hạ thủy chiếc tàu 104.000 tấn vào đầu tháng 7 này. Ngoài ra, nhà máy cũng đã tiến hành đóng mới chiếc tàu 53.000 tấn, 1 xà lan đa năng 18.000 tấn, 1 tàu kéo 24.000 mã lực; đặc biệt là tàu 105.000 tấn. Tuy bước đầu thành lập nhà máy gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nạn lạm phát nhưng lãnh đạo Tổng công ty cũng đã nỗ lực ký được các hợp đồng nguyên tắc đóng mới Seri 9 chiếc tàu chở dầu cho Isarel. Số lượng hợp đồng đã ký kết đủ để Nhà máy thực hiện đến năm 2012. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo Tổng công ty trong việc đưa Nhà máy đóng tàu Dung Quất trở thành Trung tâm đóng tàu lớn nhất khu vực Miền Trung và khẳng định được vị thế của mình trong sân chơi quốc tế. Đây cũng là niềm tự hào của đội ngũ kỹ sư, công nhân ở một nhà máy đóng tàu non trẻ này.
Có thể nói, việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan đúng tiến độ cũng như đẩy nhanh việc hoàn thành đóng mới chiếc tàu 104.000 tấn đã tạo ra một diện mạo mới ở Khu kinh tế Dung Quất. Ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù chịu nhiều tác động do lạm phát, suy giảm kinh tế thế giới nhưng tình hình thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất vẫn đạt được nhiều khả quan. Đến nay, Khu Kinh tế Dung Quất có 156 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, trong đó có 44 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, 33 dự án đang triển khai xây dựng. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, Ban quản lý đã cấp phép đầu tư bốn dự án tổng vốn đăng ký 620 tỷ đồng và hai dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 28,5 triệu USD.
Theo ông Lê Quang Thích, Dung Quất sẽ phát triển trên hai mũi nhọn về công nghiệp nặng và đô thị công nghiệp để đến năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 2.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Sau Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hàng loạt dự án lớn đã và đang được triển khai đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất đã góp phần đem lại nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Nếu như trước đây thu ngân sách của tỉnh mỗi năm chỉ từ 600 đến 900 tỉ đồng thì đến năm 2008 đã đạt hơn 1.600 tỉ đồng và dự kiến năm 2009 sẽ là khoảng 2.200 tỉ đồng, trong đó riêng từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 950 tỉ đồng. Đó thực sự là những con số rất ý nghĩa mà Khu kinh tế Dung Quất đã và đang mang lại cho tỉnh. Ông Lê Quang Thích cũng cho biết, tỉnh Quảng Ngãi sẽ làm mọi nỗ lực đển đưa Khu kinh tế trở thành khu lọc hóa dầu của cả nước và là động lực phát triển công nghiệp của miền Trung./.
Anh Vinh
VOV

    Tổng số lượt xem: 2176
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)