Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, và các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2009 thành phố Đà Nẵng
I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm
Bước vào triển khai thực hiện kế hoạch năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự suy thoái ngày càng sâu của kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến thị trường hàng hoá xuất khẩu, thị trường vốn và hoạt động du lịch của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ở trong nước, tình hình suy giảm sản xuất công nghiệp, xây dựng cuối năm 2008 kéo dài sang những tháng đầu năm 2009 đã làm trầm trọng thêm những khó khăn về phát triển kinh tế của cả nước.
Trước tình hình đó, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cán bộ, nhân dân thành phố chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước đi đôi với tăng cao tỷ trọng vốn thực hiện, thúc đẩy đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ…và đã đạt được những kết quả nhất định:
(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP, giá SS 94) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,1% so với cùng kỳ 2008 (NQ: cả năm tăng 11,5-12%);
(2) GTSX công nghiệp - xây dựng ước đạt 6.415,8 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch, tăng 0,7% (NQ: cả năm tăng 14,5-15%); trong đó: công nghiệp tăng 0,5%; xây dựng tăng 1,6%;
(3) GTSX thủy sản - nông - lâm ước đạt 400 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch, tăng 4,7% (NQ: cả năm tăng 4-4,5%);
(4) GTSX dịch vụ ước đạt 3.730,7 tỷ đồng, đạt 45,5% kế hoạch, tăng 9% (NQ: cả năm tăng 13,5-14%);
(5) Kim ngạch xuất khẩu HH&DV ước đạt 362,7 triệu USD, đạt 33,3% kế hoạch, giảm 5,8%; trong đó: xuất khẩu hàng hóa giảm 16,9% (NQ: kim ngạch xuất khẩu HH&DV cả năm tăng 20-21%; trong đó: xuất khẩu hàng hóa tăng 17-17,5%);
(6) Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.351,15 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán HĐND giao; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 2.676,58 tỷ đồng, đạt 46,1% dự toán;
(7) Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 5.350 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch, tăng 7,7% (NQ: cả năm tăng 9-10%);
(8) Giải quyết việc làm cho 12.570 lao động, đạt 35,9% kế hoạch, giảm 16,6% (NQ: cả năm giải quyết việc làm cho 3,5 vạn lao động);
(9) Số hộ thoát nghèo (chuẩn mới TP) ước 2.711 hộ, đạt 36,4% kế hoạch năm (NQ: 7.600 hộ thoát nghèo);
(10) Gọi công dân nhập ngũ đạt 600 người, đạt 100% chỉ tiêu đợt 1.
Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực như sau:
1. Về kinh tế.
1.1. Một số biện pháp tích cực để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế của thành phố.
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09/01/2009 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 của Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 20/01/2009 về một số giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu đầu tư, cụ thể:
Thành phố đã làm việc với trên 50 doanh nghiệp lớn thuộc các ngành hàng chế biến thuỷ sản, dệt may, giày da, sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn về tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp cận các chủ trương của Chính phủ như: hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm, giãn, điều chỉnh thuế suất và kéo dài thời gian nộp thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay từ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các Ngân hàng Thương mại, Quỹ đầu tư phát triển thành phố.
Phối hợp với các bộ, ngành trung ương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại để giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn để sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ước đạt 6.621 tỷ đồng với số tiền lãi đã hỗ trợ là 28,6 tỷ đồng; cho vay trung, dài hạn để đầu tư mới theo Quyết định số 443/QĐ-TTg ước đạt 319,3 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ đạt 2,5 tỷ đồng và cho vay mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ước đạt 95 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đà Nẵng đã cho vay 2,7 tỷ đồng hỗ trợ sau đầu tư đối với 10 dự án chuyển tiếp; cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu đối với 12 hợp đồng tín dụng, dư nợ bình quân đạt 94,6 tỷ đồng; chấp thuận bảo lãnh cho 05 hồ sơ, trị giá 9,1 tỷ đồng và đang thẩm định 09 hồ sơ của các doanh nghiệp vay vốn của các Ngân hàng thương mại..Các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại giải ngân cho vay theo cơ chế bù lãi suất ước đạt trên 7.500 tỷ đồng, trong đó: vay ngắn hạn 6.621 tỷ đồng; trung hạn: 319,3 tỷ đồng và vay mua vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng 220 tỷ đồng. Thành phố cũng chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp vay từ Quỹ với mức lãi suất 2%/năm.
Cùng với chỉ đạo tạm hoãn thu hồi các khoản vốn đầu tư đã ứng trước kế hoạch 2009 của Chính phủ, thành phố đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư tiếp tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu năm 2008, đồng thời với triển khai sớm và đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn năm 2009, kể cả nguồn tạm ứng vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm. Chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để tranh thủ nguồn vốn cho các công trình: Cầu Thuận Phước 150 tỷ đồng, Đường Đà Nẵng - Hội An (Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa) 70 tỷ đồng, Bệnh viện Đa khoa 600 giường 80 tỷ đồng; Nhà thi đấu TDTT thành phố và Cầu mới Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hỗ trợ. Công tác giao kế hoạch kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách v.v.. được triển khai và thực hiện sớm, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương chủ động triển khai ngay từ đầu năm.
Chỉ đạo thực hiện chính sách đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, các đối tượng thu nhập thấp theo chủ trương của Chính phủ, thành phố đã triển khai, khởi công xây dựng 1.000 căn hộ thuộc Chương trình 7.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp. Triển khai chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, thành phố đã chỉ đạo rà soát, nắm tình hình lao động việc làm trong các doanh nghiệp; tăng cường các phiên chợ việc làm, đưa tin giới thiệu việc làm trên website, các phương tiện thông tin và đẩy mạnh cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm... Hầu hết lao động bị mất việc đã được chi trả đầy đủ các khoản lương, trợ cấp mất việc, được thanh toán sổ bảo hiểm xã hội đến ngày nghỉ việc và phần lớn đã tìm được việc làm mới. Trong 6 tháng đã giải ngân cho vay 6,9 tỷ đồng đối với 296 dự án, thu hút 685 lao động.
1.2. Sản xuất công nghiệp, thủy sản - nông - lâm.
Giá trị sản xuất công nghiệp6 tháng đầu năm ước đạt 5.106,3 tỷ đồng, đạt 39,1% kế hoạch năm, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2008 (quý I giảm 13,8%). Trong đó: công nghiệp trung ương tăng 3,2%; công nghiệp địa phương giảm 3,1% (công nghiệp dân doanh tăng 1,2%); công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,1%.
Thành phố đã tích cực chỉ đạo sản xuất - kinh doanh, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, cùng với nỗ lực phát triển của các thành phần kinh tế nên giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quý II có xu hướng tăng so với quý I và đang có dấu hiệu phục hồi. Một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh, tổ chức được thị trường ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng (GTSX tăng 17% so với cùng kỳ 2008), Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (+40%)… Một số doanh nghiệp đang triển khai mở rộng qui mô sản xuất trở lại như: Công ty Đồ chơi trẻ em Associated, Công ty Daiwa, Công ty Mabuchi Motor (giai đoạn 2); doanh nghiệp ngành thép mới đầu tư, bắt đầu thúc đẩy sản xuất như: Công ty CP Thép Đà Nẵng - Ý, Công ty CP Xuân Hưng. Một số ngành hàng đã có tăng trưởng như: sản xuất thực phẩm ước tăng 5%; thiết bị điện 4%.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi và tăng tưởng còn chậm. Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất tuy đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất song năng lực sản xuất hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và giá nguyên nhiên vật liệu biến động, nguồn nguyên liệu khai thác khó khăn... nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn. Một số doanh nghiệp tuy đã nỗ lực tổ chức lại thị trường, sản xuất song vẫn chưa ký được hợp đồng tiêu thụ dài hạn và đã làm ảnh hưởng đến giá trị sản xuất một số ngành hàng.
Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm6 tháng ước đạt 400 tỷ đồng, bằng 62,5% kế hoạch năm, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2008, trong đó: thủy sản tăng 5%; nông nghiệp tăng 4,7% và lâm nghiệp bằng 100% so với cùng kỳ 2008.
Tình hình thời tiết thuận lợi, các nghề khai thác vùng khơi và khai thác ven bờ đều đạt sản lượng, hiệu quả khá. Sản lượng thuỷ sản khai thác 6 tháng ước đạt 21.600 tấn, bằng 56,2% kế hoạch năm.
Diện tích lúa vụ Đông xuân gieo sạ đạt 4.004 ha, đạt 52% kế hoạch năm. Công tác chỉ đạo thực hiện lịch thời vụ, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Năng suất lúa bình quân ước đạt 59 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với vụ Đông xuân năm trước, sản lượng ước đạt 23.623,6 tấn, đạt 56% kế hoạch năm, tăng 12,7%. Các loại rau màu phát triển bình thường, một số loại cây trồng có triển vọng như: dưa hấu, hoa cúc được mở rộng sản xuất. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát, công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ được tăng cường, không để xảy ra dịch bệnh. Các trạm kiểm dịch động vật đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, không cho nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ vùng có dịch vào thành phố.
Tăng cường các phương án quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Trong 6 tháng chỉ xảy ra 02 vụ phát lửa và đã được dập tắt kịp thời. Kiểm soát chặt chẽ, tình hình vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép tại các địa bàn trọng điểm. Các ngành chức năng đã tổ chức 153 lượt kiểm tra chống chặt phá rừng, lập biên bản 08 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và 79 vụ cất dấu, vận chuyển, mua bán lâm sản và nuôi nhốt, kinh doanh động vật hoang dã trái phép, phá huỷ 57 lán trại, 36 bẫy động vật, tạm giữ 27 xe ô tô và 323 m3 gỗ các loại.
1.3. Các hoạt động dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ HH&DV 6 tháng ước đạt 9.586,6 tỷ đồng, đạt 44,5% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2008. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 1,48% so với tháng 12/2008 và tăng 5,73% so với cùng kỳ 2008. Một số nhóm hàng tăng khá cao là: thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 13,1%; thuốc, dịch vụ y tế (+10,1%); may mặc (+8,2%); thực phẩm (+6,5); riêng nhà ở, điện nước, chất đốt, VLXD giảm 4,9% và giao thông, bưu chính viễn thông giảm 7,4%.
Thành phố đã tổ chức Hội chợ Xuân 2009, Hội chợ triễn làm quốc tế Vietbuild 2009, Hội chợ triển lãm các làng nghề Việt Nam v.v... nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Triển khai chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các đợt hạ giá để kích thích tiêu dùng nội địa và chỉ đạo tổ chức tốt việc bán thịt heo bình ổn thị trường Tết Kỷ Sửu. Phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm sự quản lý của nhà nước và có kế hoạch hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức dự trữ, đảm bảo tiêu dùng trong các dịp lễ, tết và cứu trợ trong mùa mưa bão.
Chỉ đạo cơ quan Quản lý thị trường thường xuyên theo dõi tình hình giá cả đối với các mặt hàng: điện, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt; tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ, liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường, giá cả... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh và ổn định tâm lý tiêu dùng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ6 tháng ước đạt 362,7 triệu USD, đạt 33,3% kế hoạch năm, giảm 5,8% so với cùng kỳ 2008, trong đó: xuất khẩu hàng hóa ước đạt 215,7 triệu USD, giảm 16,9%; xuất khẩu dịch vụ ước đạt 147 triệu USD, tăng 17%. Cùng với dấu hiệu phục hồi của các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mặc dù giảm so với cùng kỳ 2008 song tốc độ giảm đã chậm lại. Một số doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường, ổn định đơn hàng và tăng trưởng; đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng mới và đạt kim ngạch, tốc độ tăng trưởng khá như: hạt tiêu, sắn lát, gạo xuất đạt 25,4 triệu USD (2008: 0,9 triệu USD); thiết bị điện, sản phẩm điện tử đạt 30,1 triệu USD, tăng 41,8%
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký kết của các doanh nghiệp còn ít, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm như: cà phê (-58,7%), đồ chơi trẻ em (-39%), thủy sản (-28,5%), dệt may (-27,3%)... Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và giá cả đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 243,3 triệu USD, đạt 36,6% kế hoạch năm, giảm 18,1% so với cùng kỳ 2008, trong đó các doanh nghiệp địa phương nhập khẩu ước đạt 137,2 triệu USD, giảm 17,7%.
Các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Thành phố đã chỉ đạo tổ chức nhiều sự kiện lớn nhằm kích cầu dịch vụ du lịch, như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, khánh thành cáp treo Bà Nà với 2 kỷ lục thế giới và các hoạt động du lịch hè 2009... Trong đó, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế từng bước trở thành sự kiện, thương hiệu về văn hóa - du lịch, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút hơn 60.000 lượt khách đến với thành phố, tăng 20% so với năm 2008. Sự kiện này đã góp phần quảng bá, nâng cao vị thế và tạo đà cho phát triển du lịch, dịch vụ của thành phố và các tỉnh lân cận. Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch 6 tháng ước đạt 603,2 ngàn lượt người, đạt 39,4% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ 2008. Doanh thu du lịch ước đạt 345,3 tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch, tăng 13,9%.
Cơ sở hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư, đưa vào sử dụng như: hệ thống cấp nước Khu du lịch bán đảo Sơn Trà (giai đoạn 1), khu tắm nước ngọt bãi tắm Phạm Văn Đồng và triển khai khu tắm nước ngọt bãi tắm Sao Biển. Cải tạo, nâng cấp tuyến đường lên các khu du lịch và các điểm dừng trong tuyến du lịch khám phá bán đảo Sơn Trà… Rà soát, đôn đốc và hỗ trợ giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn.
Các đơn vị lữ hành cũng triển khai nhiều biện pháp phát triển du lịch như: liên kết giảm giá tour, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá. Tập trung khai thác, xúc tiến thị trường nội địa, các thị trường gần (Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…). Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng tour du lịch sinh thái khám phá Sơn Trà... Ngành chức năng đã phối hợp chỉ đạo về việc bình ổn giá dịch vụ lưu trú, ăn uống, giữ xe, phục vụ tốt Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế và thành lập đoàn kiểm tra, xử lý các vi phạm. Phối hợp tổ chức roadshow quảng bá về Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Cáp treo Bà Nà và tour du lịch sinh thái khám phá Sơn Trà tại TP Hồ Chí Minh, thu hút nhiều đơn vị và du khách đăng ký tham gia; tham gia Hội chợ TRAVEX (trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN 2009) tại Hà Nội. Tổ chức hội thảo xúc tiến đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản. Triển khai xúc tiến đường bay Hồng Kông - Đà Nẵng và đón đoàn Farmtrip Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông đến khảo sát, xúc tiến hợp tác khai thác nguồn khách du lịch.
Hoạt động vận tảiđápứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn. Ngành chức năng đã chỉ đạo tổng kiểm tra chất lượng phương tiện vận tải công cộng, rà soát các điểm đậu taxi; tăng cường giám sát, điều hành, duy trì trật tự vận tải và kịp thời điều động phương tiện nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2009. Khối lượng luân chuyển hành khách 6 tháng ước đạt 366 triệukhách.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2008; luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.190 triệutấn.km, tăng 3,8%. Sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng ước đạt 1,4 triệu tấn, tăng 9,8%. Doanh thu vận tải ước đạt 915 tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2008.
Hoạt động bưu chính viễn thông phát triển khá. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 79 nhà cung cấp dịch vụ bưu chính, bán kính phục vụ bình quân của các bưu cục đạt 0,83 km/01 bưu cục. Cùng với sự phát triển của các dịch vụ cố định không dây, các mạng điện thoại di động liên tục mở các đợt giảm giá, khuyến mãi, góp phần kích cầu tiêu dùng trên thị trường viễn thông. Số thuê bao cố định phát triển mới trong 6 tháng ước đạt 13 ngàn thuê bao, đạt 130% kế hoạch năm; mật độ điện thoại cố định và di động đạt 328,6 máy/100 dân, tăng 43,2 máy so với cuối năm 2008, trong đó mật độ điện thoại cố định đạt 28,5 máy/100 dân, tăng 1,7 máy/100 dân; số thuê bao internet quy đổi ước đạt 95 ngàn thuê bao, tăng 2 ngàn thuê bao.
Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng nguồn vốn huy dodọng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước thực hiện là 23.900 tỷ đồng, tăng 18,01% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước thực hiện 31.000 tỷ đồng, tăng 14,84% so với đầu năm. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều sản phẩm phong phú, linh hoạt trên cơ sở lãi suất thỏa thuận, thủ tục vay thuận lợi như: cho vay mua, sửa chữa nhà, mua xe, đồ gia dụng... góp phần giúp tăng cầu trong xã hội.
2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động đối ngoại.
Trong 6 tháng, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 1.200 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất chiếm 14,9% tổng vốn đăng ký. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 10,9 ngàn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt 27,4 ngàn tỷ đồng, tăng 16,8% về số doanh nghiệp và 31,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2008. Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả việc đăng ký kinh doanh trực tuyến và thực hiện mô hình một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, khắc dấu, triển khai áp dụng một mã số cho đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, tạo môi trường thông thoáng, thuận tiện cho các nhà đầu tư trong việc thành lập, khởi sự doanh nghiệp. Các ngành chức năng đã phối hợp triển khai công tác hậu kiểm và thống nhất về số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, tạo điều kiện thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước sau đăng ký kinh doanh.
Thành phố đã cấp phép mới cho 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 149,65 triệu USD. Lũy kế đến nay, thành phố có 157 dự án, tổng vốn đầu tư 2,6 tỷUSD. Trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,04 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư với 95 dự án đã đi vào hoạt động, chiếm 60,5% dự án được cấp phép. Doanh thu 6 tháng ước đạt 98 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2008; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 65 triệu USD. Thành phố tiếp tục nắm bắt, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và triển khai dự án. Tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư Khu Công nghiệp Công nghệ cao Đà Nẵng để giới thiệu với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều dự án đầu tư lớn của các khu vực kinh tế được đưa vào hoạt động trong 6 tháng, đặc biệt là các dự án du lịch, góp phần phát triển thị trường dịch vụ, đáp ứng yêu cầu lưu trú của du khách và phục vụ các sự kiện lớn như: Dự án Khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa, Khu du lịch Xuân Thiều, Tiên Sa và Cáp treo Bà Nà...
Hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ chính thức (ODA) đạt kết quả khá. Đến nay, thành phố có 12 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý, tổng vốn đầu tư 310,43 triệu USD. . Trong 6 tháng, các dự án giải ngân ước đạt 37,95 tỷ đồng, đạt 9,9% kế hoạch năm, trong đó Dự án Hỗ trợ quản lý (Chính phủ Hà Lan tài trợ) giải ngân đạt 41,4% kế hoạch và Dự án Trung tâm Đào tạo Anh ngữ Ấn Độ đạt 54,1% kế hoạch. Dự án Đầu tư cơ sở Hạ tầng ưu tiên đã triển khai xây dựng các khu tái định cư tại các phường Thanh Khê Tây, Hòa Minh, Hòa Quý, nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 và thoát nước cấp 1, 2 các khu thu nhập thấp. Vận động viện trợ phi chính phủ (NGO) cho 48 chương trình, dự án, tổng kinh phí đạt 52,5 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm.
Hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại được chú trọng. Trong 6 tháng, lãnh đạo thành phố đã tiếp, làm việc với 34 đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc, tìm cơ hội đầu tư và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác. Văn phòng đại diện của thành phố tại Nhật Bản đã hướng dẫn, hỗ trợ 36 đoàn khách Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường đầu tư (tăng 06 đoàn so với cùng kỳ 2008). Thành phố đã tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2009 và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại phục vụ Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009.
3. Quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch, đô thị và tài nguyên môi trường.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố 6 tháng ước đạt 5.350 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2008, trong đó: nguồn ngân sách địa phương ước đạt 1.667,4 tỷ đồng..
Trong 6 tháng đã hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình: Đường ĐT 602 đoạn từ đường tránh hầm Hải Vân lên ngã ba vào suối Mơ, Đường Ông Ích Đường (giai đoạn 2), Đường Chu Văn An, Nhà biểu diễn Đa Năng, Bảo tàng lịch sử, Thành Điện Hải, Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, Bệnh viện Phụ nữ, Công viên Sao Biển, Nhà Văn hóa Lao động thành phố, Khối ký túc xá Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Trãi (giai đoạn 2), Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp quận Hải Châu, Trung tâm Hành chính huyện Hoà Vang, Chung cư Nại Hiên Đông, Chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông và hoàn thành đầu tư trang thiết bị, cải tạo nâng cấp giai đoạn 1 các trung tâm y tế quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Thanh Khê từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt công trình Cầu Thuận Phước đã được thông xe kỹ thuật nhân dịp giải phóng thành phố 29/3.
Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như: Đường Nguyễn Văn Linh nối dài, Đường Đà Nẵng - Hội An (đoạn Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa), Trường THPT Trần Phú, Trung tâm Hành chính thành phố. Một số công trình mới được khởi công như: Bệnh viện Ung thư, Trường THPT Ngô Quyền, Thái Phiên, Thanh Khê, Chung cư Nam Cầu Trần Thị Lý, Chung cư An Cư 5 (chung cư thu nhập thấp), Khu C - Khu dân cư Nam Cầu Cẩm Lệ (giai đoạn 2), Khu dân cư Nam sân bay (giai đoạn 2), Khu dân cư số 1 đường ĐT 605 (giai đoạn 2), Nghĩa trang Hoà Sơn (giai đoạn 3). Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các công trình: Cầu mới Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, Cầu Rồng, Nhà thi đấu thể thao thành phố, Trụ sở cơ quan Thành đoàn, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi thành phố, Kè bờ tả và kè chắn sóng tại cửa sông Cu Đê và Nâng cấp đê kè đoạn Nam cầu Tuyên Sơn - Hòa Hải.
Thành phố đã ban hành Quyết định số 3264/QĐ-UBND bổ sung kế hoạch vốn xây dựng có bản năm 2009 cho một số công trình trọng điểm, công trình bức xúc, các khu tái định cư từ nguồn dự phòng xây dựng cơ bản. Đồng thời rà soát tình hình thực hiện vốn xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm và điều chỉnh dừng, giãn tiến độ một số dự án không triển khai đúng tiến độ do vướng đền bù giải tỏa, thay đổi, điều chỉnh thiết kế, quy hoạch, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để bổ sung, tập trung cho các công trình trọng điểm, công trình đã hoàn thành thủ tục quyết toán.
Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục giải ngân 3,95 tỷ đồng nguồn vốn các chương trình năm 2008, đạt 60% tổng vốn được giải ngân đến hết tháng 6/2009. Số chưa giải ngân chủ yếu là các công trình đã hoàn thành chờ phê duyệt quyết toán, số vốn còn sau quyết toán đã đề nghị điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2009. Đồng thời, đã thúc đẩy giải ngân 17,3 tỷ đồng, đạt 36,4% kế hoạch vốn năm 2009. Một số chương trình giải ngân đạt khá như: Chương trình Xóa đói giảm nghèo (62,9%), Vệ sinh an toàn thực phẩm (59,4%), Thanh toán một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS (53,1%), và Chương trình Phòng chống tội phạm, Phòng chống ma tuý (trên 60%).
Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế dự toán, thanh kiểm tra, quản lý chất lượng công trình được quan tâm và thực hiện tốt các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng. Trong 6 tháng, thành phố đã phê duyệt 70 dự án với tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng, trong đó có các dự án lớn như Nhà Thi đấu thể dục thể thao thành phố phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc 2010, Cầu mới Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý…; phê duyệt hơn 60 hồ sơ đấu thầu trị giá 2.920 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đã chủ động chỉ đạo các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách trên cơ sở đảm bảo năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu, đáp ứng đúng tiến độ cấp thiết của dự án. Các gói thầu còn lại được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định.
Thành phố đã phê duyệt 123 đồ án quy hoạch, ưu tiên các đồ án liên quan đến tái định cư và các dự án kêu gọi đầu tư. Triển khai các bước điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Tổ chức thiết kế đô thị tại một số tuyến đường theo Nghị định số 29/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị như: Nguyễn Văn Linh nối dài, tuyến ven sông Hàn (Đống Đa - Thuận Phước), Trục đường 2 khu Tây -Bắc v.v.. và rà soát bổ sung lộ giới các tuyến đường. Thường xuyên kiểm tra sau cấp phép xây dựng, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Trong 6 tháng đã tổ chức kiểm tra 181 trường hợp, xử lý 15 trường hợp xây dựng không phép, sai phép, xử phạt hành chính 07 trường hợp.
Triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư về môi trường theo đề án. Chỉ đạo tập trung xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng. Tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thi công, cải tạo, hoàn thành đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải tại 6/6 cơ sở bị đình chỉ hoạt động tại KCN Thủy sản Thọ Quang và hoàn thành đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 (250m3/ngày đêm) tại KCN Đà Nẵng. Tổ chức kiểm tra các khu vực, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của cử tri trong kỳ họp hứ 12 HĐND thành phố tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi, Kho xăng dầu Nước Mặn, Cảng hàng không miền Trung, Kho xăng dầu PETEC... và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn xả thải.
4. Thu chi ngân sách.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước thực hiện 3.351,15 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán HĐND giao, trong đó: thu thuế xuất nhập khẩu 1.080 tỷ đồng, đạt 51,43% so với dự toán;thu nội địa 2.120 tỷ đồng, đạt 46,5% dự toán (thu từ thuế, phí ước đạt 1.389,5 tỷ đồng, đạt 53,7% dự toán và thu tiền sử dụng đất ước đạt 640,5 tỷ đồng, đạt 35,6 % dự toán). Các cơ quan thu đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tiến độ nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên ở một số lĩnh vực tiến độ thu còn chậm như: thu từ các doanh nghiệp trung ương (44,6%), thu lệ phí trước bạ (43,2%), thu cấp quyền sử dụng đất (35,6%).... Tính cả số tạm thu từ ngân sách trung ương tạm ứng là 193,9 tỷ đồng để thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ thì tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 3.783,3 tỷ đồng.
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 2.676,6 tỷ đồng,đạt 46,1% dự toán HĐND giao, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.667,4 tỷ đồng (chi xây dựng cơ bản theo dự toán năm 2009 ước thực hiện 1.208 tỷ đồng, trong đó tạm ứng bằng lệnh chi 368,04 tỷ đồng); chi thường xuyên 859,1 tỷ đồng. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ theo dự toán giao như: giải quyết kịp thời vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, các khu tái định cư, chung cư và đền bù giả toả, giải phóng mặt bằng; thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, trợ cấp Tết Nguyên đán cho các đối tượng; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của thành phố và thực hiện chính sách lương mới theo quy định của Chính phủ.
5. Các lĩnh vực xã hội: Khoa học - công nghệ, Văn hoá - thể thao, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Lao động - thương binh - xã hội, chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”…
Về khoa học và công nghệ: Ngành chức năng đã tổ chức nghiệm thu, xét duyệt các đề tài, dự án nghiên cứu. Tiếp tục triển khai các chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ như: nhân giống Lan, nuôi cấy mô trong ống nghiệm và ra cây con ngoài vườn ươm; hỗ trợ tư vấn tiết kiệm năng lượng cho Công ty Sách thiết bị trường học, Công ty Dệt Sơn Trà, Công ty TNHH Á Châu...
Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng. Trong 6 tháng, ngành chức năng đã hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 48 cá nhân, tổ chức; tiếp nhận 17 sản phẩm công bố chất lượng của 12 cơ sở; kiểm định 3.854 phương tiện và hiệu chuẩn 298 phương tiện đo. Hoàn thành niêm phong kiểm định 446/446 cột bơm xăng dầu của 86 cửa hàng xăng dầu; kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện 03 nhãn hiệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật. Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở. Hướng dẫn 04 doanh nghiệp, đơn vị hành chính nhà nước áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2000.
Về văn hóa - thể thao: Ngành chức năng đã tập trung hướng dẫn, quản lý thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ lớn và các nhiệm vụ chính trị của thành phố với nhiều hình thức, trong đó một phần kinh phí thực hiện bằng phương thức xã hội hoá.
Chỉ đạo tổ chức thành công các Lễ hội Quán Thế Âm, Đình Làng Hải Châu, đảm bảo an toàn, trật tự, đúng quy chế tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phát huy giá trị văn hoá lịch sử của thành phố và thu hút đông đảo nhân dân, du khách. Hoàn thành trùng tu, tôn tạo các di tích: Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, thành Điện Hải... Các hoạt động văn hoá nghệ thuật có nhiều đổi mới về hình thức, chất lượng; tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Quốc Tế thiếu nhi 1/6 và các hoạt động nhân Tháng hành động Vì trẻ em 2009.
Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa thông tin, ngành chức năng đã phối hợp tổ chức 225 lượt thanh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa và tại các lễ hội, tụ điểm vui chơi.
Số người tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên trên địa bàn thành phố ước đạt 21,5% dân số. Các địa phương đã tổ chức tốt Đại hội TDTT các cấp để tiến tới Đại hội TDTT thành phố lần thứ VI-2009 (49/56 xã phường và 4/7 quận, huyện). Các hoạt động thể thao thành tích cao đạt 01 HCV, 02 HCB, 01 HCĐ tại 7 giải quốc tế và 54 HCV, 48 HCB và 50 HCĐ tại 24 giải trong nước. Đội bóng đá SHB Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất lượt đi giải V-LEAGUE 2009. Tiếp tục triển khai các công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao TP Đà Nẵng lần thứ VI và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI-2010.
Về giáo dục - đào tạo: Tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Hai không - Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2009. Kết quả học sinh giỏi năm 2009 thành phố có 65 em đạt giải Học sinh giỏi quốc gia lớp 12, đạt 95,6% số em tham gia dự thi, trong đó có 05 giải Nhất, 22 giải Nhì; xếp thứ nhì toàn đoàn Kỳ thi Olympic 30/4 với 77 huy chương (32 Huy chương Vàng), đặc biệt em Đinh Hưng Tư (Trường chuyên Lê Quý Đôn) đoạt Huy chương Đồng Kỳ thi Vật lý Châu Á (Đoàn Việt Nam đoạt 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 4 giải Khuyến khích).
Về y tế: Tiếp tục thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tăng cường công tác phòng chống, giám sát dịch tễ, không để bùng phát các dịch bệnh: tiêu chảy cấp, các bệnh dịch mùa hè, đặc biệt là dịch cúm A(H1N1). Tăng cường xử lý môi trường và kiểm dịch y tế biên giới tại các đầu mối giao thông (nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng) để ngăn chặn dịch xâm nhập, bùng phát. Triển khai tháng hành động vì chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm và chiến dịch truyền thông Dân số lồng ghép thực hiện dịch vụ kế hoạch hoá gia đình năm 2009 tại các phường, xã.
Về Lao động - thương binh - xã hội: Các thành phần kinh tế trên địa bàn đã tạo việc làm mới cho 12.570 lao động, đạt 35,9% kế hoạch năm, giảm 16,6% so với cùng kỳ 2008. Thành phố đã ban hành Quyết định số 12/2009/QĐ-UBND về qui chế quản lý, sử dụng vốn uỷ thác để cho vay giải quyết việc làm đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả. Hỗ trợ 54 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với 02 doanh nghiệp tiếp nhận 90 lao động. Các cơ sở đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 13.700 học sinh, đạt 42,8% kế hoạch năm, giảm 13,5% so với cùng kỳ 2008.
Thực hiện chính sách Người có công, thành phố đã đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 09 trường hợp và tặng thưởng Huân chương độc lập cho 77 gia đình có nhiều liệt sĩ. Giải quyết 1 tỷ đồng cho 524 trường hợp theo Quyết định số 290/QĐ-TTg và Quyết định số 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị miễn giảm 89 triệu đồng tiền sử dụng đất theo Quyết định số 60,61/QĐ-UB cho 23 trường hợp và 2,5 tỷ đồng theo Quyết định số 151/QĐ-UB cho 117 trường hợp; trợ cấp khó khăn 266 triệu đồng cho 112 trường hợp...
Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội như: hỗ trợ 984,2 triệu đồng cho 1.374 hộ theo Quyết định số 801/QĐ-UB và 12,6 tỷ đồng (46.244 hộ) theo các quyết định 88/QĐ-UB, quyết định 262/QĐ-UB và quyết định 686/QĐ-UB của UBND thành phố. Trợ giúp 31,2 tỷ đồng cho 14.808đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ. Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã vận động trao hàng nghìn xuất quà và học bổng trị giá hơn 3 tỷ đồng cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các quận, huyện.
Các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh thực hiện. Thành phố đã điều chỉnh, nâng mục tiêu về chuẩn nghèo, mở rộng diện xóa mù chữ đến 45 tuổi. Đến nay, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 36-45 tuổi đạt 99,5%. Trong 6 tháng, số hộ thoát nghèo ước đạt 2.711 hộ, đạt 36,4% kế hoạch năm. Các ngành chức năng đã tập trung 51 đối tượng lang thang xin ăn, 05 người tâm thần lang thang chuyển đến các Trung tâm quản lý. Phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 5 vụ (5 đối tượng) phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, và phát hiện, đưa 16 đối tượng nghiện ma túy, 04 đối tượng mại dâm đi cai nghiện, giáo dục tập trung tại Trung tâm 05-06.
Mục tiêu “có việc làm” tiếp tục được thực hiện. Từ đầu năm 2009, chợ việc làm định kỳ được tăng lên 2 phiên giao dịch/tháng, đến nay đã tổ chức được 12 phiên với 695 lượt đơn vị đăng ký tuyển dụng, 8.500 lượt người tham gia tìm việc và đã giới thiệu việc làm tại chỗ cho 3.911 lao động. Duy trì các hoạt động cung cấp thông tin cho người lao động qua website việc làm. Triển khai đề án thông tin thị trường lao động từ thành phố đến quận/huyện, xã/phường.
Rà soát, thống kê nhà chung cư, xác định nhu cầu sử dụng nhà ở của các đối tượng để có phương án xây dựng hợp lý, hiệu quả và khởi công xây dựng 1.000 căn hộ (Chương trình 7.000 căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp) phục vụ chương trình “có nhà ở”. Tiếp tục phối hợp kiểm tra, rà soát số hộ xã hội ở nhà tạm, hộ nghèo ở nhà thuê, nhà cấp 4 xuống cấp cần sửa chữa để có kế hoạch xoá nhà tạm theo chuẩn mới thông qua quỹ “Ngày vì người nghèo” và vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ. Thực hiện tốt công tác giải toả đền bù, bố trí tái định cư. Từ đầu năm đến 30/5/2009, thành phố đã bố trí 2.479 lô đất tái định cư thực tế cho các hộ giải toả đã bàn giao mặt bằng, trong đó: có 105 lô cho các hộ bàn giao mặt bằng từ năm 2004 trở về trước, các hộ bàn giao mặt bằng trong năm 2005 là 139 lô, 2006: 272 lô; 2007: 487 lô; 2008: 954 lô và 522 lô cho các hộ bàn giao trong năm 2009.
Phong trào xây dựng “nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” được vận động triển khai tại 100% khu dân cư, thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, khu vực nghiêm cấm các hoạt động đánh giày, bán sách báo, vé số dạo và bán hàng rong, chấn chỉnh tình trạng chèo kéo khách để bán hàng rong… từng bước hình thành các nếp sống đẹp trong gia đình, thôn, xóm, nơi công cộng và các cơ quan, trường học.
6. Xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp.
Thành phố đã triển khai, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Đặc biệt việc bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ trong quần chúng nhân dân, sự quan tâm của dư luận cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoàn chỉnh Đề án Chính quyền đô thị. Hoàn thành đánh giá, xếp hạng công tác cải các hành chính năm 2008 đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1866/QĐ-UBND về tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố. Xây dựng các chính sách nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức như: chính sách đối với bác sĩ về công tác tại Trạm Y tế phường, xã; chính sách nâng cao chất lượng chính quyền cơ sở. Mở rộng ngành nghề tiếp nhận sinh viên theo chính sách thu hút nguồn nhân lực, trong 6 tháng đã tiếp nhận 27 người (tổng số người được tiếp nhận theo chính sách thu hút là 656) và mở rộng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố, trong 6 tháng đã tổ chức thi tuyển 17 chức danh.
Tiến hành kiểm tra lề lối làm việc tại 33 địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh xây dựng Trang thông tin điện tử chuyên ngành của các đơn vị và phát triển phương thức giao dịch giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng cho công dân, tổ chức, trong 6 tháng có 11 đơn vị thực hiện giao dịch trực truyến đối với 18 đầu công việc. Triển khai cài đặt phần mềm quản lý hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho 28 phường.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo thành phố và chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp giải quyết. Trong 6 tháng, các cơ quan quản lý hành chính, các tổ chức thanh tra đã tiếp 3.110 lượt người, tiếp nhận 193 đơn và đã giải quyết 69/84 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 82,1%. Các vụ, việcchủ yếu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp đất, giải toả đền bù, tái định cư, khiếu nại về quyết định xử phạt hành chính, tố cáo các hành vi liên quan đến lĩnh vực môi trường, tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai nguyên tắc khi thi hành công vụ... Ngành thanh tra đã hoàn thành 88 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 3.131 đơn vị, cơ sở, phát hiện và kiến nghị thu nộp ngân sách 1.116,3 triệu đồng.
Ngành tư pháp đã thẩm định 42 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và UBND thành phố. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý 8.843 vụ, việc, trong đó đã thi hành xong 3.065/5.251 vụ, việc có điều kiện thi hành; đình chỉ thi hành 159 vụ, việc; thi hành đều 558 vụ, việc và thi hành dở dang 1.884 vụ, việc; tỷ lệ giải quyết án đạt 94% số án có điều kiện thi hành. Thành phố đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND chuyển giao chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản tại UBND các phường, quận trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn cho các tổ chức hành nghề công chứng.
7. Quốc phòng - an ninh.
Các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai toàn diện công tác đảm bảo an ninh trật tự, tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội thành phố. Thực hiện tốt kế hoạch, bảo vệ an toàn địa bàn, đơn vị và các hoạt động của nhân dân trong các ngày lễ, tết. Có kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc, du lịch tại thành phố, nhất là trong thời gian diễn ra Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Thực hiện tốt công tác giao quân với 600 thanh niên nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu đợt 01/2009.
Triển khai ra quân tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trước trong và sau Tết Nguyên Đán và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các đối tượng hình sự, ma túy. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được giữ vững.
Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội thành 6 tháng tăng trưởng 5,1%, thấp so với cùng kỳ 2008; nguyên nhân chính do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu dùng và thị trường bị thu hẹp làm chậm lại hoặc giảm tốc độ tăng trưởng một số ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố như: sản xuất công nghiệp, kinh doanh xuất khẩu, vốn thực hiện đầu tư v.v...
Trong bối cảnh đó, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các thành phần kinh tế chủ động vượt qua khó khăn, cùng với những giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ và của thành phố; một số ngành, lĩnh vực đã đạt được những kết quả nhất định như: sản xuất thủy sản, nông nghiệp, thương mại, du lịch, vốn đăng ký đầu tư… Thị trường hàng hoá, nhất là trước Tết dồi dào, phong phú. Các thủ tục hành chính và môi trường thu hút đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Công tác quản lý điều hành chi đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo dự toán được giao. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế nói chung và phát triển sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố nói riêng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cả đầu vào và đầu ra. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo; hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi. Các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” tiếp tục được duy trì thực hiện và có kết quả; đời sống nhân dân được quan tâm. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.
II. Dự báo khả năng thực hiện trong các tháng cuối năm và đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2009
Trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế trong 6 tháng đầu năm và dự báo đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng chưa thể hồi phục nhanh. Tình hình sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi và tăng tưởng còn chậm. Một số dự án triển khai chậm so với kế hoạch .
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng dự kiến giảm như: phôi thép, phân bón, cà phê dự kiến chỉ đạt 70% so với 2008 do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng; hàng dệt may ước giảm 17,8%; thủy sản ước giảm 20% do thiếu năng lực tài chính để mua nguyên liệu. Dịch cúm A (H1N1) mặc dù chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố, song sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đi tham quan, hoạt động du lịch, đặc biệt là của du khách quốc tế. Khả năng thu ngân sách, giải quyết việc làm trong 6 tháng cuối năm tiếp tục khó khăn v.v...
Vì vậy, để chủ động trong điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình mới như sau:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 ước đạt 6-6,5% so với năm 2008 (NQ: tăng 11,5-12%);
(2) Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,5-4%, trong đó công nghiệp ước tăng 4,5-5% (NQ: tăng 14,5-15%);
(3) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 10-11% (NQ: tăng 13,5-14%);
(4) Kim ngạch xuất khẩu HH&DV ước đạt 100% so với năm 2008 (NQ: tăng 20-21%);
(5) Số lao động được giải quyết việc làm ước đạt 3,2 vạn lao động, giảm 5,9% so với năm 2008 (NQ: cả năm giải quyết việc làm cho 3,5 vạn lao động).
III. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2009.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 810/QĐ-UBND của UBND thành phố để tạo thuận lợi và huy động tối đa nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã điều chỉnh, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa VII.
1.Triển khai thực hiện hiệu quả gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và ngăn chặn suy giảm, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
Tăng cường hỗ trợ, các doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Tiếp tục thực hiện rà soát các dự án, đối thoại với các doanh nghiệp, qua đó có cơ sở hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho các đơn vị có năng lực cao để tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích những doanh nghiệp đã đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong năm 2008 và đầu năm 2009 đẩy mạnh sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các dự án đã khởi công sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, nhất là các dự án lớn như: Nhà máy thép Xuân Hưng 300.000 tấn/năm, Nhà máy động cơ điện Mabuchi công suất 220 triệu sản phẩm/năm, Dự án mở rộng nhà máy dây, cáp điện Tân Cường Thành, Nhà máy sản xuất dây cáp điện tàu thuỷ 8.000 tấn/năm.
Phối hợp với các bộ, ngành trung ương chỉ đạo Chi nhánh ngân hàng Phát triển Đà Nẵng và các ngân hàng thương mại trên địa bàn bảo lãnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, vay vốn với lãi suất ưu đãi theo gói kích cầu của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp các khoản thuế cho doanh nghiệp như: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế... để tập trung cho tái đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đồng thời theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp sử dụng hiệu quả và trả đúng hạn các khoản vay. Khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, cắt giảm chi phí, sắp xếp lao động phù hợp. Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương. Phối hợp xây dựng kế hoạch điều phối ổn định và tiết kiệm điện, ưu tiên đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất.
Tăng cường công tác khuyến ngư, triển khai chương trình đảm bảo thông tin liên lạc cho tàu thuyền hoạt động trên biển, hỗ trợ 50 máy thông tin liên lạc tầm xa cho các tổ đội xa bờ. Hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả Chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang. Chỉ đạo bám sát vùng nuôi, nâng cao năng lực sản xuất giống, đầu tư thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Có phương án chủ động phòng chống thiên tai, bão lụt năm 2009.
Chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu đạt kết quả tốt; hướng dẫn phòng chống các loại dịch hại, sâu bệnh trên cây trồng. Tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/10/2007 của Ban Thường vụ Thành uỷ và chương trình hành động của Thành uỷ về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Triển khai chính sách hỗ trợ mua máy nông cụ và cho vay vốn phát triển sản xuất. Qui hoạch các vùng sản xuất thực phẩm, rau an toàn, triển khai dự án rau an toàn từ nguồn vốn ODA. Qui hoạch phát triển chăn nuôi tập trung với qui mô hợp lý, từng bước quản lý hiệu quả môi trường chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh. Đổi mới công tác quản lý hợp tác xã, đẩy mạnh công tác khuyến nông, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá. Triển khai các dự án đê kè, đê biển, kiên cố hoá kênh mương, kè chống sạt lỡ ven sông, di dân vùng sạt lở…
Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển vốn rừng; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng chặt phá rừng. Giao đất rừng và tạo điều kiện cho người dân trồng, quản lý và khai thác hiệu quả. Kiện toàn tổ chức bộ máy kiểm lâm; thành lập Trạm kiểm soát lâm sản Nam đèo Hải Vân.
2. Tập trung hỗ trợ các thành phần kinh tế để phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước (xuất khẩu); tăng cường quản lý thị trường, giá cả và đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên thị trường trong nước và ngoài nước, giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển về quy mô và chất lượng dịch vụ nhằm chủ động giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng và khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và lựa chọn các đồng ngoại tệ thanh toán đa dạng để tránh rủi ro.
Khuyến khích các dự án đầu tư công trình xây dựng cơ bản và người dân tiêu dùng, sử dụng hàng nội địa. Tiếp tục thực hiện “Tuần hàng Việt Nam”, đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi, nhằm kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố và khu vực nông thôn, miền núi. Phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, tập trung vào các mặt hàng: lương thực, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh... Phấn đấu tổng mức bán lẻ HH&DV năm 2009 ước đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2008. Xây dựng quy hoạch mạng lưới phân phối trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu các giải pháp tăng cường quản lý thị trường phân phối hàng hóa thời kỳ hậu gia nhập WTO. Kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, theo dõi giá các mặt hàng: điện, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt... Tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ, tăng giá, gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống.
Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm bạn hàng, mở rộng về thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là thị trường mới có tiềm năng đối với những sản phẩm được sản xuất, khai thác từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ lãi suất tín dụng xuất khẩu đối với những hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn, có hiệu quả, có thị trường ổn định. Khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhất là các ngành hàng có nhiều tiềm năng, lợi thế như: điện tử, thiết bị điện, dụng cụ thể thao, thủy sản, dệt may, da giày…
Củng cố và nâng cấp các tour, tuyến, sản phẩm du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển tour du lịch khám phá bán đảo Sơn Trà, du lịch đường sông, xúc tiến hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm phục vụ du khách sau 24h và phố du lịch Bạch Đằng. Hoàn thành Chương trình sản xuất các sản phẩm lưu niệm du lịch. Duy trì các giải pháp khắc phục sút giảm khách du lịch như: chính sách giảm giá tour, nâng chất lượng dịch vụ và tổ chức các sự kiện “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”, đón Noel và chào mừng năm mới 2010. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan. Phấn đấu doanh thu du lịch năm 2009 ước đạt 850 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2008; tổng lượt khách du lịch ước đạt 1,2 triệu lượt khách, tăng 9,1%. Tăng cường xúc tiến, quảng bá tại các thị trường khách Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore. Xúc tiến mở đường bay quốc tế trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản, Hồng Kông - Đà Nẵng. Rà soát, đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch. Hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì trật tự vận tải và ngăn chặn tình trạng “xe dù”, “bến cóc”. Ban hành quy định về quản lý khai thác bến bãi, các điểm đậu đỗ. Xây dựng phương án thí điểm thu phí tự động đậu đỗ ô tô, xe máy. Khuyến khích phát triển mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ ứng dụng băng thông rộng, Internet tốc độ cao. Hoàn thành Dự án đầu tư mở rộng Khu công viên phần mềm Đà Nẵng.
Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn để tạo nguồn cho vay; thực hiện tốt công tác điều hòa lưu thông tiền mặt, phát triển hình thức thẻ, các dịch vụ ngân hàng hiện đại và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen thanh toán qua ngân hàng trong các tổ chức và tầng lớp dân cư. Ngân hàng nhà nước thành phố bám sát các chương trình của Ngân hàng nhà nước Trung ương, kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng nguồn vốn cho các thành phần kinh tế trên cơ sở phát triển an toàn, hiệu quả; đồng thời theo dõi, đôn đốc thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2009/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh.
3. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đi đôi với tăng cao vốn thực hiện; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để một số dự án lớn đã đăng ký sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng. Đẩy mạnh xúc tiến các dự án mới; khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư mới, đầu tư mở rộng để đón cơ hội, không rơi vào thế bị động sau khủng hoảng. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục. Phát huy hiệu quả của Văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thành lập doanh nghiệp.
Tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành hồ sơ, thủ tục để giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu năm 2009, tập trung các công trình trọng điểm, công trình quan trọng phục vụ tái định cư và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải toả đền bù, bố trí tái định cư, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho các công trình, dự án đã cam kết. Trong năm 2009 hoàn thành các công trình: Phần móng Trung tâm Hành chính thành phố; Trường THPT Trần Phú; Bệnh viện Đa khoa 600 giường, các khu chung cư thu nhập thấp và hạ tầng kỹ thuật một số khu dân cư. Dự kiến đến cuối năm 2009 bố trí được 1.258 lô đấttái định cư thực tế cho các hộ đã bàn giao mặt bằng.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm vốn những công trình không có khả năng thực hiện hết vốn đã bố trí kế hoạch, ưu tiên bổ sung cho những công trình thanh toán khối lượng, hoàn thành đúng tiến độ và công trình trọng điểm. Làm việc với các bộ, ngành trung ương xin bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm, xây dựng nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, các dự án thuộc Chương trình đê biển. Vận động nguồn vốn ODA cho phần trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa 600 giường.
Khởi công xây dựng các công trình đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như: Cầu Rồng, Cầu mới Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, Nhà thi đấu thể thao thành phố, Trụ sở cơ quan Thành đoàn, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi thành phố, Kè bờ tả và kè chắn sóng tại cửa sông Cu Đê, các chung cư khu Đại Địa Bảo. Xử lý các điểm ngập úng trước mùa mưa bão. Thực hiện tốt công tác giám sát thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, chống lãng phí, thất thoát.
Ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 190/2003/QĐ-UB và Quyết định số 58/2005/QĐ-UB quy định một số vấn đề về mua sắm, quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn phù hợp với Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị định của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung một số điểm của Quyết định số 10609/QĐ-UBND quy định tạm thời về thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2009.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác thẩm định quy mô dự án. Rà soát, nâng cao chất lượng và phân kỳ đầu tư các đồ án quy hoạch. Tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch, đô thị, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Tăng cường kiểm soát các điểm nóng về môi trường trên địa bàn. Lập dự án đầu tư xử lý nước rỉ và mùi hôi từ bãi rác Khánh Sơn kết hợp kêu gọi đầu tư Dự án thu hồi khí ga theo cơ chế phát triển sạch, đầu tư Nhà máy tái chế nhựa, nylon, cao su thành dầu Bio-Diezel và Nhà máy tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy chất thải rắn, chất thải nguy hại từ hoạt động công nghiệp (dự kiến đầu tư vào cuối năm 2009). Tiếp tục triển khai xử lý mùi hôi, tạo cảnh quan cho 05 tuyến cống chính tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc và tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Hoàn thành khảo sát các tuyến cống nước thải từ khu vực dân cư, các cơ sở dịch vụ đổ vào hồ Đảo Xanh để lập dự án thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Hòa Cường. Đẩy mạnh triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” và chủ trương xã hội hóa trồng, chăm sóc cây xanh. Tiếp tục nghiên cứu trồng thí điểm cây xanh khu vực nội thành, trường học, ven biển và các dải phân cách. Ban hành Đề án xã hội hóa phát triển cây xanh đường phố thành phố giai đoạn 2008-2013. Tập trung triển khai trồng cây xanh 10 đường phố chính trên địa bàn thành phố.
4. Đẩy mạnh công tác thu chi, quản lý và điều hành có hiệu quả ngân sách nhà nước.
Thực hiện tốt công tác thu ngân sách, tập trung đôn đốc thu các khoản nợ đọng, phấn đấu tăng thu. Chủ động theo dõi những tác động của các chính sách thuế ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách để có biện pháp kịp thời, hiệu quả nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2009. Quản lý chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính của các đối tượng thu để thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí và lệ phí vào ngân sách. Tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu, giảm tối đa những thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng nộp thuế. Hỗ trợ và tạo điều kiện để người nộp thuế nâng cao hiểu biết, tự giác thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Triển khai cập nhật đầy đủ mã số thuế cho các đối tượng nộp thuế.
Chủ động cân đối phù hợp các nguồn thu, chi ngân sách một cách hiệu quả; trường hợp một số nguồn thu dự kiến có khả năng hụt như thu từ nguồn sử dụng đất, thuế... sẽ được cân đối, bổ sung từ nguồn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu và nguồn vay theo khoản 3 điều 8 của Luật Ngân sách đã được Nghị quyết HĐND thành phố thông qua từ đầu năm 2009.
Tiếp tục thực hiện quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước linh hoạt, chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Chủ động sắp xếp các nội dung chi, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết đảm bảo cân đối với nguồn thu được hưởng; cân đối, lồng ghép các đề án, chương trình được giao để thực hiện nhiệm vụ chi theo dự toán và các nhiệm vụ chi đột xuất phát sinh trong trường hợp thu ngân sách địa phương không đạt dự toán giao. Hạn chế chi bổ sung ngoài dự toán, có biện pháp tiết kiệm các khoản chi mua sắm chưa thật cần thiết, chi hành chính không thiết thực, tiết kiệm năng lượng, phương tiện... ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội và chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ. Chủ động dự phòng ngân sách cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng chống dịch bệnh, thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
Rà soát tiến độ thực hiện các công trình; điều chỉnh giảm vốn, giãn tiến độ các công trình chậm triển khai, chưa thực sự bức xúc để tập trung vốn bổ sung cho các công trình đã được phê duyệt quyết toán, đã được tạm ứng vốn và công trình trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Phấn đấu giải ngân hiệu quả kế hoạch vốn 2009. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời lập thủ tục, hồ sơ giải ngân khi có khối lượng hoàn thành. Ưu tiên bố trí nguồn kết dư ngân sách 2008 cho các công trình đã thực hiện ứng vốn để tập trung đẩy nhanh tiến độ nhưng chưa được bố trí vốn trong kế hoạch và bổ sung dự toán thực hiện các nhiệm vụ phát sinh cho các hoạt động sự nghiệp kinh tế, môi trường, chi đảm bảo xã hội, an ninh, quốc phòng…
Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát để có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế trong công tác quản lý tài chính. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ.
5. Tiếp tục giải quyết và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Về khoa học và công nghệ: Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch nghiên cứu năm 2009 và chuẩn bị kế hoạch nghiên cứu năm 2010. Hoàn thành Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN chuẩn bị Dự án xây dựng Khu Công nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2000.
Về văn hóa - thể thao: tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn; có kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố và Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2010. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hoá; thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực trạng di tích ở một số di tích cấp quốc gia trên địa bàn thành phố. Tiếp tục kiểm tra hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá, thể thao. Triển khai xây dựng Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố giai đoạn 2009-2020.
Tiếp tục tổ chức tốt các trận lượt về Giải V-LEAGUE 2009. Tập trung tổ chức thành công Đại hội TDTT thành phố lần thứ VI-2009 và chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và lực lượng để tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010 tại Đà Nẵng.
Về giáo dục - đào tạo:Tổng hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2009-2010 và các kỳ thi Đại học, Cao đẳng. Tổng kết công tác năm học 2008-2009, tổ chức các hoạt động hè cho học sinh và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hè cho giáo viên các cấp. Chuẩn bị tốt cho năm học 2009-2010, kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, các cơ sở vật chất, trường lớp. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm tạo môi trường học tập tốt cho học sinh. Có kế hoạch kiểm tra, phân loại học lực học sinh đầu năm học và tổ chức phụ đạo cho các học sinh yếu kém nhằm ngăn ngừa học sinh bỏ học. Tiếp tục vận động các học sinh có nguyện vọng đi học trở lại lớp trong năm học 2009-2010. Duy trì quan hệ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh.
Về y tế: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở; triển khai thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế và tăng cường bác sỹ từ các trung tâm y tế đến các trạm y tế xã/ phường. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, tăng cường giáo dục tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, phòng chống dịch tiêu chảy cấp và tập trung giám sát, xử lý kịp thời các bệnh dịch hay lưu hành như: Sốt xuất huyết, Thuỷ đậu, Viêm não vi rút… Tăng cường giám sát, phát hiện và chủ động ứng phó kịp thời với dịch cúm A (H1N1), cúm A (H5N1). Đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ các công trình vốn trái phiếu Chính phủ và các chương trình, dự án ODA về y tế. Tiếp tục triển khai áp dụng nguyên tắc “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP), “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP).
Về lao động - thương binh và xã hội: theo dõi tình hình lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần thực hiện đề án giải quyết việc làm. Đẩy mạnh hoạt động dạy nghề; hoàn thành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020 và Đề án Chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho hộ nông dân thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất.
Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng và Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; tập trung cho các hoạt động kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7). Kiểm tra lập thủ tục xét miễn giảm tiền sử dụng đất, trợ cấp khó khăn cho đối tượng chính sách; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách khó khăn. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lập hồ sơ trẻ em các nhóm đối tượng thuộc các chương trình Chăm sóc trẻ em đặc biệt khó khăn. Tiếp tục triển khai các hoạt động của Quỹ Bảo trợ Trẻ em.
Tăng cường thực hiện chương trình “thành phố 5 không” theo các mục tiêu đã điều chỉnh và chương trình “thành phố 3 có”. Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết đối với hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, tập trung đối tượng lang thang xin ăn. Chú trọng các biện pháp quản lý, phòng ngừa nghiệp vụ, kiềm chế phát sinh người nghiện ma tuý, mại dâm; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy và quản lý sau cai nghiện. Tăng cường hoạt động của các Đội kiểm tra liên ngành về văn hoá xã hội và phòng, chống tệ nạn mại dâm; phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, giám sát, quản lý các khu vực giáp ranh, địa bàn trọng điểm về mại dâm. Hoàn thành Đề án quản lý giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động sản xuất tập trung cho người sau cai nghiện.
Tiếp tục tổ chức tốt các phiên Chợ việc làm định kỳ; phối hợp kiểm tra, giám sát dự án cho vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, dự án cho vay đối với hộ di dời giải toả, mất đất sản xuất; triển khai chương trình 7.000 căn hộ chung cư cho người có thu nhập thấp phục vụ mục tiêu có nhà ở và thực hiện Đề án “có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
6. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung công tác xây dựng chính quyền, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và trật tự xã hội.
Tập trung thực hiện tốt việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh, xem xét, phát hiện vấn đề và rút kinh nghiệm.
Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố, hoàn thành lắp đặt phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” giai đoạn 2 tại các phường, xã. Xây dựng Kế hoạch biên chế năm 2010.
Duy trì thường xuyên công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành Luật khiếu nại, tố cáo, việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền các cấp, các ngành và kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 212 của Chính phủ về “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ xã, phường”; tập huấn nghiệp vụ thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng và tổng hợp pháp chế.
Tiếp tục gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động góp phần giữ gìn an ninh chính trị - trật tự xã hội ở địa bàn dân cư. Triển khai công tác phòng chống lụt bão, phương án khắc phục thiên tai năm 2009.
Duy trì hoạt động tuần tra đêm. Tập trung rà soát, phá các tụ điểm, băng, ổ, nhóm tội phạm lưu manh chuyên nghiệp, nhất là các băng nhóm tội phạm, cướp giật, trộm cắp. Triển khai mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố và thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, và các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2009. UBND thành phố quyết tâm nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết của HĐND; phấn đấu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 đạt mức cao nhất. Đề nghị HĐND tăng cường giám sát để công việc thực thi chính sách, chế độ, biện pháp được triển khai khẩn trương, đồng bộ và đạt hiệu quả cao ở tất cả các ngành, các cấp, các quận, huyện và đề nghị HĐND xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2009./.
Website UBND tỉnh Đà Nẵng