Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/05/2009-09:37:00 AM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì họp giao ban tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009 về sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu và đầu tư
(MPI Portal) - Ngày 26/5/2009, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức phiên họp giao ban tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009 về tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các địa phương, các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty.
Nội dung cuộc họp tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 2009; về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009; về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các nguồn vốn; các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút và đẩy nhanh các tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợphát triển chính thức (ODA); tình hình xuất nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009; tình hình phòng chống dịch bệnh và biện pháp kiểm soát phòng chống dịch…..
Một số những nét chính về sản xuất kinh doanh, dịch vụ xuất nhập khẩu và đầu tư tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009, cụ thể như sau:
Về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ:
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng của tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 265,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của toàn ngành như là: dầu thô, xi măng, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, thép tròn, khí đốt thiên nhiên dạng khí…
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp. Về thủy sản, tính chung đến hết tháng 5, sản lượng khai thác đạt 1.7 triệu tấn, tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt.
Hoạt động của khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 91,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 4. Về hoạt động du lịch, tháng 5 là tháng khởi đầu mùa hè nên các chương trình du lịch trong nước đạt công suất cao. Tuy nhiên, trong tháng 5 năm 2009, tình hình dịch cúm A H1N1 đã lan rộng tại nhiều nước trên thế giới. Trong nước, bệnh dịch tả bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương đã gây tác động đến hoạt động của ngành du lịch. Do vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 310nghìn lượt khách, tăng hơn 2% so với cùng kỳ tháng trước nhưng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2008. Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách ước tính đạt 223 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mạng lưới, dịch vụ bưu chính, viễn thông trong tháng 5 phát triển 1,3 triệu thuê bao điện thoại, tính chung tổng số thuê bao trong 5 tháng đạt 8,5 triệu.
Về hoạt động xuất nhập khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng gồm: đá quý, kim loại quý và sản phẩm; sắn và sản phẩm từ sắn; gạo; cà phê, chè các loại… Một số mặt hàng xuất khẩu giảm như cao su, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mây, tre, cói, gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng 4 năm 2009. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 24 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,48 tỷ USD, giảm 26,9%.Tháng 5 là tháng thứ 2 liên tiếp nhập siêu sau 3 tháng đầu năm xuất siêu nhờ xuất khẩu vàng. Ước tháng 5 nhập siêu 1.500 triệu USD, như vậy nhập siêu 5 tháng đầu năm khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thu chi ngân sách:
Tổng thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 5 ước đạt 14,7 nghìn tỷ đồng; còn chi ngân sách nhà nước 15 tháng đầu năm ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Về giá cả tiêu dùng:
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2009 tăng 0,44% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,59%. Trong các nhóm hàng, nhóm phương tiện đi lại và bưu điện tăng mạnh nhất với mức tăng 1,8%, tiếp đến là nhóm đồ dùng và các dịch vụ; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ đồ uống.
Về đầu tư phát triển:
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước tháng 5/2009 ước đạt 8,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009 đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2 kế hoạch. Về thu hút vốn ODA, tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị vốn ODA ước đạt 1.467,5 triệu USD; trong đó vốn vay đạt 1.488 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 19,5 triệu USD. Mức giải ngân nguồn vốn ODA đạt 720 triệu USD.
Vốn đầu tư nước ngoài: Tính chung tổng số vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt 6,68 tỷ USD, bằng 23,7% so với cùng kỳ năm 2008.
Nhìn chung, trong 5 tháng vừa qua, do chịu tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giớivà dịch bệnh nên giá xuất khẩu giảm mạnh cùng với sự thu hẹp cua thị trường xuất khẩu, Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên tình hình kinh tế 5 tháng tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực: giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 4 tháng qua (tháng 2 tăng 8,4%, tháng 3 tăng 2,3 %, tháng 4 tăng 5,4% và tháng 5 tăng 6,8%); sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt kết quả khá; lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến; thu NSNN đạt tốc độ tăng khá.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn cần được quan tâm xử lý như: giá cả có xu hướng tăng; nhập siêu có nhu cầu tăng; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh./.

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1028
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)