Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 32,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đáng lưu ý là nếu tính cả 5 tháng đầu năm, mặt hàng gạo vẫn duy trì tăng trưởng, đạt 717,6 triệu USD, tăng 70,6%.
Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng khác là giá trị sản xuất công nghiệp ở tháng 5 tăng lên 2,5% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tương tự, tổng sản lượng thủy sản đạt 1.857 tấn, tăng 19% so với tháng trước. Ngoài ra, doanh thu vận tải ước đạt 1.960,1 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài thông tin thêm: Đến nay, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai quyết liệt các dự án nhà ở cho sinh viên, công nhân, nhà ở xã hội với thời hạn ấn định thực hiện cụ thể; nhiều tiểu dự án thành phần của dự án Nâng cấp đô thị TPHCM, nhiều cây cầu được hoàn tất và đưa vào sử dụng cũng đã góp phần cải thiện đời sống người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.
Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay có 188 doanh nghiệp trong nước và 6 doanh nghiệp nước ngoài phải đóng cửa do tình hình kinh tế khó khăn, làm cho hơn 20.000 lao động bị mất việc nhưng TP đã giải quyết việc làm cho khoảng 80% số lao động này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng phân tích: “Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 6,39% so với cùng kỳ do TP thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi kích cầu và sức mua có dấu hiệu tăng trưởng trở lại”.
|
Công ty cổ phần bánh Lubico đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh bích quy để tăng sản lượng bánh xuất khẩu
|
Vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vay: Không thiếu
Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Giá nhiên liệu (xăng, dầu, điện) tăng nhẹ nên thời gian tới giá cả hàng hóa có xu hướng sẽ tăng theo. Do vậy, các sở ngành chức năng phải làm việc thường xuyên với các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị này để giá cả hàng hóa được bình ổn.
Trước tình hình gian lận thương mại ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi, bà Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các sở ngành chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Riêng việc thực hiện chương trình kích cầu thông qua đầu tư (đã có 16 dự án được xem xét, quyết định cho vay với tổng vốn đầu tư 2.892 tỷ đồng và tổng số vốn được hỗ trợ lãi vay là 1.092,2 tỷ đồng), bà Hồng cho biết, sắp tới sẽ có 11 dự án khác tiếp tục được UBND TPHCM phê duyệt. “Nguồn vốn kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp vay không thiếu. Quan trọng là doanh nghiệp phải có dự án tốt, mang tính khả thi để tiếp nhận nguồn vốn!” - bà Hồng khẳng định.
Qua đó, bà yêu cầu Sở KH-ĐT tiếp tục triển khai Quyết định số 20 của UBND TPHCM về vấn đề này cho các doanh nghiệp biết để tiếp cận được nguồn vốn vay vì thực tế số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn hạn chế. Đồng thời, các ngân hàng, tín dụng phải giải quyết nhanh hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp, vì hiện nay lượng hồ sơ vay vốn còn tồn đọng quá nhiều.
Liên quan về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài lưu ý sắp tới cần phải có cơ chế kiểm tra, giá sát các dự án thực hiện bằng vốn kích cầu được triển khai như thế nào, có đúng mục đích và đúng đối tượng không và hiệu quả ra sao… Đối với các tổng công ty, tiến hành kiểm tra, rà soát mặt bằng, nhà xưởng của mình xem sử dụng có hiệu quả chưa để tránh lãng phí.
“Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội TPHCM có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch… Do vậy, thủ trưởng các ngành, các cấp cần tập trung kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của ngành mình”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, thời gian tới, TPHCM tiếp tục ưu tiên vốn cho các công trình hạ tầng giao thông, chống ngập, mà theo kế hoạch hoàn tất trong năm nay để phát huy tác dụng của những công trình này, tránh kéo dài gây lãng phí./.