Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/08/2010-13:41:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2010 tỉnh Quảng Bình
Báo cáo số 1121/KHĐT-TH ngày 02/08/2010 của Sở KHĐT Quảng Bình
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt:
Bước vào sản xuất vụ Hè thu, thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây hạn hán ở một số địa phương trong tỉnh. Nhiều diện tích đất chưa thể gieo trồng do thiếu nước, tiến độ gieo trồng cây hàng năm chậm, do đó diện tích các loại cây trồng phần lớn giảm so cùng kỳ. Riêng diện tích cây lúa tăng do lúa tái sinh của các địa phương tăng khá.
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước dự trữ ở ao, hồ của một số địa phương cạn kiệt, gây ảnh hưởng đến công tác cung cấp nước tưới và làm chậm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Tính đến ngày 10/7, diện tích cây hàng năm vụ Hè thu bị hạn là 3.650 ha, trong đó có 680 ha bị hạn nặng. Diện tích lúa bị hạn là 3.080 ha, hạn nặng 460 ha [1]. Diện tích ngô, lạc bị hạn nặng, có thể bị chết là 220 ha, tập trung ở huyện Bố Trạch (các xã Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch). Diện tích đậu các loại bị thiếu nước là 350 ha, tập trung ở huyện Tuyên Hoá (các xã Thanh Hoá, Châu Hoá, Phong Hoá, Đức Hoá…). Đến giữa tháng 7 nhờ ảnh hưởng của hoàn lưu 2 cơn bão số 1 và số 2 toàn tỉnh đã có lượng mưa bình quân trên 200ml nên tình hình hạn hán đỡ căng thẳng, lúa vụ 8 và hoa màu phát triển tốt.
Dự ước đến hết tháng 7, tổng diện tích gieo trồng vụ Hè thu (kể cả lúa mùa) toàn tỉnh thực hiện 27.798,5 ha, bằng 100,5% so cùng kỳ. Trong đó: cây lương thực 23.507 ha, bằng 102,0%; cây chất bột có củ 617 ha, bằng 120,3%; rau đậu các loại 2.595,5 ha, bằng 92,0%; cây công nghiệp 586 ha, bằng 84,8%; cây hàng năm khác 493 ha, bằng 83,1% so cùng kỳ.
- Cây lúa: diện tích thực hiện 23.215 ha, tăng 1,4% so cùng kỳ. Trong đó: lúa Hè thu chính vụ 15.262 ha, giảm 1,7%; lúa Hè thu tái sinh 7.721 ha, tăng 16,7%; lúa Mùa 232 ha, bằng 30,4% so cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai công tác làm cỏ, bón phân, tỉa dặm và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Diện tích lúa ở các địa phương đang ở thời kỳ đẻ nhánh, một số trà lúa sớm đang bước vào giai đoạn phân hoá đồng.
Lúa Hè thu tái sinh ở các địa phương đang bước vào thời kỳ chính rộ, bà con nông dân tiếp tục thu hoạch. Năng suất lúa tái sinh ước tính đạt 27,5 tạ/ha, sản lượng đạt 21.233 tấn, tăng 3.209 tấn so năm trước. Đến đầu tháng 8, các địa phương cơ bản hoàn thành công tác thu hoạch lúa tái sinh .
Nhờ các địa phương tập trung triển khai kịp thời công tác phòng chống nên mức độ thiệt hại do sâu bệnh và chuột gây hại cho cây trồng đang ở mức nhẹ. Cụ thể đến ngày 8/7/2010, diện tích lúa Hè thu bị sâu bệnh là 4.077,5 ha. Diện tích bị chuột gây hại 387 ha, tỷ lệ gây hại 1-2%.
- Cây cao su: Dự kiến sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 7 là 490 tấn, 7 tháng 3.112 tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ và đạt 62,2% kế hoạch. Sản lượng mủ cao su khai thác trong 7 tháng tăng khá là do thời tiết thuận lợi, thị trường tiêu thụ mủ cao su ổn định.
b. Chăn nuôi:
Tình hình sản xuất chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định. Chăn nuôi gia súc, nhất là đàn lợn dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Đàn gia cầm tăng khá so cùng kỳ; thị trường tiêu thụ gia cầm được mở rộng, giá cả ổn định, là yếu tố quan trọng khuyến khích các hộ chăn nuôi gia cầm mạnh dạn đầu tư để tăng số lượng cũng như chất lượng đàn. Công tác thú y được các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo, giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát giết mổ tập trung, đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh trên Quốc lộ 1A… nên dịch bệnh được khống chế.
Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong những tháng nắng nóng được đẩy nhanh tiến độ, nhưng còn chậm so kế hoạch đề ra. Kết quả tiêm phòng vacxin đợt I/2010 (tính đến 30/6/2010): Vacxin cúm gia cầm 515.000 liều, đạt 66,45% kế hoạch; Vacxin lở mồm long móng 86.487 liều, đạt 62,52% kế hoạch; Vacxin tụ huyết trùng trâu, bò, lợn 83.417liều, đạt 59,95% kế hoạch; Vacxin dịch tả lợn 61.881 liều, đạt 39,50% kế hoạch; Vacxin dại chó 29.760 liều, đạt 90,18% kế hoạch; Vacxin tam liên 11.700 liều, đạt 52% kế hoạch.
2. Lâm nghiệp
a.Khai thác lâm sản (khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước):
Do nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn khá lớn, nên tiến độ khai thác gỗ trong tháng 7 năm nay tăng cao so cùng kỳ. Dự ước trong tháng, sản lượng gỗ khai thác 12.100 m3, đưa sản lượng gỗ khai thác 7 tháng 66.709 m3. Trong đó: Khai thác từ rừng tự nhiên 4.905 m3, so cùng kỳ bằng 63,4%, đạt 40,9% kế hoạch; khai thác gỗ từ rừng trồng 61.804 m3, đạt 89,7% kế hoạch, trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khai thác 10.804 m3.
b. Công tác lâm sinh
Công tác lâm sinh trong tháng là tập trung tiếp tục chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị mặt bằng, cây giống cho công tác trồng rừng theo kế hoạch năm 2010. Công tác chăm sóc rừng trồng cũng được quan tâm đẩy nhanh tiến độ trong điều kiện nắng hạn gay gắt. Dự kiến tháng 7, diện tích rừng trồng được chăm sóc 562 ha, 7 tháng 13.660 ha, tăng 23,0% so cùng kỳ.
Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã triển khai Hội nghị về các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng nên mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng đã được các cấp, các ngành chủ động phòng chống cháy rừng. Bên cạnh công tác tuyền truyền về ý thức bảo vệ rừng đến người dân, các biện pháp khác như cảnh báo, dự báo cháy rừng, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao đã thực hiện thường xuyên và đồng bộ. Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng dài ngày nên trong tháng 6 đã xẩy ra một số vụ cháy rừng, gây thiệt hại 32 ha rừng thông (mức độ thiệt hại 50-60%) và 28 ha cây bụi.
3. Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 7 ước đạt 7.038,5 tấn, tăng 27,8% so tháng trước, 7 tháng đạt27.987,4 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ, đạt 68,1%KH.
a. Đánh bắt
Dự ước tháng 7, sản lượng thuỷ sản đánh bắt 5.896,7 tấn, 7 tháng đạt 24.131,9 tấn, tăng 8% so cùng kỳ, đạt 75,2% kế hoạch. Trong đó: đánh bắt hải sản 23.107,9 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ; đánh bắt nước lợ 325,1 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ; đánh bắt nước ngọt 698,9 tấn, tăng 5,89% so cùng kỳ.
b. Nuôi trồng
Dự ước tháng 7, sản lượng thu hoạch 1.141,8 tấn, 7 tháng thu hoạch3.855,5 tấn, so cùng kỳ tăng 12,5đạt 42,8KH%. Trong đó: Sản lượng cá 2.208,3 tấn, tăng 20,0%;Sản lượng tôm1.468 tấn, tăng 4,7%; Sản lượng thủy sản khác 179,2 tấn, bằng 97,7%; trong đó: Cua 127,1 tấn, bằng 88,6% so cùng kỳ.
Nhìn chung, sản xuất thuỷ sản trong thời gian gần đây đã có mức tăng trưởng khá ổn định về sản lượng khai thác và nuôi trồng (trong đó nuôi trồng cao hơn từ 4-5%) thể hiện hướng chuyển dịch đúng đắn trong nội bộ sản xuất ngành thuỷ sản. Nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn chuyển hình thức nuôi trồng thuỷ sản từ quảng canh sang bán thâm canh hoặc thâm canh nên năng suất đạt cao, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá lúa kết hợp, nuôi cá lồng.
4. Công nghiệp
Tháng 7, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 338,3 tỷ đồng, 7 tháng đạt 1.965,6 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ, đạt 51,9%KH. Trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 891,7 tỷ đồng, bằng 83,6% so cùng kỳ, chiếm 45,37% tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh. Nguyên nhân giá trị công nghiệp khu vực Nhà nước giảm là do một số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần chuyển ra khu vực ngoài Nhà nước; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 1066,4 tỷ đồng, tăng 73,9% so với cùng kỳ, chiếm 54,25% tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ đồng, bằng 27,5% so cùng kỳ và chiếm 0,38% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Một số sản phẩm mới đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp: Dăm giấy và sản phẩm giấy kráp đạt 102.517 tấn, tăng 156,8% so cùng kỳ (sản lượng giấy kráp đạt 12.696 tấn); Nhà máy thuỷ điện Hố Hô sản xuất bình quân 1,3 triệu kwh/mỗi tháng… đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng tốc thấp hơn so với cùng kỳ. Lý do các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh đã phát huy gần hết công suất; bên cạnh đó sản phẩm xi măng và clinke chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tuy nhiên theo giá cố định 7 tháng giá trị sản xuất công nghiệp hai sản phẩm này ước đạt 766,4 tỷ đồng, chiếm 39% và chỉ tăng 4,3% so cùng kỳ nên tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp thấp hơn so cùng kỳ.
5.Đầu tư xây dựng cơ bản
Nhờ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngay từ đầu năm, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của UBND tỉnh trong việc triển khai nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện công tác đền bù GPMB, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản tháng 7/2010 ước đạt 137,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so tháng trước, tăng 32,2% so cùng kỳ. 7 tháng, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước quản lý ước 679 tỷ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ và bằng 50,9% KH.Trong đó, vốn đầu tư XDCB từ ngân sách nhà nước chiếm 91,2%, đạt 51% kế hoạch năm và tăng 14,3% so cùng kỳ, đạt 51% KH [2].
Trong tháng UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân các công trình XDCB trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình và từ đó có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình theo kế hoạch đề ra, bên cạnh đó cũng đề xuất xử lý kiên quyết các chủ đầu tư, các công trình thực hiện chậm, công trình ứng vốn nhiều nhưng không có khối lượng…cho nên khối lượng và tiến độ thực hiện vốn đầu tư đạt khá so với cùng kỳ, song trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn thực hiện vốn đầu tư: Một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư bị vướng mắc đền bù giải toả và quy hoạch, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình; tiến độ thi công một số công trình bị chậm lại do lỗi trong khảo sát thiết kế đầu tư XDCB...
6. Thương mại, Du lịch
- Nội thương: Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 7/2010 ước đạt 712,32 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 17,9% SCK; 7 tháng đầu năm đạt 4.993,3 tỷ đồng, tăng 25,6% SCK. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, kinh doanh thương mại đạt 4.106,9 tỷ đồng, chiếm 82,2% và tăng 24,1%; khách sạn, nhà hàng 531 tỷ đồng, chiếm 10,6% và tăng 24,9%; dịch vụ chiếm 6,8% và tăng 46,1% SCK.
- Xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu dự ước tháng 7/2010 đạt 3,5 triệu USD, 7 tháng đạt gần 39 triệu USD, tăng 36,7% so cùng kỳ và bằng 55,5% KH. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất khẩu 7 tháng chủ yếu là kinh tế ngoài nhà nước với trị giá 37 triệu USD, chiếm 95,2% (cùng kỳ năm trước 95,5%) và phần lớn là xuất khẩu trực tiếp (chiếm 85,3%).
Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là cao su, (chiếm 58,1% tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm 2010). Trong các tháng gần đây, do phía Trung Quốc hạn chế nhập nên lượng cao su xuất khẩu giảm mạnh, sản lượng xuất khẩu 7 tháng đạt 7,7 ngàn tấn, giảm 49,3% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá cao su tăng mạnh nên về trị giá chỉ sụt 6% so cùng kỳ. Gỗ các loại, chủ yếu là tạm nhập từ Lào và xuất sang Trung Quốc, 7 tháng đầu năm ước xuất 3,35 ngàn m3, tăng 64,6% so cùng kỳ, và do giá xuất tăng 34,2%, nên về trị giá tăng đến 128,4%. Các mặt hàng khai thác của tỉnh: nhựa thông, thủy sản, dăm gỗ khô, quặng titan và nón lá đạt giá trị XK 11,77 triệu USD, chiếm 30,3% tổng kim ngạch XK.
- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 2 triệu USD, 7 tháng đạt 10,7 triệu USD, bằng 96,5% SCK và đạt 35,5% KH. Một số mặt hàng chủ yếu như sau: Nhôm thanh nguyên liệu, gỗ các loại,nguyên vật liệu sản xuất tân dược... Ngoài ra còn có một số mặt hàng: nguyên liệu sản xuất gốm sứ, thép các loại, nguyên liệu phụ sản xuất nhôm thanh... với trị giá không đáng kể.
- Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số chung giá tiêu dùng tháng 7/2010 tăng 0,32% so tháng trước, tăng 3,52% so tháng 12/2010, tăng 5,34% so cùng kỳ. Trong đó: Nhóm hàng hoá và dịch vụ ăn uống tăng 0,62%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,76%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,42%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,2%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,1%; nhóm giao thống giảm 0,84%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,07%...
- Du lịch: Dự ước doanh thu của khối du lịch, khách sạn, nhà hàng tháng 7 đạt 86,4 tỷ đồng, 7 tháng đạt 544,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so cùng kỳ.
Du lịch lữ hành: Hoạt động du lịch lữ hành tháng 7 tiếp tục duy trì sự ổn định, Số lượt khách du lịch lữ hành dự kiến tháng 7 đạt 62.594 lượt khách, tăng 8,9% so tháng trước; dự ước 7 tháng đạt 240.283 lượt khách, tăng 11,6% so cùng kỳ. Trong đó, số lượt khách quốc tế trong tháng 7 đạt 404 lượt khách, dự ước 7 tháng lượt khách quốc tế đạt 6.785, tăng 24% so cùng kỳ. Dự ước tháng 7 doanh thu lữ hành đạt 3,9 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước; dự ước 7 tháng doanh thu lữ hành đạt 13,7 tỷ đồng, tăng 50,1% so với cùng kỳ.
- Dịch vụ vận tải: Dự ước khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 7 đạt 1.160 ngàn tấn, 7 tháng 5.760 ngàn tấn, tăng 25,4% SCK. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 7 đạt 59,1 triệu hk/km, 7 tháng đạt 284 triệu hk/km, tăng 30,3% so cùng kỳ. Tổng doanh thu vận tải tháng 7 đạt 72,8 tỷ đồng, 7 tháng đạt 512,8 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ.
7. Tài nguyên môi trường
- Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Trong tháng, ngành đã tập trung hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 cấp tỉnh để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Có 7/7 huyện, thành phố triển khai Quy hoạch đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 5 năm 2011-2015. Hiện nay, đề cương nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt 6/7 huyện, thành phố. Sở Tài nguyên môi trường và UBND các huyện đang chỉ đạo các xã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất theo quy định.
- Công tác giới thiêu địa điểm sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất: Thực hiện giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân. Trong tháng 7, đã làm thủ tục trình UBND tỉnh quyết định giới thiệu địa điểm sử dụng đất cho 7 công trình, dự án và đang giải quyết 6 hồ sơ; quyết định thu hồi, giao đất 4 công trình, dự án; cho thuê 3 công trình, dự án với diện tích 1,06 ha và đang giải quyết 2 hồ sơ; thẩm định nhu cầu sử dụng đất cho 2 dự án.
- Công tác đăng ký đất đai và đo đạc bản đồ: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các huyện và giúp các xã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Quảng Bình. Đến nay đã triển khai đo bản đồ địa chính 100 xã/159 xã, phường, thị trấn với diện tích đã đo 42.935 ha, đạt 62,9% kế hoạch.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo các huyện, các tổ chức trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý, hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước...
8. Sắp xếp doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh
- Công tác sắp xếp doanh nghiệp: UBND tỉnh đã phê duyệt đề án chuyển đổi4 công ty: Cao su Việt Trung, Lệ Ninh, LCN Long Đại, LCN Bắc Quảng Bình sang công ty TNHH 1 thành viên. Hiện nay, các Công ty đã hoàn thành các thủ tục chuyển đổi, đang xác định lại giá trị doanh nghiệp để làm thủ tục bàn giao.
- Công tác đăng ký kinh doanh: tháng 7 đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 35 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 57,56 tỷ đồng; 7 tháng cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 273 doanh nghiệp[3], với tổng số vốn đăng ký 647,6 tỷ đồng. Thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD của 50 doanh nghiệp, trong đó: 12 DN giải thể, 14 chi nhánh giải thể, 8 DN chuyển đổi loại hình hoạt động, 3 DN tổ chức lại và 13 DN do vi phạm pháp luật.
9. Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư
- Kinh tế đối ngoại:
Các dự án ODA: Các dự án tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện theo KH đề ra và tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng công trình, (dự án đường liên xã Hiền - Xuân - An - Vạn, huyện Quảng Ninh, Hệ thống cấp nước thị trấn nông trường Việt Trung đã hoàn thành) [4]. Một số dự án ODA mới đã khởi công xây dựng, các dự án khác đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thẩm định và cam kết vốn triển khai thực hiện [5]. Đã tranh thủ làm việc của các Bộ ngành Trung ương, các nhà tài trợ để bổ sung vốn ODA (như: dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới tăng bổ sung trượt giá 41 triệu USD; hiện đang lập dự án để tranh thủ nguồn vốn ODA 100 triệu USD để đầu tư Dự án Phát triển đô thị Đồng Hới (đã thu xếp được 1 triệu USD để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật); dự án Cải tạo lưới điện nông thôn RE II tăng lên 13,5 triệu USD; dự án đầu tư trang thiết bị trường Trung cấp nghề Quảng Bình 3 triệu USD...)
Các dự án NGO: Công tác vận động viện trợ được triển khai tích cực và đạt được một số kết quả. 7 tháng đầu năm 2010 đã tiếp được nhiều dự án viện trợ đầu tư cho các lĩnh vực: giáo dục, cung cấp nước sinh hoạt, mổ hở tim cho trẻ em nghèo, mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ Trung tâm trẻ khuyết tật Đồng Hới, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường...
- Công tác xúc tiến đầu tư: Trong tháng 7/2010 Trung tâm Tư vấn, xúc tiến Đầu tư của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 1 dự án đăng ký đầu tư mới: dự án đầu tư xây dựng tổ hợp du lịch nghĩ dưỡng quốc tế tại xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới của Liên danh 3 Công ty: Công ty cổ phần XVALUE Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Thăng Long và Công ty cổ phần đầu tư Tài chính Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT để chuẩn bị cho Diễn đàn Xúc tiến đầu tư các tỉnh Bắc Trung Bộ về lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tại Quảng Bình. Xây dựng Danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh gửi về Cục đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị cho Hội nghị XTĐT vào các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong 7 tháng đầu năm, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, thuộc các ngành, lĩnh vực vật liệu xây dựng, khoáng sản, thể thao giải trí và du lịch nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản, thương mại và một số lĩnh vực khác. Chỉ đạo các Sở, ban ngành kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư trên địa bàn để đẩy nhanh tiến độ, đã xem xét thu hồi một số dự án do triển khai chậm.
- Công tác ngoại vụ:
Đoàn ra: Trong tháng, giải quyết thủ tục xuất cảnh cho 07 đoàn với 34 lượt người đi các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazin với mục đích khảo sát, nắm nguồn tin các phần mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào; mời lãnh đạo các tỉnh tham dự Hội nghị trù bị cấp cao 8 tỉnh 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12; tham dự khoá đào tạo, học tập kinh nghiệm về quản lý và thực hiện các dự án; tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á năm 2010; đàm phán với Đội cắm mốc tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào về kế hoạch thực hiện công tác cắm mốc 6 tháng cuối năm 2010,…
Đoàn vào: Trong tháng, đã có 9 đoàn với 179 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình. Khách nước ngoài có quốc tịch: Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Thuỵ sỹ, Hà Lan, Canada, Phần Lan,…đến Quảng Bình để thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh; thăm và làm việc tại các dự án; tham gia trại hè và hỗ trợ dự án tổ chức các hoạt động dành cho các cháu trong vùng dự án,…
10. Tài chính, Tín dụng
Tài chính: Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7 ước 77,05 tỷ đồng, 7 tháng 677,98 tỷ đồng, tăng 13,14% SCK, đạt 62,48% KH. Trong đó: thu nội địa 570,69 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán ĐP, tăng 1,9% SCK; thu thuế XNK 107,28 tỷ đồng, tăng 173,75% SCK. Một số khoản thu chủ yếu: thu từ doanh nghiệp trung ương 112,37 tỷ đồng, bằng 76,6%; thu ngoài quốc doanh 160 tỷ đồng, bằng 36,8%; thu tiền cấp quyền sử dụng đất 151,6 tỷ đồng, tăng 29,3% so cùng kỳ. Chi ngân sách 7 tháng đạt 2.015 tỷ đồng, đạt 43,4% dự toán; trong đó: chi XDCB 717,7 tỷ đồng, đạt 35% dự toán; chi thường xuyên và chi khác 1.297,3 tỷ đồng, đạt 50% dự toán.
Tín dụng: Để đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn, các tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng đa dạng các hình thức, kỳ hạn và lãi suất huy động linh hoạt nhằm đẩy mạnh huy động vốn cho vay phát triển kinh tế địa phương. Đến ngày 20/7 nguồn vốn huy động đạt 7.317 tỷ đồng, tăng 0,4% so đầu tháng và tăng 17,7 % so đầu năm. Trong đó: Tiền gửi dân cư 5.369 tỷ đồng, tăng 2,2 % so đầu tháng và 16,1% so đầu năm; tiền gửi tổ chức kinh tế 1.521 tỷ đồng, giảm 2,1%; huy động bằng ngoại tệ chiếm 14,7 % nguồn vốn. Dự ước cuối tháng 7/2010 nguồn vốn huy động đạt 7.400 tỷ đồng, tăng 19% so đầu năm, trong đó tiền gửi dân cư đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 18,9%.
11. Giáo dục - Đào tạo
Trong tháng, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục và Đào tạo 5 năm (2005-2010) và triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các Hiệu trưởng trường phổ thông (tiểu học và trung học cơ sở) theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapore, có 134 Hiệu trưởng Trung học cơ sở, 118 hiệu trưởng tiểu học và cán bộ, chuyên viên sở, phòng Giáo dục và đào tạo tham gia. Chỉ đạo công tác tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên, nhân viên năm học 2010-2011 các đơn vị trực thuộc. Tổ chức thực hiện thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông và Trung học phổ thông chuyên năm học 2010-2011 được tiến hành một cách nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế.
12 Văn hoá thể thao và thông tin truyền thông
Trong tháng, Các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động như giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim màn ảnh rộng phục vụ nhân trên địa bàn, góp phần làm sôi nỗi, phong phú thêm hình ảnh của LLVT địa phương qua các thời kỳ nhân dịp lễ kỷ niệm chào mừng 65 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình (4/7/1945- 4/7/2010). Tỉnh đoàn Quảng Bình đã phối hợp với Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2010) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 7 liệt sỹ TNXP Đại đội 759 hy sinh tại đồi Cha Quang (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vào ngày 03/07/1966.
Hưởng ứng các hoạt động Kỷ niệm, các địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động TDTT như: hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Thi đua yêu nước”, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao từ cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân trên địa bàn hướng về ngày kỷ niệm.
14. Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Trong tháng, ngành Y tế đã chủ động triển khai và khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh, đặc biệt triển khai các biện pháp dự phòng đối với dịch tả, quai bị, sốt xuất huyết và dịch bệnh đường tiêu hoá khác thường xẩy ra trong mùa hè. Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm chỉ xảy ra một số trường hợp sốt phát ban dạng sởi ở người lớn, 59 trường hợp sốt xuất huyết ở Bố Trạch, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn nên đã hạn chế không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng và không có trường hợp nào tử vong.
15. Lao động, Thương binh và Xã hội
Trong tháng, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lao động của Công ty Lệ Ninh và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt định biên lao động của Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Bình. Thẩm định chế độ cho lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại của Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng COSEVCO 12 và nhà máy xi măng COSEVCO 11 thuộc công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng COSEVCO I. Tiếp tục thực hiện giải quyết các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định của Nhà nước. Thực hiện giải quyết các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 63 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Vận động trên 300 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa năm 2010.
Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chương trình hành động Vì trẻ em giai đoạn 2011-2020. Tổ chức Hội trại trẻ em vượt khó tỉnh Quảng Bình lần thứ VI cho 750 em học sinh được nhận học bổng của dự án C.I ở các huyện, thành phố...
16. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Trong tháng, đã trình UBND phê duyệt Điều lệ Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh; trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh giới thiệu nhân sự tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015 và nhân sự Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Khuyến học và Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015; trình UBND tỉnh Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh...Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh miễn nhiệm, bầu bổ sung Uỷ viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2010; trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm và kết quả bầu cử theo quy định; trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã...
Thực hiện dự án công trình Hiệu chỉnh theo hệ toạ độ Quốc gia VN-2000 đối với hồ sơ, bản đồ Địa giới hành chính các cấp tỉnh Quảng Bình: kiểm tra chuẩn bị cho công tác nghiệm thu nội nghiệp bộ hồ sơ, bản đồ dịa giới hành chính các cấp.
Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010; dự thảo báo cáo tổng kết chương trình Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chương trình Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
b.Công tác tư pháp
Công tác thẩm định, góp ý VBQPPL thường xuyên được triển khai thực hiện. Tiến độ, thời gian tham gia góp ý và thẩm định văn bản được đảm bảo; chất lượng từng bước được nâng cao. Hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh lập hồ sơ yêu cầu thẩm định dự thảo VBQPPL bằng nhiều kênh khác nhau và tập huấn kỹ thuật soạn thảo văn bản cho các đối tượng có liên quan. Trong tháng, đã tích cực thực hiện việc thẩm định và góp ý các dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan ở Trung ương và địa phương gửi đến (thẩm định 08 văn bản; góp ý 03 văn bản); hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Sở Nội vụ thẩm định Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Quảng Bình.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu; trình UBND tỉnh xem xét đăng ký kết hôn cho 02 trường hợp; cấp giấy xác nhận về việc đã ghi chú kết hôn 10 trường hợp; thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 171 trường hợp.
Tích cực thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng (cử Luật sư là cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng; trợ giúp pháp lý lưu động tại huyện Lệ Thủy và Minh Hóa). Trong tháng 7 đã thực hiện trợ giúp pháp lý với tổng số 265 vụ việc, tổng số đối tượng được trợ giúp 266 người.
Công tác thi hành án dân sự: Tổng số vụ việc phải thi hành: 1.982 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành: 748 việc, số việc chưa có điều kiện thi hành 1.234 việc, số việc đã giải quyết trong tháng 101 việc, đạt tỷ lệ 13,5%. Tổng số tiền phải thi hành 24.952 triệu đồng, trong đó số tiền có điều kiện thi hành 6.684 triệu đồng, số tiền chưa có điều kiện thi hành 18.267.
Triển khai thực hiện công tác phổ biến GDPL theo kế hoạch đề ra, xây dựng Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật; Chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác PBGDPL. Chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01/1999/NQLT/TP-VHTT-NNPTNT-DTMN-ND về PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
c Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
Ngành Thanh tra tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, triển khai các cuộc thanh tra mới theo Chương trình, kế hoạch được duyệt. Thanh tra tỉnh đã kết thúc cuộc thanh tra chuyên để diện rộng về việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra các huyện, thành phố và các ngành đang tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng ngân sách ở một số đơn vị, xã, phường, trường học; việc đầu tư xây dựng một số công trình ở các huyện, thành phố trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, văn hoá, giáo dục,...
Trong tháng 7, tại trụ sở Tiếp dân của UBND tỉnh tiếp 8 công dân đếnkhiếu kiện, đã được lãnh đạo UBND tỉnh giải thích, hướng dẫn; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quyết định giải quyết và chỉ đạo giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền. Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 20 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó khiếu nại 12 đơn, tố cáo 8 đơn. Nhìn chung, công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo thực hiện tốt; lãnh đạo và cán bộ tiếp dân đã trực tiếp xem xét, hướng dẫn, trả lời thắc mắc cho công dân; đồng thời giao trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.
17. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên trên địa bàn tỉnh và hai tuyến biên giới tiếp tục được giữ vững và cơ bản ổn định. Các ngành chức năng đã tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm trấn áp mạnh các loại tội phạm; chỉ đạo các lực lượng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Tuy nhiên, trên tuyến biển có tàu của ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển Quảng Bình để đánh bắt hải sản. 2 tàu của ngư dân Quảng Trạch đang đánh cá ở vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc bộ bị tàu cá có vũ trang của Trung Quốc bắt giữ. Xảy ra 2 vụ vi phạm quy chế biên giới, có 7 đối tượng vào khu vực biên giới (thuộc địa bàn huyện Lệ Thuỷ) làm ăn bất hợp pháp.
Trong tháng, phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội xảy ra 36 vụ, chủ yếu gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, buôn bán, vận chuyển lâm sản, sử dụng trái phép chất ma tuý, trộm cắp, cướp giật, đánh bạc;... làm chết 1 người, bị thương 15 người, tài sản thiệt hại khoảng 303 triệu đồng, bắt và xử lý 43 đối tượng, thu hội 12,3 triệu đồng.
Tháng 7, đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (giảm 5 vụ so với tháng trước), làm chết 17 người, bị thương 8 người. 7 tháng xảy ra 129 vụ làm chết 136 người, bị thương 72 người. Công tác tuần tra giao thông tiếp tục được tăng cường, đã tiến hành phạt các hành vi vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ... nhằm đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi tham gia giao thông./.


[1] Cụ thể: Minh Hoá 180 ha, tập trung ở các xã Minh Hoá, Trung Hoá, Tân Hoá, thị trấn Quy Đạt, Hồng Hoá; Tuyên Hoá 300 ha, tập trung ở các xã Kim Hoá, Lê Hoá, Phong Hoá, Cao Quảng; Quảng Trạch 600 ha, tập trung ở các xã Quảng Thọ, Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Tiên, Quảng Liên, Quảng Minh; Bố Trạch 1.500ha, tập trung ở cácxã Đại Trạch, Trung Trạch, Hoà Trạch, Tây Trạch, Lý Trạch, Liên Trạch, Thanh Trạch; Quảng Ninh 500 ha, tập trung ở các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Tân Ninh, Vạn Ninh.
[2]Trong đó: ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản thực hiện 91,2 tỷ đồng, đạt53,5% KH; ngành công nghiệp chế biến chế tạo thực hiện 13,7 tỷ đồng, đạt 47,3% KH; ngành vận tải kho bãi thực hiện 200 tỷ đồng, đạt 50,1% KH; ngành khoa học công nghệ thực hiện 11,6 tỷ đồng, đạt 40,7% KH; ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ thực hiện 20,4 tỷ đồng, đạt 54% KH; hoạt động nghệ thuật vui chơi giãi trí thực hiện 18,5 tỷ đồng; đạt 70% KH; ngành y tế và cứu trợ xã hội thực hiện 43,4 tỷ đồng, đạt 48% KH; ngành giáo dục đào tạo thực hiện 91,2 tỷ đồng, đạt 48,6% KH; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 54,3 tỷ đồng, đạt 48,7% KH.
[3] trong đó: có 31 DN tưnhân, 110 Công ty TNHH 2 TV, 103 Công ty TNHH 1 TV, 29 C.ty cổ phần,.
[4] Dự án QLBV nguồn TNTN miền Trung, Dự án Giảm nghèo khu vực miền Trung tỉnh Quảng Bình đã kết thúc dự án; các dự án Vệ sinh môi trường Đồng Hới, thủy lợi Thượng Mỹ Trung, dự án phân cấp Giảm nghèo, dự án Phong Nha – Kẻ Bàng... Đang triển khai các hoạt động theo kế hoạch.
[5] . Dự án đường từ thị trấn Kiến Giang đi Quy Hậu- Văn Thuỷ- Mỹ Thuỷ; dự án cải tạo lưới điện 7 xã thuộc hai huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá đã khởi công xây dựng. Dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch, Dự ánthoát nước và vệ sinh đô thị Ba Đồn đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị ký kết hiệp định; dự án đầu tư trang thiết bị dạy nghề Trường Trung cấp nghề Quảng Bình, phía Hàn Quốc đã thẩm định dự án, chủ đầu tư đã làm thủ tục để chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang cấp phát

Website Quảng Bình

    Tổng số lượt xem: 1715
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)