Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/06/2009-08:30:00 AM
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đang lấy lại tốc độ tăng trưởng
Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách kịp thời và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như hỗ trợ lãi suất, thực hiện các chương trình kích cầu vào những lĩnh vực trọng điểm… để ứng phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu khá hiệu quả so với các nước khác nên kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.

WB: Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách kịp thời và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu - Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là đánh giá của ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam (nguyên Quyền Giám đốc WB Việt Nam) tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấncác nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2009 (CG), chiều 4/6 tại Hà Nội.

Ông Martin Rama cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế năng động và có một số đặc điểm riêng như dân số trẻ và thị trường lao động linh hoạt đã giúp giảm thiểu các tác động xã hội của suy giảm kinh tế. Mức độ tổn thương thấp vì người dân và doanh nghiệp không dựa nhiều vào nguồn vốn vay, khả năng kinh doanh linh hoạt thể hiện qua việc tìm kiếm các bạn hàng và thị trường xuất khẩu mới… “Những lý do trên đã giúp nền kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu rõ nét về khả năng phục hồi kinh tế.”, ông Martin Rama phân tích.

Theo đánh giá mới nhất của WB về tình hình kinh tế Việt Nam gần đây thì ngành xây dựng đang phục hồi mạnh, GDP của ngành xây dựng năm 2008 giảm 0,4% nhưng trong quý I/2009 tăng trên 6,9% và WB dự kiến có thể đạt tăng trưởng 2 con số cho cả năm 2009.

Tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng được đánh giá là khá hơn so với các nước trong khu vực. Mặc dù xuất khẩu là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2009 đạt 7,4%, (trong khi đó các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm). WB đánh giá Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, các hoạt động kinh tế đang hồi phục, lấy lại tốc độ tăng trưởng và đi lên.

Đối với những tác động xã hội của suy giảm kinh tế, trong đó có thị trường lao động, theo các đánh giá tác động nhanh do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) kết hợp với WB tiến hành tại một số chợ lao động, làng nghề và các khu công nghiệp gần Hà Nội trong tháng 2, 3, 4 thì ảnh hưởng tiêu cực lớn như: Tái nghèo, thiếu ăn, bán đất, vô gia cư… là không phổ biến; tình trạng mất việc chỉ phổ biến đối với lao động thời vụ và người ký hợp đồng ngắn hạn.

Theo WB, thị trường lao động đô thị hiện nay đang nhộn nhịp trở lại. Đặc biệt là thị trường lao động dành cho những lao động tay nghề cao và thủ công sẽ tăng lên.

WB cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội như: Tách biệt từng giai đoạn hỗ trợ lãi suất; chuyển dịch từ chính sách tiền tệ sang chính sách tài khóa; cụ thể hơn các khoản chi tiêu của gói kích cầu lần hai, tăng đầu tư cho các dự án cấp bách; đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn ODA; tăng cường chất lượng công tác giám sát ngân hàng; tiếp tục cải cách khu vực công; tăng cường công bằng xã hội, đảm bảo đủ nguồn vốn cho các chương trình hỗ người nghèo.

Tại buổi họp báo, WB cũng thông báo, Hội nghị CG sẽ chính thức được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong hai ngày từ 8-9/06/2009.

Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận vào các chủ đề chính như: Đánh giá tình hình phát triển kinh tế vĩ mô, những diễn biến mới và triển vọng tăng trưởng cho năm 2009; Ảnh hưởng xã hội bắt nguồn từ việc suy giảm kinh tế và chính sách thích ứng của Chính phủ; Quản trị công và chống tham nhũng, trong đó tập trung vào việc thực hiện Chiến lược Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Biến đổi khí hậu: Thích nghi và giảm thiểu tác động; Hiệu quả viện trợ và tiến triển của quá trình hài hòa thủ tục.

Trước thềm Hội nghị CG 2009, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một hoạt động gắn với Hội nghị dành cho các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (WB)và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức. Các Hiệp hội doanh nghiệp đã đối thoại với Chính phủ về thị trường vốn và ngân hàng, sản xuất và phân phối, du lịch; nghe và thảo luận về kết quả khảo sát về các trở ngại trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư; Ấn tượng của doanh nghiệp trong và ngoài nước về môi trường kinh doanh tại Việt Nam./.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1157
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)