(MPI Portal) - Hôm nay ngày 08/6/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG giữa kỳ) 2009 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự Hội nghị CG giữa kỳ lần này có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, nhiều Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, đại diện khoảng 40 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế có tài trợ cho Việt Nam, đại diện gần 20 hội nghề nghiệp và xã hội và đông đảo các hãng truyền hình, thông tấn và báo chí đưa tin về sự kiện này. Đồng Chủ tịch của Hội nghị CG giữa kỳ là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa.
Hội nghị đã nghe các bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư.
Nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị liên quan đến các vấn đề quan trọng như: (1) Tình hình phát triển kinh tế - xã hội gần đây và dự báo năm 2009; Báo cáo của Diễn đàn doanh nghiệp; (2) Tác động xã hội của suy giảm kinh tế và chính sách của Chính phủ; (3) Thực hiện Chiến lược chống tham nhũng đến năm 2020; (4) Vấn đề biến đổi khí hậu; (5) Hài hòa hóa và hiệu quả viện trợ.
Tại phiên họp sáng nay, Hội nghị đã tiến hành thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2009 và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2009:
- Nền kinh tế vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn Quý I năm 2008. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I đạt 3,1% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 7,49%.
- Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhưng đang có xu hướng phục hồi. So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 4.4%, sang tháng 2 tăng 14,9%, tháng 3 tăng 2,4%, tháng 4 tăng 5,4%, tháng 5 tăng 6,8%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Trong 5 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển khá. Sản lượng lúa đông xuân của đồng bằng sông Cửu Long đạt mức kỷ lục.
- Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất so với nông nghiệp và công nghiệp, thể hiện rõ nét trong hoạt động thương mại, dịch vụ nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm 2009 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trên cơ sở dự báo các diễn biến kinh tế thế giới và xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2009 đạt mức 5%, trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 2 - 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 3,5 - 5%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5 - 7,7%.
Trong các thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đại diện một số nhà tài trợ đã đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2009 và những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế. Các nhà tài trợ cũng lưu ý với Chính phủ Việt Nam một số các vấn đề liên quan đến gói kích thích kinh tế, cụ thể là một phần của gói kích thích này cần được phân bổ cho vốn đối ứng của các dự án ODA; tăng cường phát triển thị trường nội địa hơn là tập trung mạnh vào xuất khẩu. Một số ý kiến cũng cho rằng kinh tế Việt Nam đang trên con đường phục hồi nhưng cần phải duy trì sự ổn định vĩ mô, cụ thể là nên cơ cấu một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như chính sách vĩ mô về tiền tệ và tài khóa đang được nới lỏng, đang phát huy hiệu quả, nhưng có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cam kết việc Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, chứ không như một số nước thực hiện chính sách bảo hộ đi ngược lại các cam kết của WTO.
Trả lời và bình luận ý kiến của các nhà tài trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn xác định rằng, thực hiện các biện pháp kích cầu nhưng luôn bảo đảm các nguyên tắc ổn định vĩ mô như nợ quốc gia không vượt quá 40% GDP và thực hiện các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm cơ cấu lại mô hình phát triển, ngành nghề, doanh nghiệp và thể chế kinh tế trong đó chú trọng đến hệ thống ngân hàng, tài chính.
Ảnh hưởng lên xã hội do suy giảm kinh tế và chính sách của Chính phủ
Hội nghị đã nghe Báo cáo "Diễn biến của thị trường lao động, nghèo đói và các chính sách bảo trợ xã hội ở tầm quốc gia” của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tham luận "Ảnh hưởng xã hội của suy giảm kinh tế" của Viện Khoa học xã hội Việt Nam; và Báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội, nghèo đói và chính sách của Chính phủ cho khu vực Tây Nguyên" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong các thảo luận về ảnh hưởng lên xã hội do suy giảm kinh tế, các Bộ ngành đã có các ý kiến bổ sung và làm rõ thêm các báo cáo đã được trình bày.
Về phát triển Tây Nguyên: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày sơ lược các chính sách liên quan phát triển thủy lợi nhỏ, chương trình phát triển cây cao su, phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát huy tài nguyên nước mặt của vùng.
Về lao động: Đối với lao động mất việc ở nông thôn, Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác thông tin cho người lao động, đặc biệt tại các vùng nông thôn; Xây dựng Chiến lược đào tạo nghề giai đoạn 2015 - 2020; Đề án thị trường lao động và Đề án bảo hiểm thất nghiệp.
Về đào tạo: Triển khai dự án đào tạo nghề cho nông dân (bao gồm lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp); Đề án đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục.
Một số nhà tài trợ có các ý kiến và bình luận liên quan đến các vấn đề xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, cụ thể:
- Các chính sách bảo trợ xã hội của Chính phủ, cụ thể là gói kích thích kinh tế cần có định hướng hỗ trợ thêm vào giảm nghèo và khu vực nông thôn. Các nhà tài trợ rất hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
- Một số vấn đề khác liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống HIV/AIDS, điều tra mức sống và phát triển bền vững tại Tây Nguyên.
Trước ý kiến của các nhà tài trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và môi trường. Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà tài trợ quan tâm và hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho các vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, giảm đói nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ chương trình đào tạo nghề, xây dựng bệnh viện tuyến huyện, chương trình phòng chống HIV/AIDS, điều tra mức sống, dân số, công tác thông tin cho cộng đồng, v.v...
Buổi chiều, Hội nghị CG giữa kỳ tiếp tục làm việc với các nội dung liên quan đến Quản trị công và chống tham nhũng; Biến đổi khí hậu: Thích nghi và giảm thiểu rủi ro; Hài hòa hóa và hiệu quả viện trợ.
Phòng chống tham nhũng tại Việt Nam
Tại Hội nghị, Thanh tra Chính phủ đã trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam bao gồm các nội dung như tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng trong 5 tháng đầu năm; những nhiệm vu trọng tâm thời gian tới; Các giải pháp chủ yếu của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Liên quan đến các công tác triển khai đầu năm 2009 cụ thể như tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng (gặp mặt một số cá nhân có thành tích trong phòng chống tham nhũng, tổ chức ngày sáng tạo Việt Nam 2009 "Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng"), tổ chức đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 5 giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế, các công tác hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng và công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trong 5 tháng đầu năm 2009.
Biến đổi khí hậu
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong năm nước đang phát triển chịu tác động nghiêm trọng nhất về biến đổi khí hậu. Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm phê chuẩn và ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng như Nghị định thư Kyoto của Công ước.
Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu với các ngành, lĩnh vực, địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Để giúp đỡ thực hiện Chương trình này, Chính phủ Đan Mạch đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 200 triệu cua-ron (khoảng 40 triệu USD).
Quang Tùng
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư