Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia và New Zealand (AANZFTA) được ký ngày 27-2-2009 tại Thái Lan hiện đang chờ các quốc gia phê chuẩn, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2010. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, thiết thực của các nước (trong đó có Việt Nam) về quyết tâm thúc đẩy quan hệ thương mại, cùng hợp tác để vượt qua khó khăn do cuộc khủng hoảng gây ra.
Ngày 5-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Tổng Lãnh sự Australia tại TPHCM và Tổng lãnh sự New Zealand đã công bố nội dung của hiệp định này.
Sẽ xóa bỏ hơn 90% dòng thuế
Theo nhận định của bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc VCCI tại TPHCM, hiệp định AANZFTA là một thỏa thuận khu vực thương mại tự do toàn diện nhất giữa ASEAN với đối tác ngoài khối, sẽ thiết lập một khuôn khổ hoàn chỉnh và toàn diện cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa ASEAN với Australia và New Zealand.
Hiệp định bao gồm các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân và hợp tác kinh tế. AANZFTA sẽ bao trùm một khu vực có tổng dân số là 600 triệu người và GDP ước tính khoảng 2,7 ngàn tỷ USD.
Về lợi ích, AANZFTA sẽ đưa ra tiến trình giảm hay xóa bỏ thuế theo thời gian, tiến tới dỡ bỏ toàn bộ các loại thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN. Theo hiệp định, đến năm 2018, ASEAN – Australia – New Zealand cùng cam kết xóa bỏ thuế quan với ít nhất hơn 90% số dòng thuế. Phần lớn các dịch vụ và đầu tư sẽ được mở cửa cho các bên tham gia.
Hiệp định cũng thiết lập một cơ chế hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo các biện pháp phi thuế quan như cơ chế cấp phép, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không tạo thành những rào cản thương mại trong khu vực. Những cam kết này không nằm ngoài mục đích giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, còn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc mua hàng giá rẻ do giảm thuế.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
|
Công ty thủ công mỹ nghệ Lạc Phương Nam (Thủ Đức TPHCM) sản xuất bình gốm phủ sơn mài cao cấp xuất khẩu qua thị trường Australia
|
Ông Tony Burchill, Cao ủy Thương mại Australia cho rằng, năm 2008, kim ngạch thương mại 2 chiều VN – Australia ước đạt 5,6 tỷ USD; VN – New Zealand đạt 300 triệu USD; có hơn 190 dự án đầu tư của 2 nước vào VN với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD, song con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Đặc biệt, VN là một quốc gia với xuất khẩu chiếm khoảng 70% GDP thì việc thực hiện cam kết từ hiệp định sẽ giúp các DNVN đứng trước nhiều cơ hội lớn, trong đó các DN xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng như dệt may, giày da, đồ gỗ… sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế quan. Đây cũng là những mặt hàng chủ lực mà Australia, New Zealand đang nhập khẩu từ VN. Hàng VN sẽ cạnh tranh tốt hơn về giá so với các đối thủ tại các thị trường này. Còn với DNVN cũng có cơ hội tiếp cận với nguồn nguyên vật liệu và máy móc của Australia và New Zealand với giá rẻ hơn.
Cũng theo ông Tony, đối với mặt hàng dệt may của VN khi xuất khẩu vào Australia, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, dự kiến là vào tháng 1-2010, sẽ có 563 dòng thuế được áp dụng ở mức 0%. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo 2 giai đoạn và đến năm 2020, Australia sẽ loại bỏ tất cả các dòng thuế đối với mặt hàng này. Các mặt hàng công nghiệp khác như giày dép, giấy và bột giấy… cũng sẽ được cắt giảm theo từng giai đoạn.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sản phẩm như thịt và gia súc sống; cá và các sản phẩm từ cá; sản phẩm sữa; ngũ cốc; trái cây tươi, khô và hạt; rau củ… Australia cũng sẽ được đưa về mức 0% trong năm 2020. Theo ông Graham Sims, Tổng Lãnh sự New Zealand tại TPHCM, đây là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có thế mạnh của VN, do vậy ngay từ bây giờ các DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin để tận dụng cơ hội từ hiệp định mang lại.
Một vấn đề quan trọng khi AANZFTA có hiệu lực đó là Australia sẽ cam kết công nhận thực trạng nền kinh tế thị trường của VN. Điều này rất có ý nghĩa vì trong bất kỳ cuộc điều tra nào về chống bán phá giá mà phía Australia tiến hành liên quan đến hàng nhập khẩu từ VN, VN sẽ được đưa vào quy trình xem xét tương tự như các quốc gia thành viên khác của WTO.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng lo ngại, hiện thông tin của các DNVN từ 2 thị trường Australia và New Zealand rất hạn chế. Mặt khác, dân số của 2 nước này chưa nhiều nên chưa thu hút sự chú ý của các DN. Điều này đồng nghĩa, nếu các DNVN không tận dụng tốt cơ hội thì hiệp định sẽ chỉ có lợi cho Australia và New Zealand, nhất là trong bối cảnh hàng xuất khẩu của VN đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.
Để giải tỏa điều này, ông Sims cho biết, trong 5 năm đầu hiệp định có hiệu lực, Australia sẽ đầu tư 20 triệu đô la Australia, phía New Zealand cũng chi 7 triệu đô la để hỗ trợ về kỹ thuật, tập huấn thông tin cho các bộ, ngành DN của các nước ASEAN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đây là cách tốt nhất để tiến tới tự do hóa mậu dịch trong khu vực, giảm chi phí vận hành kinh doanh của các DN nhằm tạo ra những đòn bẩy mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác thương mại, đặc biệt là giữa VN – Australia và New Zealand./.
Thúy Hải
Báo Sài Gòn giải phóng điện tử