Mục tiêu lớn về phát triển thương mại nông thôn của tỉnh Hậu Giang là đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; 80% thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.
|
Siêu thị CO.OP MART Vị Thanh một loại hình kinh doanh hiện đại
|
|
Mục tiêu này nằm trongChương trình "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020" của tỉnh Hậu Giang.
Phấn đấu 50% hàng nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2011, tỉnh phấn đấu sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn. Đồng thời, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 22% năm; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20%.
Đến năm 2015 tất cả các xã đều có chợ đi vào hoạt động; 100% chợ trung tâm của các huyện được kiên cố hóa và 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa; tỷ lệ hàng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng chiếm từ 25 - 30% và đến năm 2020 là 45 – 50%.
Giai đoạn 2015 đến 2020 hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch.
Tỉnh cũng quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ đầu mối nông sản; 80% thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.
Nâng cấp mạng lưới chợ là nhu cầu cần thiết
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Thành Lập, hiện tại trên địa bànHậu Giang có 64 chợ và 1 siêu thị. Trong đó có 4 chợ loại I, 4 chợ loại II, còn lại là chợ loại III và chợ tạm. Nhìn chung, hầu hết các chợ loại III, chợ tạm nằm ở địa bàn xã, vùng nông thôn sâu, chủ yếu phục vụ cho việc mua bán của bà con nông thôn và đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp, trang bị dụng cụ bán hàng thô sơ, không có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnhđó, công tác quản lý chợ còn lỏng lẻo, từ quản lý cơ sở vật chất, tài sản, hoạt động của thương nhân, các nguồn thu còn nhiều bất cập. Nhiều chợ không có quản lý chợ, trình độ cán bộ quản lý yếu.
Ông cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn còn khoảng 18 xã chưa có chợ và 16 xã phải thực hiện việc đầu tư nâng cấp trong thời gian tới.
Chính bởi vậy, triển khai hiệu quả Đề án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của cư dân nông dân, để người dân được tham gia và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.
Hà Phương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ