Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á- Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) xuất bản nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 của Việt Nam là 6,5% có thể đạt được một cách dễ dàng.
|
Bản báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương: Việt Nam là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng đáng khích lệ
|
Được giới thiệungày (7/4), báo cáo nêu rõ, là một quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu trong GDP cao và một nền kinh tế mở, Việt Nam đã chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn so với dự kiến.
GDP thực tế đã tăng khoảng 5,3% năm 2009, trong đó có đóng góp lớn từ tăng trưởng của ngành Xây dựng.
Sự phục hồi kinh tế cũng đã được củng cố trong những tháng gần đây, với GDP thực tăng 6,9% trong quý IV/2009 so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào quý I/2010 cũng đáng khích lệ.
Các chính sách tiền tệ được điều hành một cách linh hoạt đã làm cho tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do lại gần với biên độ chính thức hơn và khiến thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh đáng kể.
Bản báo cáo cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 của Việt Nam là 6,5% có thể đạt được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là phải giữ lạm phát ở dưới mức 7%, theo yêu cầu của Quốc hội.
Nhận xét chung về các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB dự báo tăng trưởng GDP thực tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2010 lên 8,7%, cao hơn gần 1% so với mức dự báo tăng trưởng đưa ra tháng 11/2009.
Lý do là một số nước đang phát triển trong khu vực vẫn tiếp tục các gói kích cầu tài chính - tiền tệ và nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Hơn nữa, quản lý được mức thâm hụt ngân sách, đảm bảo công nợ và nợ nước ngoài ở mức tương đối thấp sẽ giúp các nước tăng trưởng khả quan.
Mặc dù lạc quan về tốc độ phục hồi kinh tế của Đông Á, WB cũng chỉ ra những vấn đề mà các nước phải đối mặt trong trung hạn. Đó là khả năng tăng trưởng chậm trong tương lai và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Do đó, các nước Đông Á cần thận trọng hơn trong việc rút dần các gói kích thích tài chính trong ngắn hạn, đồng thời quay trở lại chương trình cải tổ cơ cấu và thúc đẩy phát triển dài hạn.
Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương là nghiên cứu định kỳ của WB về kinh tế khu vực, được xuất bản 2 lần trong 1 năm./.
Giang Oanh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ