Một căn hộ tại Hồng Kông được bán với mức giá kỷ lục 439 triệu Đô la Hồng Kông (tương đương 46,6 triệu USD) Giới quan sát xôn xao khi vào ngày 14/10, một căn hộ tại Hồng Kông được bán với mức giá kỷ lục 439 triệu Đô la Hồng Kông (tương đương 46,6 triệu USD, khoảng 851,4 tỷ VND).
|
Tòa nhà chọc trời ở vị trí chính giữa khung hình là nơi có căn hộ được Handerson Land bán với giá kỷ lục, 439 triệu Đô la Hồng Kông
|
Mức giá “trên trời” này đã được thỏa thuận giữa công ty phát triển địa ốc Handerson Land với khách mua chỉ vài giờ sau khi quan chức Hồng Kông lên tiếng cảnh báo đặc khu này có thể đang phải đối mặt với tình trạng bong bóng địa ốc.
Danh tính của vị khách hàng dám bỏ ra gần 47 triệu USD để sở hữu căn hộ này không được Handerson tiết lộ cụ thể, mà chỉ cho biết là một công ty có đăng ký ở Hồng Kông. Cũng theo Handerson, nhiều khả năng số tiền mà công ty này chi ra để mua căn hộ là tiền họ kiếm được ở Trung Quốc đại lục.
Với sự phục hồi ngày càng rõ nét của kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua, tầng lớp những người giàu có ở nước này đang tăng cường đổ tiền vào thị trường nhà đất Hồng Kông, tạo ra một đợt sóng lớn về giá bất động sản cao cấp ở đây. Do Hồng Kông neo tỷ giá đồng tiền của mình vào USD và lãi suất cơ bản của Đô la Hồng Kông cũng được neo vào lãi suất USD, nên với những dòng tiền lớn chảy vào các ngân hàng tại đây, lãi suất vay thế chấp nhà thả nổi đã giảm xuống mức thấp chỉ 2,05%, khiến tình trạng đầu cơ địa ốc bùng nổ.
Trong bài phát biểu thường niên về chính sách vào ngày 14/10, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Tăng Âm Quyền đã cảnh báo rằng, tình trạng giá nhà tăng mạnh sẽ không kéo dài mãi. “Số đơn vị nhà ở được hoàn thành ở mức thấp và mức giá kỷ lục xuất hiện trong một số giao dịch nhất định của năm nay đã dẫn tới những lo ngại về nguồn cung căn hộ, khó khăn trong việc mua nhà, và khả năng bong bóng địa ốc”, ông Tăng Âm Quyền nói.
Căn hộ giá “khủng” mà Handerson Land bán ngày 14/10 là một căn hộ thông tầng, có 2 tầng, nằm trong một tòa nhà chọc trời nhìn ra vịnh Victoria. Căn hộ này có diện tích 572m2, 5 phòng ngủ và vườn cây. Trước khi căn hộ này được bán, Handerson đã bán được một căn hộ cùng tầng với giá 397 triệu Đô la Hồng Kông. Trong tháng 8, một căn hộ ở quận Kowloon của Hồng Kông đã được bán cho một doanh nhân với giá 24,5 triệu USD.
Không giống như ở nhiều nơi khác, ở Hồng Kông, chính quyền địa phương sở hữu hầu hết đất đai và cho các công ty phát triển nhà thuê đất với thời hạn tối đa 99 năm. Mỗi hợp đồng thuê đất đều bao gồm các điều khoản rõ ràng và khó được điều chỉnh về diện tích tòa nhà được xây, cách thức sử dụng tòa nhà…
Hiện Hồng Kông còn có hơn 1.000 tòa nhà công nghiệp cũ để lại từ thời thành phố này còn là một trung tâm sản xuất công nghiệp, trước khi hầu hết các nhà máy được chuyển tới Trung Quốc đại lục vào những năm 1980 và 1990 để tận dụng nguồn lao động giá rẻ.
Do chính quyền Hồng Kông có quy định ngặt nghèo là những tòa nhà công nghiệp này chỉ dành cho các công ty sản xuất sử dụng, nhiều tòa nhà trong số này đang bị bỏ trống hoặc dùng làm nhà kho cho các công ty sản xuất ở đại lục, dù có tòa nhà chiếm vị trí đắc địa và diện tích lớn.
Ông Tăng Âm Quyền cho biết, hiện chính quyền Hồng Kông có kế hoạch bắt đầu cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc xây lại những tòa nhà này. Tuy nhiên, ông Tăng Âm Quyền không đề cập đến chuyện sẽ chuyển đổi các tòa nhà công nghiệp này thành các dự án nhà ở.
Ông Lau Siu Kai, người đứng đầu bộ phận chính sách trung tâm của chính quyền Hồng Kông cho biết, các nhà chức trách muốn sử dụng các tòa nhà công nghiệp để làm văn phòng cho các công ty thuộc 6 ngành công nghiệp mà thành phố này đang muốn phát triển, gồm giáo dục, y tế, kiểm định và chứng nhận, công nghiệp môi trường, công nghiệp, văn hóa và giải trí.
Tại Hồng Kông, chỉ một nửa dân số có nhà, số còn lại sống trong những khu nhà trợ giá hoặc thuộc sở hữu của chính quyền. Tại thành phố này, giá nhà là chủ đề của hầu hết mọi câu chuyện hàng ngày.
Người tiền nhiệm của ông Tăng Âm Quyền là ông Đổng Kiến Hoa đã nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nhà kinh niên và mức giá nhà cao ở Hồng Kông bằng cách tăng cho thuê đất đối với các công ty phát triển địa ốc nhằm tăng nguồn cung căn hộ. Nỗ lực này đang được thực thi thì cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 xuất hiện, góp phần khiến giá nhà ở tại Hồng Kông giảm 68% trong thời gian từ năm 1997 tới đầu mùa hè năm 2003, khi dịch SARS gần đi vào hồi kết.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, nếu lãi suất ở Mỹ tăng lên, những người mua nhà ở Hồng Kông có thể bị mắc kẹt, vì hầu hết các khoản vay thế chấp nhà ở Hồng Kông đều là các khoản vay lãi suất thả nổi.
Tuy nhiên, mức giá nhà kỷ lục gần 47 triệu USD thiết lập hôm 14/10 có khả năng sẽ không tồn tại lâu, vì đã có những dự án nhà mới ở Hồng Kông với mức giá dự kiến thậm chí còn cao hơn mức giá trên./.